Ôm lòng đêm / nhìn vầng trăng mới về / nhớ chân giang hồ / ôi phù du / từng tuổi xuân đã già / một ngày kia đến bờ / đời người như gió qua.
Không còn ai / đường về ôi quá dài / những đêm xa người / chén rượu cay / một đời tôi uống hoài / trả lại từng tin vui / cho nhân gian chờ đợi.
Về ngồi trong những ngày / nhìn từng hôm nắng ngời / nhìn từng khi mưa bay / có những ai xa đời quay về lại / về lại nơi cuối trời / làm mây trôi.
Thôi về đi / đường trần đâu có gì / tóc xanh mấy mùa / có nhiều khi / từ vườn khuya bước về / bàn chân ai rất nhẹ / tựa hồn những năm xưa.
Trịnh Công Sơn
******************************************************
“Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về… ” Giọng ca trầm bổng của Nguyên Khang cất lên nhè nhẹ trong đêm khuya thanh vắng như ru hồn người vào cõi cô tịch với chị Hằng. Điệu nhạc da diết quyện với những ẩn chứa sâu lắng trong từng ca từ “Phôi Pha” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm thổn thức cõi lòng ai, như thức tỉnh người nghe về với một thực tại phũ phàng của“từng tuổi xuân đã già”, khi bên mình “không còn ai”. Theo phóng sự trong ngày lễ an táng ông, nhạc phẩm “Phôi Pha” là một trong những bản tình ca được viết năm 1956, khi nhạc sĩ mới 17 tuổi. Ông đã thưởng thức “chén rượu cay, một đời tôi uống hoài” khi chưa đủ tuổi để uống rượu, đã ý thức sẽ có ngày phải “trả lại từng tin vui, cho nhân gian chờ đợi” khi chưa bắt đầu sự nghiệp, đã suy tư về “từng tuổi xuân đã già” ngay khi còn rất trẻ, gẫm suy về sự chết ngay khi còn sống “một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua”. Một cuộc đời luôn suy tư thao thức về thân phận con người.
Với “Chén rượu cay, một đời tôi uống hoài” nhạc sĩ họ Trịnh như đã chấp nhận chén rượu cay đời mình, không trách móc than phiền, cũng chẳng hận đời oán người. Mượn ánh trăng, lời nhạc nửa thực nửa ảo để trang trải tâm sự một cõi lòng u uất cô đơn một mình bên ly rượu. Dù cay, dù một mình nhưng vẫn phải uống, uống hoài, uống mãi, uống đến giọt cuối cùng. Trong kiếp làm người, dù muốn dù không, rồi ai cũng phải cạn ly rượu cuộc đời của mình. Con Một Thiên Chúa trong thân phận thấp hèn của con người, cũng phải uống cạn chén rượu cay phần mình. Rượu nào cay hơn? Chén nào đắng hơn? Thế gian này không ly rượu nào có thể cay hơn, đắng hơn chén rượu mà Con Một Thiên Chúa đã uống. Chưa uống mà đã đổ mồ hôi máu. Mới nhìn chén rượu cay mà đã ba lần cất tiếng van xin Cha cất cho chén đắng đó! Môi chưa nhấp ly mà tâm hồn đã “cảm thấy buồn rầu xao xuyến”, một “nỗi buồn đến chết” người! Rồi Ngài cũng đã uống cạn chén đắng trong vâng lời, trong yêu thương những kẻ đã trao chén rượu cay. Từ từ uống một mình, cô đơn bên cạnh những môn đệ yêu dấu đang vô tư ngủ say sưa. (x Mt 26, 36-46 và Lc 22, 44).
Rồi tôi cũng sẽ phải cạn ly rượu đời mình thôi, chưa đến giọt cuối cùng đâu. Chẳng ai biết trước giọt cuối cùng trong chén rượu đó sẽ có vị như thế nào? Nhưng tôi tin rằng, nếu có người bạn tri kỷ Giêsu cùng nâng ly, rượu của tôi sẽ vơi bớt vị cay, từng giọt rượu trong ly sẽ được thánh hóa để mang một màu sắc khác, thấm đẫm hương vị thiêng liêng. Nếu biết uống cùng ai, hẳn sẽ không còn tiếng than ai oán “chén rượu cay, một đời tôi uống hoài” và chén đắng của Giêsu ngày xưa không trở nên vô ích.
Trong nỗi buồn quay quắt của “những đêm xa người” bên “chén rượu cay, một đời tôi uống hoài”, đôi mắt tâm hồn của nhạc sĩ họ Trịnh như được mở ra để thấy rõ sự vô nghĩa của những gì một đời mê mải kiếm tìm. Những tin vui của thời xuân xanh: thành công, nhà lầu, xe hơi, sự nổi tiếng, chinh phục, chiếm đoạt, bằng cấp, chức tước, v.v… tất cả nay xin “trả lại từng tin vui, cho nhân gian chờ đợi” Một thời để góp nhặt, một thời để trả lại! Điểm lạ nơi ông là mới 17 tuổi, chưa ky cóp được gì, chưa bắt đầu bon chen với đời mà đã ý thức là sẽ có ngày phải “trả lại từng tin vui, cho nhân gian chờ đợi”. Vì ông biết cần gì nữa đâu khi “một ngày kia đến bờ”, mang gì theo đâu “đời người như gió qua!”
“Thôi về đi, đường trần đâu có gì”, cung nhạc bỗng trầm xuống, lời nhạc tha thiết xuống nước như một lời năn nỉ thuyết phục ai đó hãy quay về. Về đi, đường trần có gì vui đâu. Có chăng cũng chỉ là những cuộc vui tạm bợ chóng qua thôi mà! Về đi, trước khi quá muộn màng. Đường trần có vui thì đến lúc nào đó cũng “không còn ai”. Về đi, trước khi thấy “đường về ôi quá dài”. Về đi, mà ai cần phải về? Tác giả mời gọi người tình xưa trở về với mình, hay là một lời mời gọi chính mình trở về với cái nội tại của mình? Về đi, tiếng nài nỉ như níu kéo bước chân giang hồ, nhưng về đâu? Về với ai? Về để làm gì?
“Về lại nơi cuối trời, làm mây trôi” ư? Nghe thật thơ, thật lãng mạn nhưng mây làm gì có bến đỗ? Rồi lại tiếp tục một kiếp lãng du khác, tiếp tục lang thang trôi dạt trên bầu trời bao la không nơi đến, không chỗ về. Rồi trong kiếp mây trôi đó, lại cháy lên một niềm khát khao được trở về một lần nữa. Bỗng dưng tôi thấy mình thật hạnh phúc vì biết nơi mình sẽ về, vòng tay nào đang chờ đợi tôi nơi cuối trời. Thì ra khát khao được “Về” là khát vọng của kiếp nhân sinh cho dù là ai, niềm tin nào, ở đâu. Ai về với ai, không quan trọng cho bằng vẫn là một cuộc trở về! Một thời để đi hoang, một thời để quay về. Về lại nơi tôi xuất phát, về lại với Đấng đã tạo dựng nên tôi, Đấng đã vì tôi uống cạn chén đắng.
“Thôi về đi!” dù chưa biết nơi để về thì hãy về lại với chính mình, về với tiếng gọi rất khẽ trong sâu thẳm tâm hồn, về lại với mái ấm, với bổn phận của người với người. Về với ai đó đang chờ đợi bước chân tôi. Về, đôi khi chỉ đơn giản để “nhìn từng hôm nắng ngời, nhìn từng khi mưa bay”, thế thôi, nhưng cũng cần lắm những cuộc trở về. “Thôi về đi, tóc xanh mấy mùa” đâu mãi xanh hoài! Về để thấy chén rượu cuộc đời vơi bớt vị cay, để thấy đường đi không quá dài!
Chúa ơi, thật không dễ để làm một cuộc trở về, đôi khi chân đã cất bước nhưng lòng vấn vương “nhớ chân giang hồ”, nếu không có ơn Chúa đổ xuống, chẳng ai có thể quay về. Xin tiếp tục tuôn đổ mưa hồng ân xuống trên thế nhân, để từng người chúng con đủ can đảm trở về. Về với Chúa và về với nhau trước khi trở về với lòng đất mẹ.
Lang Thang Chiều Tím
Lập Thu 2012