Tôi cần nhìn lại lối sống tín nguỡng của mình nhiều lắm. Có những cách sống đã quá quen thuộc, tôi tưởng chừng như mình đang sống đức tin, nhưng có lẽ tôi chỉ quằn quại với niềm tin mà thôi, vì tâm hồn không an vui, không hạnh phúc, và những người chung quanh tôi cũng không hạnh phúc, không an vui.
Khi niềm tin trở thành quằn quại thì nghi thức tôn giáo là gánh nặng.
– Chúa nói: “Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (M. 20:28). Như vậy, niềm tin là một giếng nước. Mà để kéo gầu ấy, tại sao ta không thể có niềm vui?
– Chúa nói: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt. 11:29). Như vậy đến với Chúa là một giải thoát. Tại sao ta thiếu thiết tha khi cử hành phụng vụ?
– Thấy bệnh tật, Chúa chữa lành, thấy đói, Chúa cho ăn (Mt. 14:14-21). Như vậy, niềm tin là cánh tay với vào vườn hoa trái. Tại sao ta thấy nặng nề?
Có người nói: “Tôi bận quá, không thể đi tĩnh tâm được”. “Tôi mỏi mệt lắm, không thể phục vụ Chúa được.” Trong khi đó, vì bận rộn nên mới cần tĩnh tâm, để Chúa dắt đi, nghỉ ngơi. Trong khi đó, vì ta mỏi mệt, và gánh đời quá nặng, Chúa mới đến để phục vụ. Có một suy nghĩ nào đó dường như không ổn. Nếu suy nghĩ không ổn thì rất có thể suy nghĩ ấy sẽ đưa đến một lối sống khắc khoải.
Thánh Inhaxiô, sau khi thụ phong linh mục, ngài không dâng lễ mở tay ngay. Ngài đợi một năm sau. Và rồi cứ mỗi lần dâng lễ ngài lại khóc. Còn Mẹ Têrêsa Calcutta thì treo trong phòng áo lễ của nhà dòng tấm bảng:
Xin linh mục của Chúa,
Cha dâng lễ này như thánh lễ mở tay,
như thánh lễ sau cùng,
như thánh lễ chỉ dâng duy nhất một lần trong đời mà thôi.
Nói về bí tích Thánh Thể, về những nghi thức cử hành. Hôm nay người ta nghe thấy những lời “khen”, tiếng “chê”. Đi lễ cha kia làm lẹ lắm. Và dường như cũng có những linh mục, vô tư nhận mình làm lễ lẹ lắm, nhiều người thích. Họ nói với người tham dự: “Chúa ở cùng anh chị em”. Nhưng thật sự đấy chẳng phải là lời cầu chúc, vì tay đang mở sách, chưa thấy lời nguyện thánh lễ hôm nay ở trang nào. Tâm trí đang vội vã đi tìm. Có những thánh lễ mà giây phút cực trọng là truyền phép Thánh Thể, linh mục đọc quá vội vàng. Chưa xong đã bái gối, chưa bái gối xong đã hối hả đứng dậy. Rất là liếng thoắng. Tôi cũng thấy nhiều thừa tác viên thánh thể, sau khi cho chịu lễ, họ rước Máu Thánh còn lại trong chén thánh như uống một ngụm Coca. Họ “bốc”, họ “đổ” Bánh Thánh như đổ một hũ đậu phụng. Họ thiếu cung kính vì thiếu tấm lòng. Họ đến từ một cộng đoàn mà chính cha quản nhiệm không đầy đủ bổn phận huấn luyện họ cung kính Thánh Thể Chúa. Làm sao huấn luyện nếu chính cha quản nhiệm thiếu tấm lòng. Đi giúp mục vụ nhiều nơi, tôi rất cảm kích khi có những linh mục đến nhà thờ rất sớm, không tiếp ai trước thánh lễ. Họ dành giây phút đó để chuẩn bị thánh lễ. Và cũng có những thừa tác viên Thánh Thể được huấn luyện rất cung kính khi thi hành nhiệm vụ thánh.
**********************************
Lạy Chúa,
Con cần hiểu bí tích Thánh Thể là kết quả của tình yêu Chúa chết cho con người được sống. Làm sao con có thể cử hành cho chóng qua như một cuộc gặp gỡ mà con không muốn gặp. Làm sao con cảm nghiệm được khi con chỉ gặp để cho qua.
Con cần phải hiểu những gì con đang làm, con đang sống, tôn giáo con đang theo. Con phải hiểu thông báo của người đàn ông kia là thông báo của thiên thần báo mộng trước cửa đền thờ linh hồn mỗi khi con bước vào:
– Đức tin không có đức ái, sẽ không biết lối nào đi.
Con phải hiểu Thánh Thể Chúa là tình yêu vô cùng sâu thẳm.
– Xin cho con lòng yêu mến trưởng thành.
Con phải hiểu Thánh Thể Chúa là mầu nhiệm cực thánh.
– Xin cho con cử hành với tâm hồn hết sức kính cẩn, thiết tha.
Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J – trích trong “Thánh Thể – Đường Đi Một Mình”