Vào năm 1974, mẹ tôi đang học lớp cuối cấp ở trường dòng nữ sinh ở New York. Bà là sinh viên xuất sắc nhất lớp, đang nuôi ước mơ trở thành một giáo viên giỏi. Nhưng ước mơ trở thành giáo viên của bà đã bị cắt ngang bởi sự xuất hiện của một đứa bé không hề được chờ đợi – là tôi. Mẹ tôi mang thai tôi vào năm học cuối cấp, bà phải nghỉ học nửa chừng để lấy cha tôi. Mặc dầu trên danh nghĩa, bà đã xa rời lĩnh vực giáo dục nhưng không hẳn là như vậy.
Khi sinh tôi ra, mẹ tôi bắt đầu tìm hiểu toàn bộ và từng khía cạnh của đời sống con trẻ qua tôi. Bất luận hai mẹ con chúng tôi làm gì, nướng bánh trong bếp hay ngồi với nhau cả ngày trong phòng đọc sách thì điều đó cũng có tác dụng tương tác giáo dục một cách tích cực. Tôi không bao giờ coi ti vi, không phải vì mẹ không cho tôi coi mà vì tôi thấy những giờ ngồi tập viết truyện với mẹ tôi hấp dẫn hơn. Không phải trong nhà tôi lúc nào cũng có đủ tiền chi tiêu, nhưng với những cuốn sách lý thú, những nụ cười vui vẻ và vòng tay dịu dàng của mẹ, tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn một thứ gì.
Vào tuổi lên năm, tôi bắt đầu đến trường, trong một tâm trạng vừa háo hức, vừa sợ hãi. Ngày đầu tiên ở nhà trẻ, giờ ăn trưa, tôi ngồi một mình ở bàn, từ từ mở hộp cơm trưa mà mẹ đã chuẩn bị cho tôi. Bên trong hộp cơm, tôi bắt gặp một bức thư ngắn của mẹ tôi viết trên tấm khăn ăn. Bức thư nói rằng mẹ yêu tôi và tự hào về tôi, đứa con gái bé bỏng của mẹ. Và rằng tôi là đứa bé nhà trẻ ngoan nhất trên đời này. Nhờ vào bức thư ngắn của mẹ, tôi đã vượt qua ngày đầu tiên ở nhà trẻ một cách nhẹ nhàng, và cả rất nhiều ngày sau đó…
Kể từ bức thư đầu tiên ấy, sau này tôi nhận được rất nhiều những bức thư của mẹ trên chiếc khăn ăn. Những bức thư tôi nhận được ở trường tiểu học, khi tôi đang vật vã cam go với môn Toán, khích lệ tôi: “Hãy cố lên, con gái yêu của mẹ, rồi con sẽ làm được mà. Đừng bao giờ quên rằng con là đứa trẻ giỏi giang !” Những bức thư thời học cấp 2 của tôi, khi tôi còn là một cô gái mới lớn, tóc xoăn tít và đầy mụn, khuyên tôi: “Hãy luôn thân thiện với bạn bè. Không có gì phải sợ cả! Chẳng mấy chốc thì mọi người sẽ cảm thấy may mắn khi có con là bạn thân thôi.” Ở trường cấp 3, khi đội bóng rổ trường tôi lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào tranh giải vô định toàn tiểu bang, bức thư của mẹ nhắc nhở tôi: “Không có khái niệm ‘tôi’ trong đội bóng. Con gái mẹ luôn là người biết cách chia xẻ cùng đồng đội, phải không?” Và khi tôi tốt nghiệp phổ thông, vào Đại học, đi xa nhà, vẫn đều đặn có những bức thư ngắn trên khăn ăn mẹ dành cho tôi. Mặc cho những biến cố liên tiếp trong đời khi tôi học đại học, đổi ngành học, chia tay với bạn trai, những thay đổi trong cách nhìn nhận của tôi đối với cuộc sống thì vẫn có một điều không bao giờ thay đổi – sự khích lệ, hổ trợ và dạy dỗ từ mẹ tôi, những năm tháng tôi tắm mình trong tình yêu của mẹ, những bức thư ngắn – những thông điệp trên tấm khăn ăn.
Đứa em gái mười chín tuổi của tôi đang là sinh viên năm đầu tiên ở Đại học. Đâu đó trong phòng ký túc xá của nó, lẫn giữa đống áo quần và sách vở, nó luôn giữ một cái hộp đựng đầy những bức thông điệp trên tấm khăn ăn ở nơi bất ngờ dễ tìm thấy nhất. Ở nhà, cô em gái mười sáu tuổi và cậu em trai chín tuổi của tôi cũng có những nơi bí mật chứa những thông điệp trên tấm khăn ăn. Khi tụi nó đọc những thông điệp của mẹ, tôi biết trong tụi nó cũng đang trào dâng một cảm giác tự tin như tôi đã từng có suốt thời đi học.
Chúng tôi khôn lớn, đã đến lúc mẹ thực hiện nốt ước mơ còn dang dở của mình. Sau gần hai mươi lăm năm gián đoạn, người mẹ bốn mươi bốn tuổi của chúng tôi trở lại trường để lấy bằng sư phạm. Tôi thấy ngưỡng mộ mẹ, bà đâu cần bằng cấp mà vẫn mãi mãi là một giáo viên giỏi, một người thầy xuất sắc của chúng tôi.
Ngày mẹ trở lại trường học, món quà tôi chuẩn bị cho mẹ là một túi đựng sách vở, bút viết và những đồ dùng học tập ưa thích của bà. Và dĩ nhiên là tôi không quên chiếc khăn ăn có mang thông điệp: “Mẹ sẽ thành công !”.
Khi mẹ mở chiếc khăn ăn và đọc bức thông điệp, tôi thấy từ đôi mắt đã qua thời thanh xuân của bà, những giọt lệ hạnh phúc từ từ lăn xuống.
Caurie Anne Moner
Đinh Lễ Vũ phỏng dịch