Chúng ta biết có liên hệ giữa cầu nguyện và im lặng, nhưng nếu ta nghĩ về sự im lặng trong cuộc sống, hình như sự im lặng đó không bình an; sự im lặng có thể làm cho sợ hãi nữa.
Một sinh viên suy nghĩ sâu xa về sự im lặng trong cuộc sống đã viết:
Im lặng là đêm
và chính như có những đêm
không trăng sao
khi bạn cô đơn
hoàn toàn cô đơn
khi bạn bị nguyền rủa
khi bạn trở thành không
không ai cần đến
thì cũng có những sự im lặng
đang đe dọa
vì không có gì ngoài im lặng
không thể có gì ngoài sự im lặng.
Ngay cả khi bạn mở tai mở mắt
thì điều ấy vẫn xảy ra
không hi vọng hay nâng đỡ.
Ðêm không ánh sáng, không hi vọng
Tôi cô đơn
với tội ác
không có thứ tha
không có tình yêu.
Rồi trong thất vọng tôi đi kiếm tìm
bạn hữu
rồi tôi đi trên đường
một thân thể
một dấu hiệu
một tiếng động
không cho gì cả.
Nhưng cũng có những đêm
có sao
có trăng tròn
có ánh sáng từ căn nhà
ở xa xa
và những sự im lặng bình an
và phản ánh
tiếng động của con chim sẻ
trong nhà thờ lớn không có người
khi lòng tôi muốn hát vang vui tươi
khi tôi cảm thấy mình không cô đơn
khi tôi chờ đợi bạn bè
hay nhớ lại
đôi lời
của bài thơ tôi mới đọc
khi tôi mê đi trong kinh Kính mừng
hay tiếng nói âm thầm của một thánh vịnh
khi tôi là tôi
và anh là anh
khi ta không còn sợ nhau
khi ta để cho thiên thần nói chuyện
thiên thần mang lại cho ta sự bình an
và im lặng.
Cũng như có hai đêm, cũng có hai sự im lặng, im lặng làm cho sợ và im lặng an bình. Ðối với nhiều người im lặng đang đe doạ. Họ không biết làm gì với im lặng. Nếu họ để tiếng ồn ào của thành phố lại sau lưng và đến một nơi không có tiếng xe rồ máy, không có tầu thủy kéo còi, không tiếng xe lửa xình xịch, nơi không có tiếng ù ù của radio hay tivi, không có đĩa nhạc hay băng nhạc đang hát, họ cảm thấy toàn thể thân mình bất an. Họ thấy như cá mắc cạn. Họ mất phương hướng. Có vài sinh viên không học được nếu không có bức tường âm nhạc dầy đặc bao quanh. Nếu bị bó buộc ngồi trong căn phòng không có tiếng động, họ trở thành mất bình tĩnh.
Như thế, đối với nhiều người trong chúng ta, im lặng trở thành sự quấy rầy thật sự. Có lúc im lặng bình thường và có nhiều tiếng ồn ào làm cho ta phân tâm. Vì thế rất dễ hiểu những người kinh nghiệm về im lặng như thế khó cầu nguyện.
Chúng ta trở thành xa lạ với sự im lặng. Nếu ta ra bờ biển, hay pic-nic trong rừng, radio transistor thường là người bạn quan trọng nhất. Có thể ta nói ta không chịu được tiếng động của im lặng. Im lặng tràn đầy tiếng động. Tiếng gió rì rào, lá xào xạc, chim đập cánh, sóng vỗ vào bờ. Và ngay cả khi không nghe thấy những tiếng động đó vẫn còn hơi thở của một người im lặng, tiếng động của bàn tay trên làn da, tiếng cổ nuốt, và tiếng bước nhè nhẹ. Nhưng ta đã điếc không nghe thấy những tiếng im lặng mà vang dội đó. Hình như không nghe được những tiếng đó nếu không có máy khuếch đại.
Nếu có người được đề nghị đổi tiếng động cho im lặng thì thường được coi như là đề nghị làm kinh sợ. Ho cảm thấy như đứa nhỏ thấy tường nhà sụp đổ và bất chợt cảm thấy mình ở giữa đồng trống hay như người phụ nữ bị lột hết áo quần hay con chim phải rời tổ. Tai họ đau vì không được nghe những tiếng động quen thuộc và cơ thể họ cần tiếng động đó như cần chăn ấm. Con người trong cảnh im lặng đó như người nghiện muốn cai thuốc.
Nhưng còn khó khăn hơn việc thoát khỏi những tiếng động bao quanh hơn là việc có được sự im lặng nội tâm, im lặng của tâm hồn trong mỗi người. Hình như con người bị những tiếng động đó thu hút không còn tiếp xúc được với mình nữa. Những câu hỏi từ nội tâm không được trả lời. Cảm giác bất an không biến đi được, những ước ao phức tạp không dàn trải được, những cảm xúc lẫn lộn không được thông hiểu. Tất cả chỉ còn là cái rơi rớt của cảm xúc hỗn độn không có cơ may được chữa lành, vì con người luôn để cho mình phải phân tâm vì thế giới đòi hỏi họ phải chú ý.
Vì thế không lấy gì làm ngạc nhiên khi mọi tiếng ồn ào hàng ngày tắt ngấm, một tiếng động mới vang lên, phát xuất do những cảm xúc lẫn lộn kêu la sự chú ý. Con người đi vào căn phòng im lặng vẫn chưa cảm nghiệm im lặng nội tâm. Khi không có người để nói chuyện, không có ai nghe ngóng, sẽ có cuộc tranh luận nội tâm bắt đầu và hầu như vượt khỏi tầm tay. Nhiều vấn đề chưa được giải quyết đòi lưu ý, lo lắng này chồng chất lên lo lắng khác, sự than phiền đối chọi sự mè nheo khác, tất cả đều muốn được phân xử. Ðôi khi người ta thấy bất lực khi chạm trán với những cảm tình phức tạp họ không thể giải toả.
Ðiều này làm cho chúng ta tự hỏi không biết sự chú ý mà ta tìm kiếm trong nhiều chuyện bên ngoài ta có phải là một mưu toan để tránh chạm trán với cái nội tâm. “Tôi bắt đầu công việc nào khi tôi xong mọi công việc?” Câu hỏi này làm cho nhiều người trốn chạy chính mình và vội vã với những công việc làm cho họ có cảm tưởng họ đang bận bịu. Như là họ nói: “Tôi về với ai khi tôi không còn bạn để nói chuyện, không có nhạc để nghe, không báo đọc và không còn phim ảnh để coi?” Vấn đề ở đây không phải là người ta không thể sống mà không có bạn hữu, hay không cho mắt thấy tai nghe, nhưng là có nhiều người không thể đứng một mình, nhắm mắt, nhẹ nhàng bỏ mặc những tiếng động và ngồi xuống bình tĩnh và im lặng.
Bình tĩnh và im lặng hoàn toàn do mình cũng giống như đang ngủ. Thực sự có nghĩa là hoàn toàn tỉnh thức và chú ý theo dõi mọi biến chuyển trong nội tâm. Nó đòi hỏi kỷ luật cho mình tại nơi mà nhu cầu phải chỗi dậy và đi được công nhận như một cám dỗ tìm nơi chỗ khác cái điều đang ở trong tầm tay. Ðây là sự tự do lăn lộn trên sân của mình, cào lá vàng và thông con đường để bạn có thể tìm ra lối đi. Có lẽ còn nhiều sợ hãi và không chắc chắn khi ta lần đầu tiên đến chỗ không quen thuộc này nhưng từ từ và chắc chắn chúng ta sẽ thấy trật tự và sự quen thuộc phát triển ra lệnh cho ta ao ước ở lại nhà.
Với sự tin tưởng mới đó ta lại có đựơc cuộc sống mới mẻ của ta, từ nội tâm. Cùng với khám phá mới về không gian nội tâm, nơi cảm tình yêu ghét, thân ái hay đau đớn, tha thứ hay buồn giận được phân ly, củng cố hay sửa chữa, sẽ xuất hiện việc làm chủ của bàn tay dịu dàng. Ðây là bàn tay người làm vườn cẩn thận dành chỗ cho cây mới lớn lên, không nhổ cỏ dại quá mạnh tay, nhưng chỉ nhổ những cây đe dọa cây non lớn lên. Dưới chế độ pháp trị này, con người một lần nữa làm chủ căn nhà của mình. Không phải chỉ ban ngày mà cả ban đêm. Không chỉ khi tỉnh mà cả lúc ngủ. Vì ai được ban ngày thì cũng được ban đêm. Giấc ngủ không còn là bóng tối lạ kỳ nhưng là tấm màn thân thiện, đàng sau đó những giấc mộng vẫn tồn tại và gửi thông điệp có thể lãnh nhận được. Con đường của giấc mơ cũng là con đường đáng tin cậy như những con đường khi còn thức đã đi và không cần phải lo sợ nữa.
Nếu chúng ta không cản im lặng, mọi điều ấy đều có thể xảy ra. Nhưng không phải dễ dàng. Tiếng động bên ngoài vẫn làm ta chú ý và luôn làm cho ta lo âu trong tâm hồn. Nhiều người cảm thấy mình mắc bẫy giữa cám dỗ và sự sợ hãi này. Vì họ không thể nhìn vào nội tâm họ tìm im lặng trong tiếng ồn ào, dù cho cả khi họ biết mình không tìm được nơi đó.
Khi bạn đạt tới sự im lặng này hình như bạn nhận được một món quà, một món quà hứa hẹn đúng nghĩa. Hứa hẹn của im lặng là cuộc sống mới có thể khởi đầu. Ðó là im lặng của cầu nguyện và bình an, vì bạn được mang về cho Đấng hướng dẫn bạn. Trong im lặng đó bạn không còn cảm giác bị quay cuồng và bạn thấy mình là con người có thể hoà đồng với người khác và những hoàn cảnh khác.
Rồi bạn thấy mình có thể làm nhiều chuyện, nhưng điều đó không cần. Ðây là sự im lặng của người nghèo khó tinh thần nơi bạn học cách nhìn cuộc đời trong bối cảnh thích hợp với nó. Trong im lặng đó, những ảo mộng tan biến, và bạn lại thấy thế giới với khoảng cách và giữa những ưu tư bạn có thể cầu nguyện như người viết thánh vịnh:
Nếu Chúa không xây nhà,
việc thợ nề vô ích;
nếu Giavê không canh thành,
lính canh gác cũng vô ích.
(Thánh vịnh 127)
Rev. Ngô tường DZũng, Texas, USA