BẠO DẠN VỚI THIÊN CHÚA

Vài năm trước đây, một cô đã chia sẻ câu chuyện này tại một buổi họp.  Cô có một đứa con trai sáu tuổi được cô chỉ dẫn để cháu biết cầu nguyện.  Một trong những thói quen cô dạy là mỗi tối quỳ gối bên giường và nói to lên lời cầu nguyện, sau đó kết thúc lời cầu nguyện bằng lời cầu “chúc lành cho cha mẹ, ông bà.”  Một hôm, không lâu sau khi bắt đầu dạy như thế, cô đưa cậu bé vào phòng để nghe nó cầu nguyện và để ru nó ngủ.

Nhưng lúc đáng ra cậu bé quỳ gối cạnh giường và đọc lời cầu nguyện thì cậu từ chối và chui thẳng lên giường.  Mẹ hỏi: “Có chuyện gì vậy?  Con không cầu nguyện nữa à?”  Cậu bé thưa với vẻ điềm tĩnh đáng kinh ngạc: “Không, con không cầu nguyện nữa.  Sơ ở trường dạy chúng con rằng chúng con không cần phải cầu nguyện, bà nói là chúng con nên nói chuyện với Chúa… mà tối nay con mệt và không có gì để nói cả!”

zzChuyện này làm tôi nhớ lại câu chuyện về vua Đavid trong Kinh Thánh.  Một sáng nọ, vua cùng vài người lính trở về từ chiến trận, ông đến đền thờ, mệt lử và đói, nhưng thức ăn duy nhất ở đó là bánh thánh, mà theo luật đạo Do Thái, chỉ có các tư tế mới được ăn trong nghi lễ.  Vua hỏi vị thượng tế về số bánh này và bị cự tuyệt rằng không được ăn bánh này như thức ăn thường.  Đavid trả lời rằng vua biết thế, nhưng do hoàn cảnh và do Đức Vua được trao quyền quyết định thay Thiên Chúa trên mặt đất, nên vua ra lệnh vị thượng tế đem bánh lại cho mình.

Truyền thống Thánh Kinh bình luận về chuyện này như sau.  Vua được ca ngợi vì đã làm một việc tốt, vua biết Đức Chúa đủ nhiều để hiểu Chúa muốn bánh đó được dùng cho những mục đích ngoại lệ trong hoàn cảnh như thế.  Vua được ca ngợi bởi có một đức tin trưởng thành, không câu nệ lề luật quá đáng, không từ bỏ phán định đúng đắn của mình do sợ hãi hay do lòng mộ đạo, và vua biết Thiên Chúa đủ nhiều để biết rằng Ngài không phải là một luật để tuân theo nhưng là một sự hiện diện đầy yêu thương chỉ bảo và đổ tràn đầy sinh khí và sinh lực cho chúng ta.  Chúa Giêsu cũng ca ngợi vua Đavid vì hành động này khi dân chúng phàn nàn các môn đệ của Ngài bứt bông lúa trong ngày Sabbath.  Ngài nhắc tới hành động vua Đavid đã cho lính đói lả ăn bánh đã được làm phép và cho đó là một hành động của một hiểu biết sâu sắc, nghĩa là khi làm một việc tưởng như phạm thượng, nhưng thực sự thì vua David lại đang biểu lộ tấm lòng mật thiết với Thiên Chúa, cho nên những lời chỉ trích xuất phát từ nỗi sợ sệt nhắm vào vua lại phản tác dụng và tự chỉ ra chúng chỉ là những lời xuẩn ngốc.

Một trong những điều xác định một tình bạn trưởng thành chính là sự gần gũi và thân thiết, những việc tạo nên một mối liên hệ thẳng thắn hơn là một mối liên hệ sợ sệt.  Trong mối liên hệ trưởng thành, không có chỗ cho lòng sùng mộ hèn nhát hay tôn kính sai lầm.  Thay vào đó, chúng ta phải táo bạo với người bạn thân vì chúng ta biết ý nhau, hoàn toàn tin tưởng nhau, và ở một mức độ quan hệ nào đó, chúng ta không e ngại khi hỏi xin điều gì, không  thấy xấu hổ khi bày tỏ hết về bản thân, sẵn sàng chọc ghẹo nghịch ngợm, và (như vua David) chúng ta có thể suy diễn một cách có trách nhiệm suy nghĩ của người kia.  Khi ở trong một mối liên hệ trưởng thành với ai đó, chúng ta thoải mái và dễ chịu với người đó.

Đó cũng là những đặc tính của một đức tin trưởng thành và một một mối liên hệ trưởng thành với Thiên Chúa.  Theo thánh Gioan Thánh Giá, càng tiến sâu trong mối quan hệ với Thiên Chúa, đức tin của chúng ta càng trưởng thành, càng bạo dạn, càng gần hơn với Ngài.  Như vua David và như cậu bé nhỏ tôi vừa kể trên, lòng sùng mộ một cách sợ sệt đã được thay thế bằng một tình gần gũi lành mạnh. Và đây sẽ chẳng phải là kiểu gần gũi sinh khinh dễ, thứ chỉ nhằm lợi dụng người kia.  Đây là kiểu gần gũi với nền tảng là thân thiết, nghĩa là vừa giữ lòng tôn trọng, không bao giờ lợi dụng người kia, vừa dễ dàng vui vẻ dễ chịu hơn là sợ sệt và sốt sắng quá với người kia.

Nhưng, nếu thật như thế, thì chúng ta phải làm thế nào với một sự thật rằng Kinh Thánh đã dạy chúng ta “lòng kính sợ Đức Chúa là khởi đầu của khôn ngoan” và thêm một điều nữa là các truyền thống tôn giáo luôn luôn xem lòng mộ đạo là một đức tính tốt?  Sợ hãi và mộ đạo có ngăn trở “bạo dạn” với Thiên Chúa hay không?  Liệu vua Đavid có sai lầm khi bạo gan diễn giải ý định của Thiên Chúa.

Có một nỗi sợ và một lòng sùng mến lành mạnh trong tôn giáo, nhưng sẽ không được lành mạnh như thế trong một mối liên hệ đầy sợ sệt, chiếu luật, ngại ngùng, quá sốt sắng, hay quá nghiêm trọng.  Nỗi sợ và sùng mến lành mạnh trong tôn giáo biểu lộ chính chúng trong một mối liên hệ thẳng thắn.

Chúng ta đừng để mình bị phờ phỉnh bởi nỗi sợ và sùng mộ.  Nỗi sợ thường ngụy trang bằng sự tôn kính trong tôn giáo.   Sùng mộ có thể dễ dàng biến mình thành lắng sâu trong tôn giáo. Nhưng tình mật thiết chân thật vạch mặt cả hai.  Một mối liên hệ lành mạnh phải thẳng thắn, bạo dạn, không sợ sệt, thanh thản, vui thú, và hóm hỉnh.  Và đặc biệt càng phải như thế trong mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Fr. Ron Rolheiser, OMI

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *