DỰ TIỆC VÀ ĐÃI TIỆC

  1. ZZKhi được mời dự tiệc

Được mời dùng bữa, Đức Giêsu quan sát thấy ai cũng muốn ngồi chỗ nhất.  Không phải vì chỗ nhất ăn ngon hơn mà vì chỗ đó danh dự hơn.  Chỗ ngồi là danh dự. Những người Pharisêu là những người rất mộ đạo, và tự coi mình là những người gương mẫu.  Tuy nhiên, ở đây họ tranh giành những chỗ ngồi danh dự.  Điều đó cho thấy, thực ra họ rất tự mãn, phù phiếm và ích kỷ.  Họ không ở đó để làm vinh dự cho chủ nhà nhưng để làm vinh dự cho chính họ.

Chỗ ngồi và người ngồi cái nào quan trọng hơn?  Có câu chuyện kể về một người chủ nhà mở một bữa tiệc và mời nhiều người đến dự.  Trong số khách đến dự có một học giả nổi tiếng tên là Daniel.  Khi Daniel đến, chủ nhà mời ông ngồi bàn trên.  Nhưng Daniel từ chối và nói rằng ông muốn ngồi chung với những người bình dân nghèo hèn.  Sau Daniel còn có nhiều khách lần lượt đến.  Ai cũng giành ngồi bàn trên và những bàn gần phía trên.  Chỉ có cái bàn tận cuối cùng, bàn của Daniel đang ngồi là còn trống chỗ.  Sau cùng, ông thị trưởng đến.  Vì không còn ghế trống ở bất kỳ bàn nào khác nên chủ nhà buộc lòng mời ông thị trưởng ấy đến ngồi bàn cuối chung với bàn của Daniel.  Vị thị trưởng thắc mắc: nhưng đây là bàn cuối cùng mà!   Chủ nhà nhanh trí đáp: thưa không, đây là bàn danh dự vì là bàn có ông Daniel đang ngồi.  Vị thị trưởng hết thắc mắc và ngồi vào chỗ chủ nhà chỉ.  Ý nghĩa câu chuyện là: không phải chỗ ngồi làm cho người ngồi được vinh dự, ngược lại, chính người ngồi làm cho chỗ ngồi được vinh dự.

Phần lớn, những cuộc tranh chấp ở đời thường xoay quanh những chiếc ghế.  Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng.  Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước.  Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình.  Người Pharisiêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường.  Giacôbê và Gioan thích ngồi ghế bên tả, bên hữu Đức Giêsu. Philatô cho đóng đinh Đức Giêsu vô tội vì ông sợ mất ghế.

Bài Phúc Âm cho thấy, ai cũng muốn ngồi chỗ nhất nên chỗ nhất thiếu chỗ, có những bậc vị vọng đành phải ngồi xuống chỗ dưới.  Có lẽ Đức Giêsu không muốn tranh giành, lại coi thường những chức danh phù phiếm nên đã tự động ngồi vào ghế chót.  Trong tình huống ấy, chủ nhà buộc lòng phải mời những vị khách không mấy quan trọng xuống khỏi chỗ nhất.  Chủ nhà mời Đức Giêsu lên chỗ nhất, một phần vì uy tín của Người, nhưng cũng để nghe Người nói.  Nhân hoàn cảnh đó, Đức Giêsu dạy bài học cách sống khiêm tốn: Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.  Không có đời sống tâm linh chân thật nếu không có sự khiêm nhường.

Đi ăn tiệc cứ chọn chỗ cuối cùng mà ngồi.  Nếu được chủ nhà mời lên thì thật vinh dự.  Tự cho phép mình ngồi chỗ trên hết, lỡ bị chủ nhà mời xuống thì thật là xấu hổ.

Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên, coi thường mình hay sợ người khác, rụt rè không dám nhận trách nhiệm.  Khiêm tốn là biết mình đã nhận được tất cả từ Chúa và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân.  Bài đọc 1 ca ngợi đức khiêm tốn.  Sự hiền hoà và khiêm tốn là nhân đức căn bản và quý giá của con người.  Nhờ khiêm tốn, con người khám phá được sự cao trọng của Thiên Chúa và mở ngõ cho con người đi vào sự khôn ngoan.  Lời dạy này là kết tinh của kinh nghiệm biết bao bậc hiền triết khôn ngoan từ thuở xưa.  Chính Chúa Giêsu cũng lấy đức khiêm tốn làm một trong các mối phúc của bài giảng trên núi và mời gọi mọi người hãy học cùng Người là Đấng hiền lành và khiêm tốn trong lòng.  Ai sống hiền lành và khiêm tốn thì được nghĩa trước mặt Chúa và được mọi người yêu mến.

Ngày nay, khiêm nhường thường bị người đời coi là thua kém, là yếu hèn, là nhu nhược.  Trái lại Thiên Chúa nâng cao những ai khiên nhường.  Khiêm nhường được ví như nền móng của ngôi nhà. Nền móng càng sâu, ngôi nhà càng cao, càng vững chắc.

  1. Khi đứng ra đãi tiệc

Người ta dễ đánh giá người khác dựa trên chiếc ghế của họ.  Thật ra, một người quét đường có lương tâm lại có giá trị gấp nhiều lần một giám đốc tham ô lãng phí.  Người ta thường thích giao lưu với những người có thế giá, có học thức, có của cải để dễ nhờ vả khi cần.  Nhưng Đức Giêsu khuyên rằng: khi mời tiệc nên mời những người nghèo khó, tật nguyền.  Đây cũng là một trong các nghịch lý của Tin Mừng đi ngược nhiều với thế gian.  Ngài dạy làm ơn và phục vụ không cần người ta đền đáp vì chính Thiên Chúa sẽ đền đáp.  Như thế Đức Giêsu mong muốn người tín hữu vượt qua óc tính toán vụ lợi để yêu thương phục vụ những người bất hạnh.

Đức Giêsu muốn minh định cái nguyên tắc thuộc linh cao cả, cái động lực vô vị lợi cho các hành vi thiện đức: đừng bao giờ ban ơn để rồi được nhận lại.  Ngài không bảo đừng bao giờ mời người giàu hay chỉ mời người nghèo, nhưng đừng phục vụ với hậu ý kiếm lợi.  Nếu chỉ phục vụ với chủ ý mưu lợi cho tha nhân mà không nghĩ tới mình được trả trong đời này hay đời sau, thì hành vi đó lại chắc chắn được thưởng trong ngày Chúa quang lâm vinh hiển.

Đức Giêsu muốn nói đến bữa tiệc Nước Trời, nơi đó mọi người đều được mời đến dự, không phân biệt đối xử, đặc biệt mời những người nghèo, vì người nghèo dễ dàng nhận lời mời hơn những người giàu có, quyền thế.  Bữa tiệc Nước Trời, Thiên Chúa đã dọn sẵn, và chỉ những ai khiêm tốn, bé nhỏ, nghèo khó mới được vào dự tiệc. “Chúa sẽ hạ bệ những ai quyền thế và lòng trí kiêu căng.  Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, phận nhỏ.  Người nghèo đói Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1, 51-54).  Quyền thế trần gian đối với Thiên Chúa chỉ là yếu hèn.  Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài mà ban sức mạnh cho người yếu đuối.

Chúa Giêsu dạy bài học khiêm nhường và bác ái, bài học về cách dự tiệc và cách đãi tiệc.  Đó là bài học về những cách sống trong cuộc đời.  Lời Chúa dạy xem ra đảo lộn mọi trật tự xã hội trần thế. Nhưng sống Tin mừng luôn là lội ngược dòng và Thiên Chúa luôn đứng về phía những người khiêm nhường, những người thấp hèn trong địa vị xã hội, những người bị áp bức bất công.  Sống khiêm nhường và yêu thương người nghèo là con đường đi đến Nước Trời.  Người tín hữu đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để kín múc tận nguồn sự khiêm hạ trong tình yêu.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *