NHÀ THỜ

Phúc Âm Thánh Matthêu thuật lại Chúa vào đền thờ như sau: “Ðức Kitô vào đền thờ, Ngài xua đuổi kẻ buôn bán, và những kẻ mua.  Ngài lật nhào bàn ghế của người đổi bạc, và của kẻ bán bồ câu.  Ngài nói với họ: Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi làm thành hang trộm cướp” (Mt 21,12-13). Phúc Âm thánh Gioan thêm chi tiết nữa là Chúa “lấy giây thừng làm roi mà xua đuổi họ.”  Và nói với họ là đừng biến nhà Cha Ta “thành cái chợ” (Gn 2, 13-17).

Phúc Âm muốn nói gì về hành động của Chúa ở đây?  Lời văn mô tả rất ngắn nhưng mỗi chữ mang một ý nghĩa thật sâu.  Những gì đã thực sự xẩy ra ở Jerusalem vào ngày hôm ấy?  Theo lời mô tả của Phúc Âm, điều làm tôi chú ý là trong suốt cuộc đời của Chúa, không khi nào Chúa đối lập rắn rỏi với dân chúng như lúc này.  Chúa lật nhào bàn ghế.  Chúa lấy giây thừng làm roi, xua đuổi các tín hữu. Chúa đã dùng những danh từ rất nặng.  Ðây là bảng so sánh:

Ðền thờ ——– Hang trộm cướp.

Nhà cầu nguyện ——– Cái chợ.

Người trong đền thờ ——– Kẻ buôn bán.

Của lễ ——– Tiền bạc và súc vật.

Hành động của Chúa ——– Lật nhào bàn ghế, lấy giây thừng quấn roi, xua đuổi dân chúng.

Kết luận của Chúa ——– Nhà Ta là nhà cầu nguyện.

Có buôn bán thì khó mà tránh được gian dối.  Có tiền bạc thì làm sao tránh được rình mò.  Ở đâu có súc vật, ở đó có mùi ô uế.  Ðã là chợ thì có người trả giá, có người đôi co, có ồn ào.  Có trộm thì có mất cắp.  Gian dối sinh cãi nhau.  Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện!  Chúa thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy.

Hôm nay, nếu Chúa vào nhà thờ, Chúa có còn phải lập lại lời nói 2,000 năm xưa: Nhà Ta là nhà cầu nguyện?

*******************************************

ZZHôm nay, có nhà thờ đã bỏ hoang.  Có nhà thờ đã được bán lại để làm khách sạn, làm tiệm buôn. Thánh giá ngày nào trên tháp cao đã bị hạ xuống.  Những cửa sổ kính mầu rực rỡ mầu nhiệm cứu rỗi không còn nữa.  Bây giờ là hình vẽ quảng cáo.  Chúa mất nhà thờ.

Bù lại, nhiều nơi lại xây nhà thờ.  Muốn xây nhà thờ thì phải có tiền.  Không có tiền thì tìm cách kiếm tiền.  Tiền có thể làm mất sự trong sáng của tâm hồn, làm của lễ vương khói trần gian.  Lịch sử Giáo Hội đã trải qua những đoạn đường tăm tối vì nhà thờ.  Không thời kỳ nào Giáo Hội xây nhiều nhà thờ, xây huy hoàng như thời trung cổ.  Cần tiền xây nhà thờ, nhiều nơi trong Giáo Hội đã bán ân xá lấy tiền.  Ai càng mua nhiều thì càng được bảo đảm phần rỗi linh hồn.  Luther nhận thấy đường lối sai lầm ấy, đã chống lại, đã tranh luận, đã chia rẽ.  Có nhiều lý do để Luther ly khai khỏi Giáo Hội, nhưng một trong những lý do lớn đó cũng chỉ vì cần tiền để xây nhà thờ.

*******************************************

ZZCó rất nhiều loại nhà thờ.  Nhà thờ của những nước giàu thì nguy nga.  Nhà thờ của những dân tộc nghèo thì lợp lá, vách đất, mưa dột.  Có nhà thờ Công Giáo, có nhà thờ Tin Lành.  Thế giới hôm nay vẫn ngưỡng mộ Gandhi vì tinh thần bất bạo động của ông.  Tinh thần hòa bình này chẳng xa gì tinh thần của Chúa Kitô.  Gandhi đã suy tư rất nhiều về Kitô giáo.  Tiểu sử viết về đời ông kể lại là có một lần kia Gandhi đến nhà thờ.  Khi ông đến cửa thì người đứng chào ở cuối nhà thờ lịch sự chào ông, rồi nói với ông rằng, ông đến nhà thờ là điều chúng tôi rất mừng, nhưng xin ông đến nhà thờ dành cho người da đen.  Gandhi âm thầm, cúi đầu đi và không bao giờ trở lại nhà thờ nữa.  Hôm nay, biết đâu cũng có những người đang mất niềm tin vào Chúa cũng chỉ vì nhà thờ.

*******************************************

Nếu nhà thờ là nơi đông người tụ họp nhất thì cũng là nơi nhiều ma qủy nhất.  Ở chợ búa thì ma qủy thường chỉ cám dỗ người ta gian dối thôi.  Nhưng nhà thờ là nơi ma qủy có thể cám dỗ đủ mọi thứ.  Có thể đến nhà thờ để làm đẹp lòng người khác.  Có thể đến nhà thờ vì sợ bị chê là thiếu đạo đức.  Nhà thờ là nhà cầu nguyện.  Nhưng cũng có thể xây nhà thờ để nổi danh.  Có thể xây nhà thờ vì tự ái, giáo xứ bên cạnh xây được thì mình cũng phải xây cho xong.  Nhà thờ là nơi nghe Lời Chúa: “Các ngươi đừng xét đoán nhau” (Gc 4,11-12).  Nhưng chính nhà thờ lại trở nên tiêu chuẩn xét đoán.  Nhìn kẻ này, trông kẻ kia có đi nhà thờ không để đánh giá lòng đạo đức của họ.  Có người đến nhà thờ để chú ý đến mình, có thể là nhan sắc, tài năng, chức vụ trong xã hội.  Ngày lễ là lúc nhà thờ nhộn nhịp đàn ca, quần áo.  Nhưng có mấy ai nghe thấy nỗi vắng, nhìn thấy cái nghèo của Chúa trên thập giá.

Cái nghèo của Chúa có khi vẫn dễ thấy.  Nghe nỗi vắng, thấy cái nghèo nơi con người mới khó. Không ai mặc áo rách đến nhà thờ.  Vì thế, để thấy cái nỗi khổ, cái nghèo nơi con người, phải ra khỏi nhà thờ, đi vào nhà thờ trong cuộc sống lầm than của họ.  Lúc đó, phải xây nhà thờ là cuộc đời.

*******************************************

Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện.  Nhưng nhà thờ cũng là những vết thương đau đớn nơi thân thể Chúa Kitô.  Nhà thờ là nơi mọi người chung một bữa tiệc, ăn cùng một bánh, chia sẻ cùng một chén thánh.  Nhà thờ là nơi nối kết mọi phần tử trong một thân thể.  Nhưng nhà thờ đã trở thành chia rẽ.

Bên bờ giếng, người đàn bà Samari hỏi Chúa: “Lạy Ngài, tôi thấy Ngài là tiên tri… cha ông chúng tôi thờ phượng trên núi này, còn các ông thì lại bảo Jerusalem mới là nơi thờ phượng” (Gn 4, 19).  Ðức Kitô nói với bà ấy: “Này bà, hãy tin Ta, sẽ đến giờ không phải trên núi này hay tại Jerusalem mà các ngươi thờ phượng Cha” (Gn 4, 21).  Người đàn bà băn khoăn không biết phải thờ Chúa ở đâu.  Chúa nói với bà: “Giờ sẽ đến, và là ngay bây giờ, những kẻ thờ phượng đích thực sẽ thờ Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Cha chỉ muốn gặp những kẻ thờ phượng Ngài như thế” (Gn 4, 23).  Người Do Thái có đền thờ trên đồi Jerusalem.  Người Samari có đền thờ ở núi Gerizim.  Họ không được phép vào nhà thờ của nhau.  Hai bên đã thành thù địch cũng vì nhà thờ.

Chúa không cần nhà thờ.  Chỉ có con người cần nhà thờ.  Con người cũng không cần nhà thờ nếu sống riêng lẻ.  Ðiều ấy hàm ý, nhà thờ chỉ là nhà thờ khi nhà thờ là trung tâm điểm để dân Chúa hiệp thông.  Ðánh mất sự hiệp thông, nhà thờ không còn ý nghĩa.  Lịch sử hôm qua là thế, hôm nay cũng vậy, nhiều nhà thờ đã làm mất bình an trong gia đình.  Nhà thờ gây đổ vỡ trong Giáo Hội.  Nhà thờ đem đến phân ly.  Chúa Kitô vẫn giang tay trên thập giá.  Mỗi phe cầm một tay để kéo Chúa về phe mình thì Chúa sẽ bị rách đôi.  Ðau đớn, nhưng Chúa biết làm sao, Chúa phải thương cả hai, vì tất cả đều là con của mình.

*******************************************

Lạy Chúa, không có nhà thờ nào đẹp bằng đền thờ của tổ phụ chúng con xây cho Chúa ở Jerusalem. Ôi Jerusalem đền thánh thành vàng.  Công trình ròng rã xây cất trong bốn mươi sáu năm (Gn 2,20). Chúa đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của đền thờ, sao Chúa lại nói: “Nhìn ngắm công trình ấy ư?  Ở đó, sẽ không còn hòn đá nào trên đá nào, tất cả sẽ bị phá tan tành” (Mt 24,1-2).

Chúa bị các đạo sĩ kết án vì Chúa bảo phá đền thờ ấy đi, Chúa sẽ dựng lại trong ba ngày.  Sợ chúng con không hiểu, nên thánh Gioan đã phải viết rõ: “Còn Ngài, Ngài nói về đền thờ Thân Mình Ngài” (Gn 2, 21).  Lạy Chúa, nếu vậy thì con phải hết sức cẩn thận.  Vì chỉ lo xây nhà thờ cho Chúa mà quên đi rằng Chúa là nhà thờ của con.  Khi xây nhà thờ thì ma quỷ cũng có thể vào trú ngụ và gây nên biết bao gương xấu.  Nhưng nếu lấy Thân Thể Chúa làm nhà thờ thì không ma quỷ nào vào được.  Và, trong nhà thờ ấy con sẽ sống bình an.

Nếu hôm nay Chúa hỏi: “Shopping center ở đâu?”  Con có thể chỉ lối cho Chúa.  Nếu Chúa hỏi: “Làm sao đến hý viện?”  Con cũng có thể biết đường.  Nếu Chúa hỏi: “Ðường nào đến nhà thờ?”  Thì con bắt đầu phân vân, vì có quá nhiều nhà thờ, nhà thờ Tin Lành, nhà thờ Công Giáo, nhà thờ da đen, nhà thờ da trắng, nhà thờ Do Thái, nhà thờ của nhóm này, nhóm kia, con không biết Chúa chọn nhà thờ nào.  Tuy nhiên, con vẫn có thể chỉ liều cho Chúa một ngôi.  Nhưng nếu Chúa hỏi: “Nơi nào Cha có thể ngủ trọ đêm nay?”  Thì con thực sự phân vân.  Chính trong trái tim mình, con cũng không biết chắc đã sẵn sàng cho Chúa ở chưa.  Trái tim mình là nơi gần mình nhất mà còn không biết thì làm sao biết những gì ở xa mình.

Nơi nào Cha có thể ngủ trọ đêm nay?

Câu hỏi của Chúa ngắn ngủi, mà câu trả lời thì nghe xa xôi, hiu hắt quá.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *