BỨC TRANH PHỤC SINH ẤN TƯỢNG NHẤT

Từ trước đến nay, sự kiện Phục Sinh đã từng là nguồn cảm hứng cho nhiều danh họa bực thầy như Rembrandt, Rubens, Paolo Verones hay Sebastiano Ricci.

Những bức tranh nổi tiếng của họ thường diễn tả cảnh huy hoàng lúc Chúa Sống Lại, sự khải hoàn bên trên ngôi mộ trống, sự sững sờ của đám quân canh, hoặc niềm vui tột độ của bà Madalena.

ZZÍt được biết đến, vì không có hình Chúa, và vì ít được sao chép cho mục đích thờ phượng, nhưng được đánh giá là một kiệt tác có ý nghĩa nhất trong các tác phẩm Phục Sinh, đó là tác phẩm của một họa sĩ Thụy Sĩ không mấy tiếng tăm tên là Eugène Burnand.  Bức tranh có một cái tên rất dài: “Các môn đệ Phêrô và Gioan chạy đến Mộ lúc buổi Sáng Phục Sinh,” niên lịch năm 1898, đang được lưu trữ tại viện Bảo Tàng Musée d’Orsay ở Paris.

Những ai bỏ công đi tới bảo tàng d’Orsay để chiêm ngắm bức tranh, đều đồng ý là bức tranh đã đánh động tâm hồn họ một cách đặc biệt.

Bức tranh không vẽ cảnh Chúa hiển vinh, chỉ miêu tả hai nhân chứng, một người là tông đồ già nhất và một người là tông đồ trẻ nhất của Chúa Giêsu.

Vị tông đồ trẻ, Gioan, là người duy nhất đã có đủ can đảm đi theo chân Chúa cho đến tận đồi Golgotha, và cũng là vị tông đồ duy nhất không phải chết tử vì đạo.  Còn vị tông đồ già kia, Phêrô, là người vừa mới chối Chúa nhiều lần vì sợ hãi, nhưng sau cùng thì ông đã chọn việc bị xử tử bằng cách chịu đóng đinh ngược đầu chứ không phủ nhận sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

Trong bức tranh, Gioan siết tay cầu nguyện trong khi Phêrô áp chặt bàn tay trên trái tim mình.  Tóc và áo của hai người bay ngược về phía sau diễn tả một cuộc chạy bộ vội vàng, nôn nóng để được chứng kiến một sự kiện đã thay đổi cục diện của cả Trời lẫn Đất một cách vĩnh viễn.

Tuy chỉ vẽ có hai người, nhưng bức tranh gợi ý đến ba nhân vật khác, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và bà Madalena.

Người ta có cảm tưởng bà Mary Madalena đang ở gần bên, đứng ngay cạnh bức tranh.  Và hầu như người ta có thể nghe thấy giọng nói hớn hở của bà, chỉ mới vài giây trước đó, đã xông vào nhà của các môn đệ mà báo tin Người đã sống lại.

Hình ảnh của Phêrô diễn tả toàn thể mối quan hệ giữa ông với Chúa Giêsu.  Đôi mắt ông mở to ẩn chứa một sự hỗn hợp giữa lo âu và hy vọng.  Ông đang bị dằn vặt bởi ba lần chối Chúa nhưng đã không đánh mất niềm hy vọng được cứu rỗi.  Người ta có thể liên tưởng tới vài ngày sau đó khi Chúa ngồi bên đống lửa và hỏi Phêrô ba lần, “Con có yêu Thầy không?” và ba câu trả lời của ông đã rửa đi tất cả những tội lỗi quá khứ.

Hình ảnh Gioan với đôi mắt đăm chiêu và thái độ tuân phục nhắc nhở tới những giây phút đau buồn trên núi Sọ vẫn còn chưa vơi trong lòng ông, lúc đó Chúa Giêsu đã hướng về mẹ mình và nhắn nhủ với Gioan rằng “Đây là mẹ con,” và hướng về Gioan mà nói với Mẹ rằng “Đây là con bà.”  Toàn thể loài người đã được ủy thác cho Mẹ và Mẹ cũng đã nhận loài người làm con của mình từ lúc đó.

Bầu không khí khẩn trương của hai nhân vật trong tranh cho thấy rằng tuy một Thế Giới mới với một cuộc sống mới đã xuất hiện, nhưng mọi người vẫn còn sống trong lo âu và nghi ngờ vì đó là một bí ẩn vượt quá tầm hiểu biết và sự kiểm soát của con người nhỏ bé.

Xét về mặt nghệ thuật, bức tranh “Các môn đệ” của Eugène Burnand đã được vẽ trong bối cảnh một nền nghệ thuật mới (thứ Bảy) đang ló dạng, đó là nghệ thuật điện ảnh.

Do đó bức tranh đã mang ảnh hưởng của nền nghệ thuật sống động mới này, nhằm để diễn tả hành động, để kể một câu chuyện.  Cảnh Phục Sinh của ông không mô tả những tĩnh vật như mồ đá đã mở hoặc những gương mặt “sững sờ” đầy kịch tính, nhưng là diễn tả một cảnh chuyển động với nắng lên, mây bay và những gương mặt biểu lộ một tâm tư sôi nổi.

Tuy thể loại hiện thực của Burnand sẽ bị thay thế nhanh chóng bởi nghệ thuật thứ Bảy và không được tiếp đón nồng hậu ở Âu Châu khi đó đang bị rơi vào một nạn “đói” tâm linh trước những tấn công của nhiều lý thuyết vô thần.  Tuy nhiên bức tranh của Burnand đã đóng góp rất nhiều vào những phong trào “tái sinh tôn giáo” ở cuối thế kỷ 19 tại Mỹ Châu, đã trở thành rất bình dân trong giới thợ thuyền ở “Tân Thế Giới.”  Họ nhìn thấy hình ảnh của chính họ ở nơi hai người thuyền chài nghèo khó đang vội vã, lo lắng nhưng cũng tràn đầy hy vọng và họ sẽ được hớn hở vui mừng, trong một buổi sáng tinh sương cách đây 2000 năm về trước.

Trần Mạnh Trác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *