Mùa chay là thời điểm Thiên Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ cuộc sống nô lệ cho tội lỗi để đi đến vùng đất tự do mà Thiên Chúa đã hứa ban. Sa mạc là vùng đất trung gian cần vượt qua giữa 2 miền đất tội lỗi và tự do ấy. Với ý nghĩa đó, suy niệm về cuộc ra đi 40 năm trong sa mạc của dân Do Thái ở Cựu ước sẽ giúp ta nhận ra vài ý nghĩa sâu sa của mùa chay Thánh.
Vào sa mạc, nghĩa là ta từ bỏ các lo toan cơm áo gạo tiền thường nhật quá mức, các tiện nghi vật chất của cuộc sống hiện đại và biết phó thác những lo lắng, thiếu thốn này vào tình yêu của Thiên Chúa quan phòng. Cơm cá hàng ngày sẽ thay thế bởi manna và chim cút mà Thiên Chúa bằng nhiều cách khác nhau sẽ ban cho con cái Ngài. Cảm nghiệm bằng tinh thần tin tưởng tuyệt đối, hãy để Ngài cầm tay dẫn dắt, chúng ta sẽ nhận ra lòng quảng đại và tính quan phòng của Thiên Chúa. Ở đó Ngài không chỉ tính toán cho 1, 2 ngày mà lập trình cho kế hoạch dài hạn 40 năm và hơn thế nữa.
Vào sa mạc, nghĩa là phải đối diện với một không gian rộng lớn, ở đó không thấy các con đường, phố xá quen thuộc. Chúng ta rơi vào cảm giác bơ vơ, chông chênh, lạc lõng. Nhưng cũng chính nơi này, Thiên Chúa lại biểu thị sự hiện diện của mình để dẫn dắt dân Ngài. Ban ngày Thiên Chúa dẫn đường qua một cột mây, còn ban đêm là cột lửa. Ngài là Đấng vừa tỏ hiện vừa che dấu.
Vào sa mạc không chỉ để cầu nguyện mà là tiếp tục dấn bước tới đích đến là vùng đất xa mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai tin tưởng và chọn Ngài làm Cha của cơ nghiệp riêng mình. Vùng đất mà chúng ta chưa từng chứng kiến bằng mọi giác quan, chỉ biết nơi ấy rất phù sa, màu mỡ.
Vào sa mạc không phải để đón nhận sự an bình, tự tại mà là tiếp tục một cuộc chiến đấu, chiến đấu với việc từ bỏ những nhu cầu dễ dãi của một con người và chiến đấu với cả quân thù. Kẻ thù có thể là những phần thuộc thế giới hữu hình lẫn vô hình, những thứ gây cản trở cho chúng ta trên đường tiến về đất hứa. Hình ảnh của Môsê và Giosuê trong cuộc chiến với người Amalếch cho chúng ta những kinh nghiệm. Phải nỗ lực chiến đấu bằng sự cầu nguyện liên lỉ, đồng hành với ý chí tiến công của cá nhân.
Vào sa mạc, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi kí kết với Ngài một giao ước mới. Ở đó chúng ta sẽ mãi mãi gọi Thiên Chúa là Cha duy nhất. Muốn thế chúng ta phải tuân giữ các lề luật mà Ngài đã ban hành. Lề luật không phải là mục đích, nó là phương tiện giúp ta không vượt khỏi ranh giới, để mối liên kết giữa con người và Thiên Chúa không bị cắt đứt. Nhìn như thế, lề luật là ân sủng. Thánh Phaolô nói “Cho nên Lề luật đã thành quản giáo dẫn tới Ðức Kitô, ngõ hầu ta được giải án tuyên công do đức tin.” ( Gl 3, 24).
Hành trình vào sa mạc không chỉ là 1 tuần hay 40 ngày mà là cả cuộc đời. Trên hành trình dài như thế, bản tính yếu đuối con người lại bộc lộ. Khi thuận lợi thì sinh kiêu căng, lúc gian nan lại trở nên hèn yếu. Và tại những thời khắc nhất định, con người dễ rơi vào trạng thái phản Thầy (dựng và thờ thần khác: thần Ba-an), nổi loạn và vô ơn. Lúc đó Thiên Chúa nổi giận và trừng phạt. Để được ơn tha thứ, con người hãy ngước nhìn lên Thánh giá. Chính Đức Giêsu đã chịu chết để trở thành phương thế cứu độ cho loài người.
Lạy Chúa, xin ban thêm cho chúng con lòng dũng cảm để luôn kiên trung bước đi trong sa mạc, nghĩa là chọn con đường thánh giá, để tiến về miền đất mà Chúa đã hứa ban cho những ai biết trung thành với Ngài.
Gia Tuấn Anh