TÌNH YÊU ĐÔI LỨA

ZZMột câu ca dao thật đẹp và đáng nhớ, đã được cha ông chúng ta rút từ kinh nghiệm sống bao thế hệ mà hầu hết người Việt đều biết, đó là: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.”  Câu ca thật đẹp vì nó đã nói lên được giá trị cao quý của tình yêu nam nữ; cụ thể hơn qua tình yêu đôi lứa.

Tình yêu đôi lứa là chủ đề cho các nghệ sĩ sáng tạo ra biết bao bài hát, bức họa, bài thơ và những áng văn tuyệt vời.  Dường như tình yêu đôi lứa đã làm cho cuộc đời này tươi đẹp và phong phú hơn.  Và, đối với một Kitô hữu, tình yêu đôi lứa thật đẹp và đáng tôn trọng vì nó đã phản ánh phần nào về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.  Tình yêu đôi lứa chỉ thật sự đẹp và cao trọng nếu đặt trong tương quan với Chúa; chính Chúa đã mời gọi và là sợi chỉ thắt chặt đôi bạn trẻ với nhau; nếu không có sự tương quan với Chúa, tình yêu đôi lứa sẽ không bền vững.

Người nam và người nữ cần có nhau

Khởi đầu tạo dựng vũ trụ, theo Sáng thế ký, Chúa đã dựng người nam và người nữ để hổ trợ cho nhau. Lúc đầu, Chúa đã tạo dựng nên Ađam mà không có Evà, có dương mà không có âm.  Ađam một mình thui thủi hết đứng lên lại ngồi xuống, nhìn các loài vật mà ông mới đặt tên cho đều có đôi có cặp, và không có loài nào giống mình nên ông thấy thiếu một cái gì đó mà chính ông cũng không biết.  Và, Thiên Chúa thấy tội nghiệp cho ông, Người mới nói: “Đàn ông ở một mình không tốt” (St 2,18), nên Thiên Chúa rút một xương sườn của Ađam để dựng nên người nữ là Evà.  Khi đã có người nữ bên cạnh, Ađam đã vui mừng mà thốt lên: “Này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!  Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2,23).

Như vậy, ngay từ khởi đầu, người nam đã hướng về người nữ, như là tìm kiếm cái gì đã mất; người nữ hướng về người nam như tìm lại cội nguồn xuất phát ra mình.  Khuynh hướng thầm kín này đã thúc đẩy người nam và người nữ tìm đến với nhau.  Và nam nữ tìm đến nhau đã khởi đầu cho mối tình đôi lứa thật huyền diệu.

Tuy nhiên, nam nữ đến với nhau có thể tạo nên một tình yêu cao cả và huyền diệu; nhưng cũng có thể họ đến với nhau mà không chân thành, không có tình yêu.

Một tình yêu cao cả

Một tình yêu đôi lứa chỉ cao cả và huyền diệu khi họ thực sự đến với nhau bằng con tim chân thành. Lúc đó, họ sẵn sàng chia sẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, và họ luôn mong những điều tốt đẹp nhất cho người yêu.  Chỉ cần người nam được nhìn thấy người nữ hay người nữ nhìn thấy người nam là họ đã vui tươi hớn hở.  Những lúc yêu nhau, chỉ với nụ cười, cử chỉ, hay một món quà của một người cũng đủ đem hạnh phúc và niềm vui đến cho người kia.  Khi yêu nhau chân thành, người bạn trai sẽ không ngần ngại cho bạn gái biết rằng: “Em là dòng sông mát trong/ Em là mùa thu nhớ mong/ Em là mùa xuân khát vọng/ Em là mùa hạ nắng hồng” (Nhạc sĩ La Hối, bài hát Xuân và tuổi trẻ ).  Còn đối với bạn nữ, khi vắng người yêu, họ sẽ cảm nhận thiếu thốn và cô đơn mà thốt lên: “Nếu vắng anh, ai dìu em đi trong chiều lộng gió/ nếu vắng anh, ai đón em khi tan trường về”.

Một tình yêu đôi lứa cao cả và huyền diệu là dám hy sinh cho nhau.  Dám hy sinh cho nhau sẽ làm cho tình yêu trở nên linh thiêng hơn; họ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến cho người mình yêu dù phải hy sinh cả bản thân mình, như lời Chúa dạy: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13).  Nếu người yêu gặp khó khăn, buồn khổ trong cuộc sống, họ sẽ hy sinh mọi thứ của bản thân để đến chia sẻ và mang lấy đau khổ của người yêu với mong ước người yêu được vui tươi và hạnh phúc.

Một tình yêu đôi lứa cao cả và chân thành sẽ nhắm đến hôn nhân.  Khi tạo dựng, Chúa đã muốn Ađam và Evà đến với nhau và sinh con đẻ cái cho đầy mặt đất, có nghĩa rằng hai ông bà sẽ đến với nhau để làm thành một gia đình gồm người vợ, người chồng và con cái.  Bởi thế tình yêu đôi lứa là nền tảng xây dựng tình yêu hôn nhân gia đình hay tình yêu vợ chồng.  Do đó, tình yêu đôi lứa có vai trò quan trọng và cần thiết để xây dựng một gia đình hạnh phúc.  Không thể có một gia đình hạnh phúc nếu trong giai đoạn hẹn hò, đôi bạn trẻ không có được một tình yêu chân thành.  Cho nên, khi yêu nhau, đôi bạn trẻ cần trân trọng nhau, đến với nhau bằng tình yêu chân thành và gìn giữ cho nhau vì hạnh phúc sau này.  Nếu đôi bạn trẻ hiểu nhau và dám hy sinh cho nhau, thì họ dễ có được một gia đình hạnh phúc.

Như vậy, để đôi bạn có thể nói được: “Tôi thuộc về người tôi yêu dấu/ Người yêu tôi thuộc trọn về tôi” (Dc 6,3), thì họ cần có được một tình yêu đôi lứa cao thượng và chân thành.

Quan niệm lệch lạc về tình yêu đôi lứa

Tuy nhiên, ngày nay, người ta cho rằng để tìm ra một đôi bạn trẻ yêu nhau với tình yêu cao cả như trên thật hiếm hoi.  Bằng chứng là nhiều bạn trẻ ngày nay có những cái nhìn lệch lạc về tình yêu đôi lứa. Họ cho rằng tình yêu đôi lứa là trò giải trí nhằm thoả mãn thân xác mà thôi.  Đối với họ, tình yêu đôi lứa tách biệt khỏi hôn nhân, yêu cho thoả mãn ham muốn còn hôn nhân thì tính sau.  Điều đó dẫn đến nhiều bạn trẻ đã sống buông thả, chạy theo dục vọng riêng tư mà xem thường người khác.  Nhiều bạn trẻ đã rơi vào đường cùng và đau khổ khi bị người yêu lừa dối; nhiều bạn gái đã đi nạo phá thai; nhiều bạn trai đã lây nhiễm HIV, và kéo theo nhiều tệ nạn khác nữa.

Vậy làm sao để giúp các bạn trẻ có cái nhìn đúng đắn về tình yêu?

Biểu tượng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với con người

Qua sách Diễm ca, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết: Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương với tình yêu chân thành, vị tha và cao cả như một chàng trai đang yêu một cô gái.  Minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa dành cho con người được thể hiện trọn vẹn qua Đức Giêsu Kitô.  Có thể nói nhiều bạn trẻ hiểu sai lệch bản chất tình yêu đôi lứa, bởi vì họ chối bỏ Đức Kitô và đạo lý của Người.  Đức Kitô là nhân chứng và mẫu mực tuyệt vời cho tình yêu trọn vẹn.  Người đã yêu thương con người đến nỗi đã “hy sinh mạng sống vì con người”. Qua mẫu gương yêu thương của Đức Kitô dành cho con người, thánh Gandhi đã đúc thành một đặc tính của tình yêu: “Tình yêu bao giờ cũng hiến tặng, mà không bao giờ đòi đền đáp.  Tình yêu luôn giày vò và khắc khoải, nhưng chẳng bao giờ phản kháng và trả thù”.  Và Thiên Chúa muốn các đôi bạn trẻ yêu nhau như Người đã yêu con người:

Qua việc chấp nhận thân phận con người, sống kiếp phàm nhân như một người trần thế của Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn những đôi bạn yêu nhau phải biết bỏ đi những cái tôi của bản thân, để biết chấp nhận sự khác biệt của nhau.

Qua cái chết trên Thập giá của Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn những đôi bạn trẻ hãy yêu nhau với tình yêu chân thành, “dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu”.

Qua cuộc Phục Sinh vinh thắng của Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn đôi bạn yêu nhau hãy tin tưởng vào nhau và giúp nhau vượt qua những khó khăn trong đường đời.

Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã hứa sẽ ở lại với con người cho đến tận thế, Thiên Chúa muốn đôi bạn hãy yêu nhau suốt đời, để trở nên “thuộc về nhau”, đó là tiến tới tình yêu hôn nhân cao đẹp.

Như vậy, tình yêu đôi lứa là hình ảnh của mối tình Thiên Chúa đối với loài người; và tình yêu lứa đôi chỉ trở nên cao cả và huyền diệu khi họ biết sống theo lời Chúa dạy và nhờ ơn Chúa.  Nhờ đó, tình yêu đôi lứa thật sự thiêng liêng và bền vững, và “nước lũ không dập tắt nổi tình yêu/ sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8,6).

Lạy Chúa Giêsu, Ngày Lễ Tình Yêu nhằm tôn vinh nét đẹp và giá trị cao cả của tình yêu đôi lứa.  Tình yêu đôi lứa chân chính là hình ảnh tình yêu của Chúa dành cho chúng con, bởi vì chính “Chúa là Tình Yêu”.  Xin cho các đôi bạn trẻ đang yêu nhau nhận ra được giá trị chân thật và cao quý của tình yêu, để họ trân trọng và giữ gìn tình yêu cho nhau, để họ có thể mang lại hạnh phúc cho nhau. Amen!

Giuse Hồ Viết Sinh, OP

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *