LẬN ĐẬN

Nhìn những dòng người tấp nập đến và đi trên con đường, tôi nghĩ về những cuộc đời lận đận, lao đao.  Bao giờ mới thực sự hết lận đận lao đao và tôi nghĩ về cuộc đời.

Tôi nhớ về lời của bài hát “tiến thoái lưỡng nan” của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận.  Ngày xưa lận đận không biết về đâu.”  Có những cuộc đời đến lúc ra đi vẫn còn lận đận, vẫn hoài lao đao.  Tôi nghĩ đến những phận người khốn khổ, không phải khốn khổ vì người khác mang đến mà tự thân mình mang vào những khốn khổ.  Khốn khổ lao đao khi không biết rằng mỗi người đều có một thời, không đón nhận thay đổi của thời gian.  Cái lận đận của một tuổi già, sức kém mà vẫn hoài mong một thời chiến tích lập lại, cái lận đận của những mưu tính ôm giữ địa vị, vị thế dù biết mình không thể.  Lận đận vì những lo sợ hão huyền, không còn người biết đến, không còn gì để nắm giữ…  Tôi nghĩ đến những lận đận, cái lận đận của những con người chỉ thích tiếng khen, lời dịu ngọt tâng bốc, những lời giả dối mà không sẵn sàng đón nhận thực tế, những lời chân thành.  Không biết về đâu nên đâu cũng là con đường giống nhau, không dẫn tới đích.  Con người lận đận, loanh quanh không lối thoát trong khổ đau của hành trình.  Những lận đận của những con người quên mất mình có một thời: “Về thu xếp lại, ngày trong nếp ngày” (lời “Chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn).  Một thời của tuổi già tìm về yên tĩnh, rũ bỏ những âu lo, tìm về tháng ngày bình yên, đó chẳng là con đường tìm về, thu xếp lại những ngổn ngang cuộc đời trước khi về bên kia thế giới.

Tôi nghĩ đến bao tâm hồn hạnh phúc trước khi ra đi.

Tôi đã được phép giã từ.  Chúc tôi ra đi may mắn nhé, anh em! Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường.  Này đây chìa khoá tôi gài lên cửa, và cả căn nhà cũng trao trọn anh em. Chỉ xin anh em lời tạ từ lần cuối thắm đượm tình thân.  Từ lâu rồi, sống bên nhau, chúng mình là láng giềng lối xóm; nhưng anh em đã cho tôi nhiều hơn tôi cho lại anh em.  Bây giờ ngày đã rạng, đèn trong xó tối nhà tôi đã tắt.  Lệnh triệu ban rồi, tôi đi đây” (93, Lời dâng, R. Tagore).

Này đây chìa khoá tôi gài lên cửa.”  Hay quá, con người cao thượng quá, trao lại cho người sau tất cả những gì cuộc đời mình đã gầy dựng được, chỉ xin giữ tình thân.  Cuộc đời không giữ gì cho mình lại là cuộc đời đầy tràn tất cả.  Cuộc đời nhìn nhận mình đón nhận tất cả hơn những gì mình kiến tạo, sao hạnh phúc quá. Tôi ước mơ tôi cũng hành động như thế trong mọi lúc trước khi ra đi, tôi ước mơ cái hạnh phúc thật đơn giản, thật sự quên mình trong thế giới bao la của tình người.

Con người rồi sẽ ra đi, rồi sẽ để lại tất cả những gì mình có, để lại ngôi nhà, của cải, vật chất mình đang nắm giữ…  Lận đận khi mình cố níu giữ, bám chặt dù không còn sức, lận đận khi vẫn còn tham vọng, đầy mưu tính.  Tôi ước mơ những cuộc đời lận đận, đừng làm khổ đời mình nữa, tôi ước mơ, con người sống đừng giả dối nhau, đưa nhau lên đài danh vọng rồi chôn vùi đời nhau trong lao đao.  Lận đận chạy chọt, tạo liên minh, gây chia rẽ, tìm chỗ bám víu, làm chi vậy, chỉ thêm khổ, mất thêm nhiều tình nghĩa, và lẻ loi trong hoạt động của phe nhóm.  Hãy nói cho nhau về sự thật cuộc đời, hãy để cho Lời Chúa được thực hiện trong cuộc sống: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20).  Tại sao lại bám víu để rồi lận đận.

ZZThanh thản, an nhiên ra đi như một người vừa làm xong công việc của mình, khiêm nhường đón nhận: “Tôi chỉ là đầy tớ vô duyên, tôi chỉ làm việc bổn phận của tôi” (Lc 17,10).  Diễm phúc cho mỗi cuộc đời khi nhận ra mình là tôi bộc cho hạnh phúc nhân loại, và sẵn sàng như một người đã hoàn thành sứ mạng của mình: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7)

Rũ bỏ lận đận để khỏi lao đao.  Tôi ước mong như bao tâm hồn mong ước: Ra đi trong niềm hân hoan vì cuộc đời này tôi đã sống qua bao hạnh phúc, qua bao đau thương vẫn thấy hạnh phúc.  Hạnh phúc của một con người vì thấy mình được yêu thương, hạnh phúc vì thấy mình đã nỗ lực dâng hiến cho con người được hạnh phúc.

LM Giuse Hoàng Kim Toàn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *