Có một câu châm ngôn cổ cho chúng ta lời chỉ dạy khôn ngoan, nhưng gần như không thể làm theo được. Hãy khôn ngoan trong việc chọn cha mẹ!
Nói thì dễ, làm thì khó, nhưng câu châm ngôn này có nhiều ý nghĩa. Chúng ta không hoàn toàn là chính mình. Chúng ta còn là sản phẩm do tay cha mẹ, những người không chỉ cho chúng ta bộ gen di truyền, mà tập hợp phức tạp những gì của họ trong chúng ta và cách họ liên kết với chúng ta và với thế giới cũng góp phần định hình nhân bản và tính cách của chúng ta nữa. Khi trưởng thành, chúng ta vừa tự do vừa tê liệt về mặt cảm xúc khi suy nghĩ về chính xác những gì mình đã thừa kế được từ cha mẹ. Họ định hình chúng ta.
Ngày hôm nay, ngày của mẹ, khi tôi nghĩ về mẹ mình và gen di truyền được thừa kế từ mẹ, tôi nhận ra rằng cha mẹ đã định hình nên tôi. Mẹ tôi đã mất 43 năm trước, nhưng dấu ấn của mẹ vẫn còn ghi đậm nơi đây, nơi anh chị em tôi, và nơi tôi. Vậy ngoài những đặc thù thể lý, mẹ còn cho tôi gì nữa?
Những gì mẹ cho tôi không phải là tự nhiên mà có. Với sự giúp đỡ của cha tôi, mẹ đã nuôi nấng cả một gia đình đông con, và dù cuộc hôn nhân của họ thật lãng mạn, nhưng gần hết thời gian của họ, họ đã phải xoay xở vật lộn với vấn đề tiền bạc, thời gian, sức lực để lo toan cho cả nhà. Những gì mẹ phải làm luôn luôn hầu như vượt quá sức của mẹ. Nhưng bằng cách nào đó, mẹ luôn luôn xoay xở được, luôn luôn tìm được cách để tăng tiến mọi việc, tăng sức tăng thời gian để cho chúng tôi ăn, mặc, và làm tròn vai trò người mẹ.
Mẹ thường không có thời gian, sức lực hay kiên nhẫn để cho chúng tôi tình cảm và sự nồng ấm mật thiết mà một đứa trẻ hết sức mong đợi và cần đến, dù thực sự, tự bản chất, mẹ là người ấm áp và ân cần. Quá nhiều việc phải làm đè nặng lên mẹ một áp lực nên nhiều khi mẹ không thể cầu toàn và chú tâm thật nhiều được. Và mẹ cũng không phải là một bà mẹ trên phim, lúc nào cũng ăn mặc đẹp đẽ và biểu lộ tình cảm hoàn hảo, nhưng thành thật mà nói, mẹ đã cho chúng tôi điều quan trọng nhất đối với một gia đình, chính là sự an toàn và bảo đảm. Nhu cầu lớn nhất, che khuất tất cả mọi nhu cầu khác, chính là mong muốn được cảm thấy an toàn và bảo đảm.
Mẹ tôi thường chia trí với nhiều việc khác nhau, nên không thể chú ý đến chúng tôi cũng như không biểu lộ tình cảm trọn vẹn được, nhưng mẹ cho chúng tôi những gì chúng tôi cần hơn tất cả, là sự an toàn và bảo đảm. Mẹ cho chúng tôi một mái nhà và một mái ấm luôn luôn vững chãi và chừng mực – đôi khi cũng hơi ồn ào một chút. Trong môi trường đó, chúng tôi luôn được an toàn. Thời thơ ấu, không một ai cho tôi được điều gì phong phú hay to lớn hơn thế nữa.
Hơn nữa, trong tất cả mọi việc, khi phải xoay xở để lo toan và phải đối phó với những việc chẳng đặng đừng, mẹ đã dạy cho chúng tôi biết một điều quan trọng nữa là, bạn không cần phải chờ cho đến khi thanh toán hết hóa đơn, sức khỏe sung mãn, có đủ thời gian rảnh rỗi, và chẳng có những việc đau đầu đang chờ, nghĩa là không cần phải chờ cho đến khi mọi việc hoàn hảo để có thể hưởng dùng thời khắc hiện tại. Mẹ tôi biết cách để hưởng giây phút hiện tại. Mọi ngày lễ, sinh nhật, hay ngày Chúa Nhật, đều là dịp để có một bữa ăn đặc biệt và mừng lễ đặc biệt cho dù có việc gì khó khăn có thể xảy ra đi chăng nữa. Và có lẽ, quan trọng hơn tất cả, mẹ tôi vô cùng có trách nhiệm trong việc trao truyền đức tin cho tôi, và dù cha tôi cùng chung tay, nhưng mẹ tôi chính là người thúc đẩy tôi mở lòng ra với ơn gọi linh mục.
Các nhà nhân học nghiên cứu các nghi lễ khai tâm trong nhiều nền văn hóa khác nhau đã cho chúng ta biết rằng các quy trình khai tâm cần thiết để biến đổi một đứa trẻ thành một người trưởng thành, đều cần phải nhấn mạnh vào bốn chân lý rõ ràng này: Đời của bạn không phải của riêng bạn. Cuộc sống đầy gian khó. Bạn sẽ chết. Đời của bạn không phải là cho bạn.
Nền văn hóa và Giáo hội của mẹ tôi đã ghi khắc không thể phai mờ những chân lý này trong bà. Với thế hệ của bà, đặc biệt khi bạn sống ở vùng nông thôn và nghèo, thì cuộc sống thật khó khăn và đòi hỏi đạo đức phải cao. Nhiều người chết trẻ. Và đặc nét thế hệ của mẹ tôi là gia đình, Giáo hội, người đồng loại và quê hương có thể đòi hỏi, và bổn phận của bạn là trao ban đời sống mình mà không chút ích kỷ hay than van. Thật ích kỷ khi nghĩ về mình trên hết. Mẹ tôi đã thấm nhuần đặc tính đó và rồi bà truyền cho chúng tôi, đặc biệt là chân lý rằng đời của bạn không phải là cho bạn. Những sự thật khác nữa như, cuộc sống là khó khăn và bạn sẽ chết, sẽ tự lên tiếng với bạn, nhưng từ lúc bạn còn là đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, thông điệp gởi đến bạn rất rõ ràng: Đời của bạn không phải của riêng bạn. Đời của bạn không phải là cho bạn. Các nhà nhân học có lẽ nên nghiên cứu cách nhìn và cách sống khai tâm của mẹ tôi.
Không bà mẹ nào hoàn hảo, mẹ tôi cũng vậy. Mẹ có những sai lầm và tôi cũng còn nhớ nhiều sai lầm của mẹ bên cạnh nhiều điều tốt mẹ đã làm cho tôi. Nhưng khi nghĩ về mẹ mình, tôi chỉ cảm thấy thật tốt lành và biết ơn mà thôi. Tôi đã chọn mẹ cho mình một cách khôn ngoan đó!
Rev. Ron Rolheiser, OMI