LỄ THĂNG THIÊN

503Chúng ta mừng lễ Chúa Thăng Thiên hay nói một cách bình dân là lễ Chúa lên trời.

Cả ba bài đọc lời Chúa liên kết với nhau một cách chặt chẽ.  Bài đọc thứ I sách Tông Đồ Công Vụ mô tả việc Đức Giêsu được cất nhắc lên trời trước mắt các môn đệ.  Bài đọc II, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Ephêsô cho biết Đức Giêsu sau khi hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó ở dưới thế đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha; và bài Tin Mừng theo thánh Luca (năm C) cho biết – trước khi về trời – Đức Giêsu Phục Sinh đã truyền cho các môn đệ làm chứng cho Ngài; rồi nhân danh Ngài mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân.  Ngài cũng chúc bình an và hứa ban Thánh Thần cho các ông để các ông được tràn đầy niềm vui và hân hoan chu toàn sứ mạng.

Mầu nhiệm Chúa lên trời là một tín điều chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin…  Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.  Người lên Trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha.”

Vậy, lên trời là gì?  Và việc Đức Giêsu lên trời có ý nghĩa gì với cuộc đời người Kitô hữu chúng ta?

Khi nói về việc Chúa Giêsu lên trời, nhiều người tưởng là Ngài bay vào không gian; rồi ở đâu đó giữa muôn vàn tinh tú!  Cho nên, người ta kể rằng: sau khi từ không gian trở về, một nhà du hành vũ trụ đã tuyên bố: “Không có Thiên Chúa” vì ông đã lên tới trời rồi mà không gặp!

Vậy, trước hết, chúng ta cần hiểu việc Chúa “lên Trời” là một sự kiện diễn ra trước mắt các tông đồ (bài đọc I).  Đồng thời, chúng ta cần đọc biến cố này trong ngôn ngữ thánh kinh: Đức Giêsu lên trời nghĩa là Ngài được “cất nhắc lên” được “tôn vinh”; và cũng để khẳng định: Ngài là Đấng từ trời xuống; vậy sau khi đã hoàn tất sứ vụ, Ngài trở về trời với Chúa Cha (bài đọc II).

Hơn nữa, thiên đàng hay cõi trời của Thiên Chúa ở trong chiều kích khác với chiều kích không gian địa lý của chúng ta.  Thật vậy, Thiên đàng là nơi Thiên Chúa ngự.  Mà Thiên Chúa là tình yêu; cho nên, nơi nào có tình yêu, nơi đó là thiên đàng!

Sách tu đức có kể lại câu chuyện:

Một tu sĩ sống cuộc đời hạnh phúc và an vui trong bốn bức tường của Tu viện.  Đời sống tu trì đã biến đổi cuộc đời và tâm hồn của ông trở nên tốt lành, đến nỗi mọi người đều gọi ông là ông thánh.

Ngày nọ, đang lúc ông rửa chén, bỗng một Thiên thần hiện ra và nói: “Thiên Chúa sai ta đến để báo cho thầy biết là giờ thầy lìa đời đã đến.”  Tu sĩ vẫn điềm nhiên vui vẻ trả lời: “Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa để phục vụ cho kịp bữa cơm chiều của tu viện, xin ngài có thể hoãn lại sau khi tôi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không?”  Nói xong, Thiên thần biến đi.  Tu sĩ trở lại công việc một cách hăng say, hoàn tất rồi chờ mãi mà cũng không thấy thiên thần trở lại.

Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, Thiên thần hiện ra.  Như đoán trước ý nghĩ của Thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói: “Đây ngài xem, cỏ dại mọc đầy vườn, (bề trên tổng quyền lại sắp về tu viện kinh lý!) Ngài có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không?”  Cũng như lần trước, Thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.

Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần hiện ra; lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân đang kêu la đau đớn trên giường bệnh.  Thiên thần biến đi không nói một lời nào.

Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé đơn sơ của mình, mãn nguyện vì đã xong bổn phận, ông cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con đã sẵn sàng theo Ngài về trời.”  Lời cầu nguyện vừa dứt, Thiên thần Chúa xuất hiện; vị tu sĩ mừng rỡ: “Lần này, Thiên thần mang tôi đi, vì tôi đã sẵn sàng theo ngài về thiên quốc.”  Thiên thần trìu mến nhìn vị tu sĩ và nói: “Này ông thánh sống ơi, những ngày tháng vừa qua, ông không nghĩ rằng ông đã ở thiên đàng rồi sao?”

Qua câu chuyện, tác giả sách tu đức không phủ nhận thiên đàng đời sau dành cho những ai chu toàn bổn phận và sống giới răn yêu thương nhưng muốn chúng ta hiểu và sống thực tại thiên đàng ngay tại trần thế.

Tuy nhiên, như các môn đệ Chúa năm xưa, nhiều Kitô Hữu cứ đăm đắm hướng về trời mà quên mất bổn phận dưới đất! (MV 43, 1b).

Vì vậy, sách Tông Đồ Công Vụ bài đọc thứ nhất cho thấy thiên sứ phải thức tỉnh các tông đồ: “Hỡi các ông người Galilê, thôi đừng đứng đó mà nhìn lên trời nữa!”  Thiên thần nhắc nhở các ông nhìn xuống đất để sống với thực tại; và nhất là để thực hiện sứ mạng mà Đức Giêsu – Thầy của các ông đã trao phó.

Như thế, sự kiện Chúa lên trời là khởi đầu cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội: Từ đây, nhất là từ ngày lễ Ngũ Tuần, khi đã lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần, các môn đệ hân hoan ra đi làm chứng về sự sống lại của Chúa Giêsu, và loan báo Tin Mừng cứu độ không chỉ ở Giêrusalem và cho người Do Thái mà thôi, mà còn ở khắp nơi, và cho mọi người.

Đức Giêsu lên trời nhưng không rời xa chúng ta “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”  Ngài vẫn hiện diện cùng chúng ta trong Lời Chúa, trong các bí tích, trong các thừa tác viên Chúa chọn, trong những người anh em quanh ta, nhất là trong những người nghèo khổ, bệnh tật.  Đức Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha không có nghĩa là Ngài đóng đô ở một chỗ nào đó trong không gian, trên các tầng trời.  Ngài ở bất cứ nơi nào có tình hiệp nhất, yêu thương, chia sẻ.

*******************************************

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, Chúa về trời là niềm hy vọng cho chúng con.  Chúng con tin tưởng, sau những gian nan thử thách và cả cái chết ở đời này, đến ngày tận thế, thân xác chúng con sẽ được Chúa cho phục sinh để hưởng phúc vinh quang.  Xin cho chúng con ý thức rằng: Mừng lễ Chúa thăng thiên, chính là dịp để chúng con nhìn tới tương lai để định hướng sống cho hiện tại; hơn nữa, thay vì chỉ mải mê nhìn trời, xin cho chúng con biết cùng nhau xây dựng nước trời ngay đời này bằng đời sống yêu thương, dấn thân phục vụ.  Đó là cách thức truyền giáo hữu hiệu và cũng là con đường đưa chúng con về quê trời khi chúng con hoàn tất cuộc đời dương thế.  Amen.

Sưu tầm