CHUỘC TỘI

Tôi còn nhớ, vào những năm 79-80 ấy, mà lại ở vùng kinh tế mới, thì chuyện sinh ở trạm xá là chuyện hiếm.  Thường thì người ta sinh con ở nhà, có bà mụ, hoặc thậm chí, chồng đỡ đẻ cho vợ.  Vì vậy, trạm xá chẳng có mấy sản phụ, chỉ có những phụ nữ đã từng sống ở thành phố, bị lấy mất nhà cửa, phải vào kinh tế mới, thì mới có thói quen tại sinh trạm xá.  Cô tôi cũng không là ngoại lệ.  Đến thăm cô tại trạm xá, tôi chú ý đến sản phụ ở giường bên cạnh.  Dù lam lũ, đen đúa nhưng cô ấy vẫn toát ra một vẻ gì đó “dân thành phố trăm phần trăm” (ấy là theo lời thằng em tôi, sau khi câu chuyện xảy ra).  Cô ấy có vẻ mệt, buồn và lẻ loi cam chịu thế nào ấy.  Trong khi mấy giường chung quanh đều có người thăm viếng, trò chuyện vui vẻ, thì cô ấy chỉ một mình.  Thấy tôi nhìn, cô tôi nói nhỏ:  “Chị ấy sinh từ sáng, mà lại sinh đôi, nhưng không hiểu sao không thấy ai thăm nuôi.  Chắc đói lắm.  Cô đã mời, nhưng cô ấy không ăn.”

Mải nói chuyện, tôi cũng không để ý chị ấy nữa.  Đến lúc nghe một tiếng thét rợn người ngay bên cạnh, tôi mới giật mình quay lại, thì nhìn thấy ngay một người con trai mặt trắng bệch, gần như hoá đá, ngồi ở cuối giường, đôi mắt mở to nhưng không nhìn thấy gì, không còn thần sắc gì.  Còn sản phụ trên giường đã ngồi bật dậy, chụp lấy đứa bé con mình mà liệng ra cửa sổ!  Mọi sự diễn ra rất nhanh, ai cũng nhìn thấy nhưng không ai kịp phản ứng gì cả.  Đến lúc mọi người tỉnh lại, xúm vào giật được thằng bé kia trong tay mẹ nó, thì chị cũng hộc ra một ngụm máu rồi té lăn ra trên giường, tắt thở ngay lúc đó!  Mọi người lộn xộn, cuống cuồng la hét một lúc lâu, đến khi quay lại thì người con trai vẫn ngồi im ở đó, không có một phản ứng gì cả!  Dường như anh đã hoá đá thật sự!

Sau này tôi mới biết, đó là một cặp vợ chồng son, lấy nhau vì tình.  Gia đình chị không đồng ý, nhưng thấy chị cương quyết quá, nên cũng đứng ra tổ chức hôn lễ nhưng sau đó thì cấm cửa cả hai người!  Chỉ ba hôm trước ngày cưới, chị mới biết hôn phu của mình có máu mê cờ bạc.  Nhưng, một phần vì thiệp cưới đã gởi đi hết, phần vì không lường được mức độ nặng nhẹ của máu mê ấy, vẫn mong tình yêu mãnh liệt của hai người sẽ làm thay đổi tất cả, chị vẫn quyết định lấy anh.  Chỉ mấy tháng sau, chị biết bệnh của anh là không còn thuốc chữa.  Nghèo đói là thế, nhưng hễ kiếm được đồng nào là anh lại sà ngay vào chiếu bạc.  Lúc mới lấy nhau, anh chỉ “đi vắng” từng chập ngắn.  Càng về sau anh càng vắng nhà nhiều hơn.  Cả đêm, cả ngày.  Đồ vật trong nhà, vốn dĩ đã ít ỏi, nay lại lần lượt đội nón ra đi.  Bao nhiêu lần chị khóc lóc, bao nhiêu lần chị làm dữ là bấy nhiêu lần anh hối hận ăn năn, hứa sẽ bỏ, và cũng bấy nhiêu lần anh quay lại với chiếu bạc!  Tình yêu anh dành cho chị không đủ mạnh để vượt qua căn bệnh này.  Rất sợ mất chị, nhưng anh không đủ nghị lực nói không với những lời rủ rê, khích bác.  Không còn cách nào khác, ngay khi biết mình mang thai, chị nuốt nước mắt vào trong, tự mình bươn chải kiếm sống.  Chị không từ một việc nặng nhọc nào để kiếm tiền, dành dụm chi dùng cho mình khi sinh nở.  Ngày đi sanh chị mới chỉ cho anh chỗ cất tiền, dặn dò anh lo ăn uống cho mình.  Thế nhưng, khi cầm tiền trong tay, máu mê cờ bạc lại nổi lên, anh tự nhủ “chơi một ván thôi, rồi về đi chợ, nấu cơm mang lên cho vợ”.  Một ván của anh kéo dài đến khi hết tiền.  Cầm mấy đồng tiền lẻ còn lại, anh mới sực tỉnh!  Chừng ấy tiền thì chỉ đủ mua một ít nước đậu nành, vừa lếnh láng đáy gà-mên!

Mang cái gà-mên ấy lên trạm xá, như một tên tội phạm, anh lén lút bước vào, lén lút đưa cho vợ.  Cả một ngày dài bị bỏ mặc với những buồn bã, đau đớn, mệt mỏi, với cái nhìn thương xót của những người xung quanh, trong sự non yếu thể xác và tinh thần của sản phụ mới sinh, thì những giọt sữa đậu nành lênh láng đáy gà-mên ấy chính là giọt nước làm tràn ly.

*********************************

Chúng tôi đến Trại Phong vào một buổi chiều muộn.  Nắng chiều vàng rực chiếu xiên qua hàng cây ven đường tạo nên vẻ đẹp âm thầm.  Soeur phụ trách dẫn chúng tôi đi thăm một vòng.  Dù đã được cam kết rằng bệnh phong không lây qua không khí, thức ăn, nước uống, nhiều đứa trong đoàn vẫn sợ co rúm lại, không dám uống nước các soeur mời, dù khát khô cổ sau một chặng đường dài mệt nhọc!

Và bất chợt, tôi lại nhìn thấy hình bóng người con trai ấy.  Câu chuyện với từng giây phút kinh hoàng đã ám ảnh tôi một thời gian dài, và in hằn trong trí tôi, không thể xóa nhòa.  Đúng là những đường nét của khuôn mặt ấy, nhưng bây giờ là khuôn mặt của một ông già cằn cỗi với thời gian, tuổi tác đè nặng, mái tóc bạc trắng, vừa rất giống, vừa rất khác người thanh nhiên ngày xưa ấy.  Và đôi mắt.  Đôi mắt như hai hố sâu thăm thẳm, vừa như chất chứa, u uất, vừa như vô hồn, trống rỗng.  Tôi tìm cách dò hỏi từ soeur phụ trách, để biết là các soeurs cũng chẳng biết gì hơn tôi.  Gần hai mươi năm trước, anh một mình đến xin làm, không nhận tiền công, chỉ xin ngày hai bữa ăn và một chỗ ngủ.  Trại phong là nơi chẳng ai muốn đến bao giờ, nhất là lại đến ở luôn, mà lại giúp không công!  Thế là các soeurs nhận.  Và soeur không bao giờ ân hận vì quyết định ấy, vì anh luôn làm quá sức mình, trong tất cả mọi việc, không nề hà những vết lở loét kinh sợ, không nề hà mùi tanh hôi của máu, mủ.  Chỉ có một điều, anh không bao giờ trò chuyện.  Là những người xoa dịu vết đau, không những thể xác mà cả tinh thần, các soeur biết anh đang chất chứa một nỗi đau dường như vượt quá sức chịu đựng, nên tìm đủ mọi cách tiếp cận với con người ấy, nhưng anh vẫn cứ là một cái bóng, một cái bóng vô cùng hữu dụng.

Ngày tháng dần trôi.  Các soeurs đến rồi đi, anh trở thành một phần không thể thiếu của trại.  Và các soeur cũng từ bỏ ý định tiếp cận với anh.  Nỗi đau anh khư khư ôm giữ riêng cho mình, không biết như một trừng phạt, đọa dày hay như một sự chuộc tội?!

Tôi rất muốn nói với anh rằng, đúng thật là anh đã tự tay giết chết một lúc ba mạng người, mà lại là những người thân yếu nhất.  Đúng thật là không đêm nào anh có thể ngủ mà không mơ thấy hình ảnh vợ mình ném con qua cửa sổ.  Nhưng chừng ấy năm trời sống giam mình trong địa ngục của câu chuyện ấy đã là quá đủ cho anh.  Sao anh không thể tha thứ cho chính mình?  Sao anh không nhìn thấy những người phong cùi kia lần lượt được chữa lành?  Sao anh không thấy rằng, chừng ấy năm xoa dịu nỗi đau thể xác của những bệnh nhân phong cùi đã là sự chuộc tội dư đầy?  Dù không biết Chúa, nhưng hai mươi năm sống cạnh các soeur, sao anh không thể nhận ra rằng, Chúa đã tha thứ cho anh từ lâu lắm rồi?  Sao anh không tin rằng, nơi xa xôi ấy, vợ và các con anh chắc phải đau khổ lắm khi nhìn thấy anh như thế, để những  ngày còn lại trong cuộc đời, anh có thể an lòng mà sống, mà tiếp tục làm người thánh thiện trong mắt các bệnh nhân, như họ đã nhìn anh trong hai mươi năm qua?

Chiêu Ẩn

*********************************

Lạy Chúa, trong hành trình thiêng liêng, quá trình nhìn nhận tội lỗi của mình, chấp nhận ơn tha thứ của Chúa và cuối cùng là chấp nhận tha thứ cho chính bản thân mình là một con đường dài đầy chông gai.  Xin cho con biết mở lòng và khiêm nhường để tha thứ cho chính mình cho dù tội lỗi của con có ngút ngàn mây xanh.  Xin cho con nhận biết rằng chỉ có Chúa mới đủ khả năng để chuộc tội cho con chứ con không có khả năng để chuộc lại tội lỗi của mình.  Khi không tha thứ cho chính mình cũng chính là con không chấp nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, nghĩa là Chúa đã thất bại với chính con! 

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin giúp con thoát ra khỏi áng mây đen ám ảnh của một quá khứ tội lỗi để con sống vui, sống trọn vẹn cho mình, cho Chúa và cho tha nhân.  Amen!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *