KỶ LUẬT NỘI TÂM

“Người môn đệ chỉ cần đốt cháy con tàu của mình [đốt cháy những gì mình làm sở hữu] và hướng về phía trước.  Anh được mời gọi để rời bỏ…bỏ lại cuộc sống cũ ở phía sau, và hoàn toàn phó thác. Người môn đệ được đẩy ra khỏi nơi tương đối an toàn của mình để đi vào một cuộc sống tuyệt đối bất an… ra khỏi lĩnh vực của sự hữu hạn… và đưa vào lĩnh vực của khả năng vô hạn.” –
Dietrich Bonhoeffer

Chúa Giêsu và Thánh Gioan Tẩy Giả là hai nhân vật quan trọng nhất trong Tân Ước và sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa đều được các Phúc Âm nhắc đến.  Nếu để những câu chuyện này song song với nhau, chúng ta sẽ thấy mỗi Thánh Sử thuật lại câu chuyện khác nhau.  Chẳng hạn như theo Mátthêu và Máccô, chúng ta đều thấy Đức Giêsu chịu phép rửa bởi Thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng Phúc Âm Luca thì chỉ thuật lại “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa” (Lc 3:21-22), và câu chuyện này được nhắc đến sau khi Gioan Tẩy Giả bị Vua Hêrôđê bắt bỏ tù (Lc 3:19-20).  Còn ở Gioan thì không nói tới việc Đức Giêsu chịu phép rửa, nhưng đề cập việc Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu và làm chứng về Đức Giêsu được Thần Khí ngự xuống dưới hình chim bồ câu (Ga 1:32-34).

Nếu chúng ta nhìn lại sự sinh tử của Thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu, chúng ta sẽ thấy cả hai đều có một sự khởi đầu tương tự, đó là sự thụ thai của cả hai đều được loan báo bởi Thiên Sứ.  Về sự chết thì hai Ngài đều đón nhận cái chết nhục nhã, Đức Giêsu thì đầu đội vòng gai và bị đóng đinh trên đồi Calvê; còn Thánh Gioan Tẩy Giả thì bị chém đầu và bỏ trên mâm làm món quà cho một người phụ nữ (Mt 14:1-12).  Theo Phúc Âm Luca thì Đức Giêsu và Thánh  Gioan Tẩy Giả đã gặp nhau một lần khi cả hai còn trong bụng mẹ và đã nhận ra nhau khi Maria, lúc ấy mới được thụ thai và đi thăm người chị họ Êlisabét, cất tiếng chào chị mình.  Có lẽ ngay lúc gặp gỡ khi còn trong bụng mẹ đó, Đức Giêsu và Thánh Gioan đã cùng nhận ra được rằng cả hai đều sống và chết cho một sứ mạng chung đó là mang tin mừng cứu độ cho nhân loại bắt đầu từ việc chịu phép rửa.  Thánh Gioan thì rửa tội bằng nước và Đức Giêsu thì mời gọi chúng ta sống trong Thần Khí.

Nhưng để được sống và trung thành với Thần Khí mà chúng ta được hưởng qua ấn tín của phép rửa, chúng ta cần phải có những phút tĩnh lặng để nghe được tiếng nói trong con tim.  Là người Kitô hữu, chắc chắn rằng ai trong chúng ta lại không muốn được nghe tiếng Thiên Chúa nói với mình một cách âu yếm như Ngài đã nói về Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta…”  Sở dĩ ai trong chúng ta đều muốn nghe những lời âu yếm của Thiên Chúa Cha vì khi Ngài dựng nên mỗi người chúng ta, Ngài đã ghi tạc sự mong muốn ấy trong con tim của mỗi người.

Từ muôn thuở, Thiên Chúa thấu hiểu tâm tình của con cái Ngài và Ngài hằng mong ước lời Ngài phán sẽ luôn được lắng nghe, được đón nhận và mang ra thực hành, biến ước mơ thành hiện thực.  Có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao Thánh Gioan Tẩy Giả lại có thể lắng nghe được lời Thiên Chúa mách bảo để rồi ông có thể nhận ra được Chúa Giêsu đích thực là Đấng mà ông và muôn dân đang mong đợi, là Chiên Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế?  Có lẽ nhờ cuộc thăm viếng của Mẹ Maria khi bà chị họ Eisabeth mang thai Gioan Tẩy Giả, Thánh Thần Chúa đã được Mẹ Maria mang đến cuộc gặp gỡ này và khiến cho Gioan dù còn trong bụng mẹ vẫn nhảy mừng trước cuộc viếng thăm của thai nhi Giêsu. Sự lắng nghe của Thánh Gioan Tẩy Giả không dừng lại khi ngài gặp gỡ thai nhi Giêsu, nhưng ngài tiếp tục lắng nghe, tiếp tục đón nhận Thánh Ý Chúa và thực hiện cho đến khi ngài bị chém và đầu của ngài được đặt trên chiếc mâm làm thú vui cho bá quan của Hêrôđê.

Lắng nghe là một thái độ và hành vi đòi hỏi phải có sự chú ý, kiên nhẫn và luyện tập thường xuyên. Điều này cũng có nghĩa là những ai muốn trở thành người có trái tim nhạy cảm để lắng nghe thì phải tạo cho mình một kỷ luật nội tâm và tuân giữ hết sức triệt để.  Kinh nghiệm sống của các thánh để lại cho chúng ta thấy, để có thể lắng nghe được tiếng Chúa, các ngài phải tự đưa ra một kỷ luật và tuân giữ những qui luật đó cốt sao cho tâm hồn các ngài thực sự tĩnh lặng để lắng nghe bất kể tiếng ồn ào hay xao động chung quanh bởi vì các ngài nhận thức được tiếng nói của Thiên Chúa chỉ xuất phát từ nơi sâu thẳm của con tim mà thôi.  Vì vậy, một con người có tâm hồn tĩnh lặng thể hiện ZZqua đời sống cầu nguyện, qua cái nhìn thế giới xung quanh, cũng như qua cách đối xử với mọi người, sẽ lắng nghe được tiếng Thiên Chúa một cách tỏ tường.

Khi Thánh Gioan Tẩy Giả bước vào sa mạc, ngài đã khép cuộc sống của ngài vào một kỷ luật để tiếp tục lắng nghe và nhận ra Thánh ý Chúa định cho cuộc đời của ngài.  Chính Thần Khí hoạt động trong ngài và hướng dẫn ngài chọn cuộc sống mà ngài đã sống đó là sống hoàn toàn để chuẩn bị cho Đấng Thánh, đó là sứ mạng của ngài.  Bởi thế, mặc dầu ngài rất bận rộn với sứ mạng dọn đường bằng cách mời gọi mọi người thống hối, ngài vẫn luôn để ý, lắng nghe và hướng lòng về sự hiện diện của Đấng mà ngài đang trông chờ.  Cho nên khi Đức Giêsu xuất hiện, mặc dầu rất thầm lặng, Thánh Gioan Tẩy Giả đã nhận ra Đức Giêsu là ai, và cũng ý thức được sứ mạng của ngài có lẽ đến đây đã hoàn tất. Thánh Gioan đã sống lối sống của người có kỷ luật nội tâm, một người biết lắng nghe và hướng lòng của mình đến Thánh ý của Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta biết dành thời gian để luyện tập cho mình một kỷ luật nội tâm hầu lắng nghe được tiếng nói của Thiên Chúa từ con tim của mình.  Hãy tập thinh lặng trong tâm hồn, tập làm chậm lại cuộc sống như chạy đua của chúng ta, tập biết phản ánh và nhìn lại những gì đã xảy đến trong ngày, nghĩ đến những người ta gặp gỡ, và tập cho ta biết sống thật cho giây phút hiện tại.  Qua những giây phút thinh lặng ấy chúng ta mới nhận thức ra được sức sống của thiên nhiên trong đó chúng ta là một phần tử, và sức sống ấy được nuôi nấng bởi Thiên Chúa, và như vậy chúng ta mới có can đảm để phó thác cuộc sống của mình cho Chúa hầu Ngài thánh hoá những gì là hữu hạn của con người trở nên sự vô hạn của Chúa, và chúng ta trở nên những người con biết sống theo Thần Khí như Chúa Cha hằng mong muốn. Amen!

Củ Khoai 1/14

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *