SUY NIỆM TRÊN CÁT

ABCNguyên tác: Meditazioni Sulla Sabbia
Tác giả: Alessandro Pronzato
Dịch giả: Vũ Văn An
Nguồn:  http://thanhlinh.net

                                                            LỜI GIỚI THIỆU

           Đi hành hương thăm mộ Charles de Foucauld tại sa mạc Sahara trở về, tác giả trình bày trong sách này một loạt những bài suy niệm dựa trên chính các kinh nghiệm, những khám phá và những suy tư trong sa mạc của ông. Chủ đề được lặp đi lặp lại là bản chất nghịch lý của cầu nguyện, đã được minh họa suốt trong sách này bằng những cái nghịch lý của chính sa mạc.
           Đối với những ai được nghe lời mời vào sa mạc, nhưng bị bắt buộc phải chấp nhận sống trong cái tàn bạo của thành phố, tác giả đề nghị điểm nghịch lý cuối cùng này là: mời họ vượt lên trên chiều kích địa dư của sa mạc để tự tạo cho mình một sa mạc ngay trong thành phố.  Cái sa mạc nội tâm của cô tịch, của thinh lặng và cầu nguyện này được coi như cái khung qui chiếu chính yếu cho cuộc sống hỗn độn của ta, một cuộc sống luôn bị cảnh mất gốc đe dọa, bị giằng kéo giữa đời, bị những hoạt động vô ích làm ra khô cạn.  Lúc ấy Chúa mới có thể dạo chơi trong các đô thị của ta, và hài lòng tìm thấy những cảnh an bình, và yên tĩnh giữa cái huyên náo nhức óc, và cái vội vã khùng điên của cuộc sống hàng ngày.  Và lúc ấy sa mạc tại thành phố của ta sẽ trở thành nơi hò hẹn tại đó ta sẽ thấy Chúa diện đối diện.

Download (PDF, 414KB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.

MỘT PHÚT MINH TRIẾT

12Nguyên tác: One Minute Wisdom
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Gs. Đỗ Tân Hưng
Thông tin bản quyền:  Được sự chấp thuận của Gs. Đỗ Tân Hưng để post ở suyniemhangngay.net

                                                                 LỜI MỞ ĐẦU

           Những tác phẩm của cha Anthony de Mello (1931-1987), một linh mục Dòng Tên người Ấn-Độ, đã có âm hưởng sâu xa khắp nhiều nơi trên thế giới.  Ngài được xem như một trong những bậc thầy tu đức hiện đại, nổi tiếng vì những khóa linh thao và những buổi hội thảo liên quan đến sự giải thoát nội tâm.
           Qua những mẩu chuyện ngắn, ngài mời độc-giả hãy có một cái nhìn khác biệt đối với vấn đề tu đức, một cái nhìn về thực tế, chứ không phải những diễn văn hay những điều xác tín.
           Những sách của cha Anthony de Mello được ấn hành trong bối cảnh đa tôn giáo, nhằm mục đích giúp tín hữu mọi tôn giáo, kể cả người vô thần hay người theo thuyết bất khả tri, trong tiến trình học hỏi tâm linh. Chủ đích của tác giả không nhằm huấn giáo theo đức tin Công Giáo.
           Tạp chí “Vida Nueva” (Đời Sống Mới) ở Madrid, Tây-Ban-Nha, ngày 12-09-1987 đã nhận xét như sau về cha Anthony De Mello:

Cái gì đứng đằng sau hiện-tượng thành-công đó? Rất đơn-giản, đó là một sự biểu lộ lòng khao khát về tâm linh đang lan tràn khắp thế giới. Đó là một sự khao khát với những tính chất rất đặc biệt. Dân chúng không còn muốn thủ đắc những công thức có sẵn hay những thứ đạo đức vô vị của một thời xa xưa; những đường mòn đã thất bại trong việc đưa người ta đến chỗ thức giác tâm linh. Đó là một sự truy tầm khắc khoải, đôi khi mập mờ không định hướng, đối với một tầm nhìn có tính cách phóng khoáng hơn. Con người thời đại đang bị dun rủi vào hoàn cảnh thay đổi của một nền văn hóa có sẵn, tiên vàn mong muốn được biết mình là ai, cái gì đã giam hãm linh hồn mình, cái gì đã đứng vững trên con đường tiến bộ về tâm linh. Con người đó mong muốn tái khám phá Thượng Đế bên kia tất cả những gì đã tự đồng hóa với Thượng Đế qua bao năm tháng dài: những luật lệ, qui tắc, giáo thuyết phi nhập thể, những ngôn từ rất xa lạ với cuộc sống.

           Đó là lý do tại sao cha Anthony de Mello đã nói rằng “nền tảng linh đạo có tính cách hung hãn của chúng ta đã tạo thành những nan đề cho chúng ta”, rằng “Chúa Giêsu Kitô đã bị làm ố danh bởi những gì đã được người ta nói về Ngài trên các tòa giảng” và rằng “thật là khó khăn để nhận ra một vị thánh vì ngài xem ra giống như mọi người khác”. Nói tóm lại, điều mà cha Anthony de Mello muốn nói với chúng ta là nếu chúng ta muốn làm cho Kitô-Giáo khả tín thì chúng ta cần phải thăm dò chiều sâu của tâm thức con người, vượt qua bên kia biên vực hiện tiền của chúng ta.
           “Một Phút Minh Triết”, nguyên văn bằng tiếng Anh với nhan đề “One Minute Wisdom” của cha Anthony de Mello, được nhà xuất bản Gujarat Sahitya Prakash phát hành và đến nay đã được dịch ra 21 ngôn ngữ khác nhau ở trên thế giới.
           Chúng tôi đã chuyển ngữ từ ấn bản mới nhất (ấn bản thứ mười, tháng sáu 1998) của nhà xuất bản nói trên.
Tác giả: Lm. Anthony de Mello, S.J
Gs. Đỗ Tân Hưng chuyển ngữ

Download (PDF, 416KB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy

MỘT PHÚT TẦM PHÀO

12Nguyên tác: One Minute Nonsense
Tác giả: Anthony De Mello, SJ
Dịch giả: LM Lê Công Đức 2003
Nhà xuất bản Loyola Press, Chicago

                                                                  VÀI HÀNG VỀ TÁC PHẨM

Là tác phẩm cuối cùng của Cha Tony de Mello được xuất bản sau khi ngài qua đời, Một Phút Tầm Phào được giới thiệu trước hết ở Ấn Độ dưới hình thức một quyển duy nhất.  Ban Tu Thư Đại Học Loyola chúng tôi quyết định chia quyển sách thành hai tập:
Một Phút Tầm Phào, là quyển sách đang nằm trên tay bạn.
Thêm Một Phút Tầm Phào, sẽ được xuất bản nay mai.
……………………………..
Xin giới thiệu với quí bạn đọc tác phẩm cuối cùng của Cha Tony de Mello: Một Phút Tầm Phào.
Thực ra, quyển này đã được ngài viết sau quyển một Phút Khôn Ngoan (One Minute Of Wisdom) và trước quyển Lời Cầu Nguyện Của Con Ễnh Ương (The Prayer Of The Frog).
……………………….
6 giờ chiều, tôi chào từ biệt ngài và đáp chuyến tàu trở về Gujarat. Hai giờ sau, Cha Tony ra phi trường một mình.
Và Cha đã chết, tại Đại Học Fordham vào buổi tối hôm đầu tiên Cha có mặt ở New York. Đó là ngày 1 tháng 6 năm 1987. Cha đã không bao giờ có thể ngờ rằng chuyến trở về của Cha xảy ra sớm đến thế.  Sáng ngày 13/06, thi hài của Cha Tony về tới Ấn Độ và được an táng ngay trong buổi chiều tại nghĩa trang nhà thờ St. Peter ở Bandra, nơi Cha đã lãnh nhận Phép Rửa.
Bản thảo Một Phút Tầm Phào được tìm thấy trong trong mớ sách vở Cha Tony để lại. Các câu chuyện vẫn không có tựa đề và cũng không có một bảng mục lục. “Bản thảo đã sẵn sàng.” Cha Tony từng nói thế.  Vậy Cha có ý định bổ sung các tựa đề và phần mục lục vào hay không? Chúng ta chẳng thể nào biết được; song có lẽ là không, bởi chính ngài nói nó “đã sẵn sàng”!
………………..
Rev. Joseph F. De…v, S.J.
Giám Đốc Biên Tập
Ban Tu Thư Đại Học Loyola

Download (PDF, 466KB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.

CON ĐƯỜNG VỀ TRỜI

12Nguyên tác: Go To Heaven
Tác giả: Đức Hồng Y Fulton Sheen
Dịch giả: LM Thomas Túy, O.P.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/

                                                                LỜI PHI LỘ
          Nếu như ông Horace Greeley tin rằng xa hơn đồng bằng Missisipi chẳng còn lãnh thổ nào khác nữa hẳn ông đã không hô hào: “Hỡi các bạn thanh niên, hãy tiến về hướng Tây.” Nếu con người tân thời không tin có hỏa ngục, thì hẳn họ đã không bày ra quá nhiều lời chỉ dẫn cho những kẻ họ ghét rằng hãy tới chốn đó. Ít ai khuyên: “Hãy về trời” Mà chỉ rủa nhau rằng: “Xuống hỏa ngục đi.” Vì vậy mục tiêu chúng tôi viết cuốn sách này là phản chứng những chỉ dẫn của người tân thời. Thực tế thiên đàng hay hỏa ngục không phải là hình phạt hay phần thưởng nhiệm ý cho cuộc đời chúng ta. Nó gắn liền hay là kết quả của mỗi cuộc sống.
          Người ta thường cho rằng hỏa ngục liên hệ với đời sống gian ác, như việc ăn đòn vọt là hậu qủa của hành vi không vâng lời. Không phải như vậy đâu. Bởi việc ăn đòn vọt không nhất thiết phải theo sau hành động bất tuân. Những trẻ em còn quá bé nhỏ chẳng ai nỡ đánh đòn chúng? Đúng hơn hỏa ngục liên hệ với cuộc sống sa đọa giống như bệnh mù lòa là kết quả của việc móc mắt vất đi. Thiên đàng cũng không liên hệ với cuộc đời tốt lành như tấm huy chương là kết qủa việc thành công trong học tập. Nhưng nó là kết thúc tất yếu của cuộc sống công chính như kiến thức là hoa trái của việc dùi mài kinh sử. Bởi đơn giản là chúng ta luyện tập trí khôn trong việc học hành, chúng ta trở nên người học thức.
          Cuốn sách này là tấm bản đồ chỉ dẫn lên thiên đàng và tuân theo một mẫu mực nhất định. Nhiều tư tưởng trong cuốn sách đã có trong các bài viết của chúng tôi trước đây, nhưng được sắp xếp lại cho thứ tự và từng bước đưa đến vương quốc ánh sáng. Chúng tôi khởi sự từ con người đầy ắp xao xuyến, căng thẳng và mặc cảm, nảy sinh do sự vật lộn giữa bổn phận phải làm và hành động thực sự đã thực hiện. Một khi người ta nhận thức được rằng không thể tránh thoát cuộc nội chiến này ngay trong lương tâm mình, bằng sức lực riêng thì người ta cần trợ giúp từ trời cao. Có một chân lý bên ngoài tầm với của trí khôn và một quyền năng vượt xa ý chí nguội lạnh và yếu ớt của nhân loại. Chúng là những ơn huệ Thiên Chúa ban. Con người tìm kiếm Thiên Chúa dù mờ nhạt đến mấy đi nữa, thì cũng là việc đáp trả Thiên Chúa kiếm tìm con người.
          Một khi sự kết hợp khăng khít nhất vũ trụ, giữa bản tính thần linh và bản tính nhân loại trong ngôi vị Đức Giêsu Kitô, thì nẩy sinh một vấn đề lớn đối diện mọi linh hồn. Liệu người ta từ chối hay chấp nhận cuộc sống thần linh? Cuộc sống được ban nhưng không và do đó gọi là ân huệ?
          Vì thế cuộc đời là tấn kịch dễ sợ. Người ta có thể nói có hay nói không cho định mệnh đời đời của mình. Đón nhận ánh sáng vào đôi mắt, âm nhạc vào đôi tai, lương thực vào dạ dày là làm cho những cơ quan ấy trở nên hoàn thiện. Cũng vậy đón nhận sự thật vào trí khôn, quyền lực vào lòng muốn là xây dựng chúng ta cao thượng hơn một tạo vật bình thường, tức làm cho chúng ta trở nên người tham dự vào bản tính thần linh.
          Khởi đi từ điểm này, các cột mốc để về thiên đàng được ghi dấu rõ ràng trong từng chương. Một số linh hồn tuyên bố rằng ở mặt đất này đã có hỏa ngục rồi. Điều đó có thể đúng. Chúng ta khởi sự có nó ở đời này nhưng không chấm dứt tại đây. Tuy nhiên thiên đàng cũng bắt đầu từ thế gian này trong bình an chân thật của tâm hồn hợp nhất với cuộc sống siêu nhiên. Nó cũng không kết thúc ở dương gian. Cho nên chúng tôi mạnh dạn khuyến dụ bạn: “Hãy về trời”.
          Hồng y Fulton J.Sheen

Download (PDF, 1.06MB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.

HOA TRÁI THINH LẶNG

12Nguyên tác: Thoughts in Solitude
Tác giả: Thomas Merton
Dịch giả: LM Minh Anh (Gp. Huế)
Thông tin bản quyền:  Được sự chấp thuận của dịch giả, LM Minh Anh, để post ở suyniemhangngay.net

                                                                       LỜI TÁC GIẢ

Những ai rộng lượng lý thú cảm nhận một điều gì đó khi đọc Hạt Giống Chiêm Niệm và Không Ai Là Một Hòn Đảo hẳn cũng có thể tìm thấy đôi điều ý vị trong những suy tư này, những suy tư mà giả như có giá trị nào đó để nói chỗ này chỗ kia thì đây là điều mà tác giả, trước nhất, muốn nói với chính mình, và nói với những ai có thiên hướng đồng cảm với mình.  Điều này, cách riêng, đúng với phần hai, “Yêu Mến Sự Cô Tịch.”  Những ai biết đến những trang đầy phấn khích của Max Picard trong Thế Giới Của Thinh Lặng sẽ nhận ra nguồn cảm hứng của triết gia người Thụy Sĩ này trong những bài suy niệm đó.

Download (PDF, 606KB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.

TỰ DO NỘI TÂM

Tu doNguyên tác: La Liberté intérieure
Bản tiếng Anh: Interior Freedom (Helena Scott)
Tác giả: Jacques Philippe
Dịch giả: LM Minh Anh (Gp. Huế)
Thông tin bản quyền:  Được sự chấp thuận của dịch giả, LM Minh Anh, để post ở suyniemhangngay.net

                                                        PHẦN GIỚI THIỆU

           “Ở đâu có Thần Khí của Chúa, ở đó có tự do” Thánh Phaolô
           Chúng con xin dâng lên Chúa ước muốn, cùng đích, tâm trí, toàn thể con người chúng con qua đôi bàn tay và trái tim của Đức Trinh Nữ.  Rồi tinh thần chúng con sẽ sở hữu sự tự do tâm hồn quý giá đó, đến mức tránh xa mọi căng thẳng, muộn phiền, thất vọng, gò bó và hẹp hòi.  Chúng con sẽ vượt qua đại dương của sự từ bỏ, được giải thoát khỏi chính mình và gắn bó với Người là Đấng Vô Thủy Vô Chung. Mẹ Yvonne-Aimée de Malestroit
           Cuốn sách này nói đến chủ đề nền tảng của đời sống Kitô giáo: tự do nội tâm.  Mục đích của nó thật rõ ràng.  Mọi Kitô hữu cần khám phá ra rằng, ngay trong những hoàn cảnh bên ngoài bất ưng nhất, bên trong chúng ta vẫn có một khoảng không tự do mà không ai có thể lấy đi, bởi Thiên Chúa là nguồn mạch và là bảo chứng của tự do đó.  Không có khám phá này, chúng ta sẽ luôn luôn bị giới hạn cách nào đó và sẽ không bao giờ nếm hưởng được hạnh phúc đích thực.  Nhưng nếu chúng ta học cách để cho khoảng không tự do nội tâm này mở ra, thì dù cho bao điều làm chúng ta đau khổ, vẫn không gì thực sự có thể đàn áp hay nghiền nát chúng ta.
           Luận điểm được triển khai cách đơn sơ nhưng rất quan trọng: tự do nội tâm chúng ta có được tỷ lệ thuận chính xác với sự trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến của mình.  Tập sách này sẽ đặc biệt xem xét làm sao mà động lực của những gì người xưa gọi là các “nhân đức đối thần” lại trở nên trọng tâm của đời sống thiêng liêng.  Nó cũng nhấn mạnh vai trò chính yếu của đức cậy trong sự trưởng thành nội tâm của chúng ta.  Đức trông cậy không được trau dồi thực sự nếu tách khỏi sự khó nghèo trong tâm hồn.  Như thế, toàn bộ cuốn sách được xem là một luận đề về mối phúc thứ nhất, “Phúc ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ”.
           Chúng ta sẽ trở lại một số đề tài đã được bàn đến trong những cuốn sách trước của tôi và chúng sẽ được phân tích sâu sắc hơn: bình an bên trong, đời sống cầu nguyện và sự dễ bảo đối với Thánh Thần.
           Khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, cuốn sách này hy vọng sẽ giúp những ai ước ao mở lòng mình ra đón nhận sự canh tân nội tâm kỳ diệu mà Chúa Thánh Thần muốn mang đến cho tâm hồn con người; bằng cách này, họ đạt tới sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.

Download (PDF, 1.09MB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.

ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG

56Nguyên tác: Appelés à la vie
Bản tiếng Anh: Called to Life (Neal Carter)
Tác giả: Jacques Philippe
Dịch giả: LM Minh Anh (Gp. Huế)
Thông tin bản quyền:  Được sự chấp thuận của dịch giả, LM Minh Anh, để post ở suyniemhangngay.net

                                                                       GIỚI THIỆU

           Làm thế nào tôi có thể sống một cuộc sống sung mãn?  Bằng cách nào tôi được hạnh phúc?  Làm sao tôi có thể trở thành một người nam hay một người nữ trọn vẹn?  Những câu hỏi muôn thuở đó được đặt ra ngày càng nhiều trong thế giới hôm nay, một thế giới mất phương hướng, một thế giới mà ở đó, không ai chấp nhận những giải pháp có sẵn và mỗi người phải tự tìm lấy những câu trả lời.  Chống lại những chuẩn mực áp đặt từ bên ngoài, con người hôm nay, trong thực tế, tìm cách tận dụng cuộc sống và xây dựng hạnh phúc theo hiểu biết riêng của họ về nó.  Lý tưởng hạnh phúc của một con người đến từ nền giáo dục và trải nghiệm riêng của họ; thế nhưng, dẫu nhận ra hay không nhận ra điều đó, lý tưởng đó vẫn được khuôn rập đậm nét bởi văn hoá và các phương tiện truyền thông đương thời.  Thông thường, hạnh phúc như thế thật mong manh, nó không thể đứng vững khi con người đối diện với ốm đau, thất bại, chia ly và những thử thách phải đương đầu khác.  Và rồi, dường như cuộc đời không thể hiện những gì đã hứa hẹn với chúng ta từ thuở thanh xuân.
           Dẫu vậy, tôi vẫn tin rằng, cuộc đời mỗi người là một hành trình kỳ diệu.  Mặc cho gánh nặng của những khổ đau và thất vọng, cuộc sống vẫn ban tặng mỗi người những phương tiện để lớn lên trong nhân cách, tự do và bình an nội tâm; đồng thời, cuộc sống vận dụng toàn bộ khả năng của con người hầu giúp nó đạt đến tình yêu và niềm vui.  Tuy nhiên, với một điều kiện, mỗi người phải từ bỏ những dự định riêng hầu cuộc sống có thể dẫn dắt họ qua từng biến cố vui buồn đang khi học biết và đón nhận những lời mời gọi ngỏ với mình từ ngày này qua ngày khác.
           “Lời mời gọi” là từ khóa của cuốn sách này.  Ý tưởng đơn giản nhưng đầy ý nghĩa này chắc chắn sẽ là nền tảng của những dự định đạo cũng như đời nơi chúng ta.  Con người không thể đạt được viên mãn bằng cách chỉ thực hiện những kế hoạch riêng của mình.  Những kế hoạch này tuy chính đáng, cần thiết và phải đem trí óc, sức lực của mình ra để hoàn thành; nhưng ngần ấy chưa đủ, vì khi gặp phải thất bại nó có thể khiến chúng ta vỡ mộng.
           Một thái độ khác, một thái độ mà cuối cùng mang tính quyết định và hiệu quả hơn; thái độ này phải đi cùng với sự khởi đầu và thực hiện những kế hoạch của chúng ta: đó là thái độ lắng nghe những tiếng gọi, những lời mời gọi lúc này lúc khác, bí nhiệm… liên tiếp đến với chúng ta trong suốt cuộc đời.  Thái độ lắng nghe và sẵn sàng này thậm chí còn quan trọng hơn chính những kế hoạch.  Tôi tin rằng, chúng ta có thể hoàn thiện nhân cách chỉ khi nào biết đón nhận và đáp trả những tiếng gọi mà cuộc sống ngỏ với chúng ta mỗi ngày: tiếng gọi thay đổi, lớn lên, trưởng thành, mở rộng lòng và chân trời hiểu biết, bỏ lại đằng sau sự chai cứng của con tim và đầu óc hẹp hòi của mình để đón nhận thực tại cách tin tưởng và rộng mở hơn.
           Những lời mời gọi này đến với chúng ta bằng nhiều cách.  Đôi khi chúng đến qua những trải nghiệm hay gương lành của những người khác khiến chúng ta xúc động, thi thoảng chúng đến từ những khát khao dấy lên trong lòng mình hoặc từ những đòi hỏi của người thân và thông thường, chúng đến từ những trang Thánh Kinh.  Những lời mời gọi này bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống, Đấng không ngừng dõi mắt trên chúng ta, dịu dàng mong mỏi dẫn dắt và luôn can thiệp cho mỗi con cái Người cách kín đáo, dầu không thể nhìn thấy nhưng lại rất hiệu quả.  Dẫu rất nhiều người, tiếc thay, không ý thức sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa, lời mời gọi này vẫn tự bộc lộ cho những ai biết đặt mình trong thái độ lắng nghe và sẵn sàng.
           Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết.  Người không ngừng đưa tay với lấy chúng ta, cách mầu nhiệm nhưng chắc chắn, Người thông chuyển vào sự sống mỗi người các giá trị, vẻ đẹp và hoa trái ngoài sức tưởng tượng như lời thánh Phaolô đã nói:
Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới; xin tôn vinh Người trong Hội Thánh và nơi Đức Kitô Giêsu đến muôn thuở muôn đời. Amen (Ep 3, 20-21).
           Thật đáng buồn nếu con người tự tách khỏi hành động của Thiên Chúa và chôn vùi chính mình trong thế giới hạn hẹp, hão huyền của những dự tính riêng.
           Đằng sau bao lời mời gọi gởi đến trong cuộc sống, chỉ có một tiếng gọi duy nhất: tiếng gọi của Thiên Chúa. Tiếng gọi đó thể hiện đầy tràn và trọn vẹn nhất trong mầu nhiệm Đức Kitô. Nhận biết và đáp lại tiếng gọi này, con người nhận ra nhân tính của mình và khám phá hạnh phúc đích thực, một niềm hạnh phúc sẽ thuộc về họ cách trọn vẹn trong vinh quang của cuộc sống mai ngày. Trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô nói đến niềm hy vọng phi thường mà tiếng gọi của Thiên Chúa trong Đức Kitô mở ra cho chúng ta:
           Tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi.  Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu (Ep 1, 16-19).
           Trong những trang tiếp theo tôi muốn đưa ra tầm quan trọng và những hoa trái tốt đẹp của ý tưởng này, sau đó tôi sẽ bàn đến một số hoàn cảnh trong đó, thường bắt gặp tiếng gọi của Thiên Chúa, đó là: những biến cố lớn trong cuộc đời, Lời Chúa (chủ đề của một chương dài) và những khát khao mà Thánh Thần đánh thức trong tâm hồn chúng ta.
           Tôi sẽ nhấn mạnh rằng, mỗi tiếng gọi đến từ Thiên Chúa đều là một lời mời gọi đến với sự sống. Ơn gọi đầu tiên của chúng ta là sống.  Một tiếng gọi không thể xuất phát từ Thiên Chúa trừ phi nó dẫn chúng ta đến một cuộc sống mãnh liệt hơn, một cách thức sống tươi đẹp hơn và gắn kết vào sự sống vốn có của con người đúng nghĩa của nó với một niềm tin tưởng hơn trong mọi khía cạnh: thể lý, tâm lý, tình cảm, trí tuệ và tâm linh.
           Nhưng để kết thúc phần giới thiệu này, tôi muốn nói đến tiềm năng độc giả có thể có được từ cuốn sách này.  Tôi coi ý tưởng “được gọi” trong một ngữ cảnh Kitô giáo, được sử dụng như một từ vựng nhà đạo bởi tôi tin phần lớn những từ ngữ sâu sắc, được soi sáng đã từng được thốt ra trong thân phận con người đều có thể được tìm thấy trong Thánh Kinh và đặc biệt trong Tin Mừng.  Dẫu thế, bất cứ ai cũng có thể tìm ở đây nhiều điều thật giá trị.  “Được Gọi” là một cái gì thật là nền tảng đối với thân phận con người.
           Cuối cùng, một đôi nét về trách nhiệm, tự do và khao khát.
           Trách nhiệm bao hàm sự hiện hữu của một tiếng gọi, của một bổn phận.  Một người chịu trách nhiệm về những hành động của mình không chỉ nhận trách nhiệm về ảnh hưởng của họ đối với tha nhân, nhưng còn thừa nhận, họ có những chọn lựa trước khi hành động, có thể tốt hoặc xấu tuỳ trường hợp. Dẫu vậy, để ý tưởng tự do có trọng lượng thực sự, giả thiết phải cần đến việc nhận ra một loại tiếng gọi nào đó.  Việc sử dụng tự do của con người sẽ trở nên tuỳ tiện và tầm thường trừ phi đó là sự đáp lại một lời mời gọi đến từ một điều gì đó trỗi vượt hơn nó.  Còn đối với lòng khao khát, nó chỉ trở nên một cấu trúc tâm lý đơn thuần, sản phẩm của một sự thôi thúc giả tạo trừ phi nó được hiểu ở một cấp độ sâu thẳm nhất như một tiếng gọi.  Bên dưới những khát khao vốn thường mâu thuẫn nhau của lòng người, một khao khát kiên định đang tiềm tàng: khát khao nên hoàn hảo, khát khao hạnh phúc. Để khát khao có thể được tôn trọng như một điều gì đó không thể bị coi thường, một điều gì đó thuộc về con người thực sự, chứ không chỉ đơn thuần ít nhiều thèm muốn hay thôi thúc, chúng ta phải nhìn thấy trong nó những dấu vết của một tiếng gọi đến từ trên cao.
           Sẽ không làm sao hiểu được con người nếu tách nó khỏi một tiếng gọi trở nên người hơn.  Vậy tiếng gọi đó đến từ đâu?  Đâu là nguồn cội của nó?  Đây là câu hỏi then chốt của một cuộc đời.  Dẫu đứng trong quan điểm Kitô giáo, tôi vẫn tin rằng, những suy tư sau đây vẫn có một điều gì đó để nói với bất cứ ai thành tâm thiện chí.

Download (PDF, 1.3MB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.

THẦY DẠY KHÁT KHAO

Đọc Tin Mừ1ng Theo Thánh Gioan

Nguyên tác: Le Maître du désir
Tác giả: Eloi Leclerc
Dịch giả: LM Minh Anh (Gp. Huế)
Thông tin bản quyền:  Được sự chấp thuận của dịch giả, LM Minh Anh, để post ở suyniemhangngay.net
Imprimi potest:  Fr. Abel Basneville
Secrétaire provincial des Franciscains, Paris, le 12 février 1997

                                                                GIỚI THIỆU

Con người muốn sống. Con người được tạo dựng để sống. Không chỉ tự nhiên tìm cách bảo tồn sự sống, nhưng chúng ta còn muốn phát triển nó, làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc hơn, tươi đẹp hơn, thanh cao hơn, mạnh mẽ hơn; tắt một lời, sống động hơn. “Vì chưng, gánh nặng nặng nề nhất là tồn tại mà không sống” (Victor Hugo).  Sống có ý nghĩa gì nếu không có niềm vui sống?

Đấng Tạo Thành đã đặt trong chúng ta khát vọng sống mãnh liệt này. Thánh Irênê thành Lyon viết, “Vinh quang Thiên Chúa, chính là con người sống”. Thiên Chúa chúng ta không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của kẻ sống. Sứ điệp Tin Mừng nhất thiết phải là một sứ điệp sự sống. Đấng Phục Sinh mở cho chúng ta hành trình của một cuộc sống không suy tàn, một cuộc sống chiến thắng mọi quyền lực sự chết.

Trong bốn sách Tin Mừng, Tin Mừng Gioan hẳn là cuốn sách nói với chúng ta nhiều nhất về sự sống sung mãn Đức Giêsu mang đến cho trần gian. Vì thế, không thể đọc Tin Mừng này nếu ở mỗi trang, chúng ta không ý thức đặt mình dứt khoát trước sự hiện diện của một sức sống tuôn tràn, toàn vẹn, rạng rỡ được trao ban một cách hào phóng vô hạn. Về sức sống này, thánh Gioan so sánh nó với cảnh mặt trời mọc. Dường như ngay khi lần đầu trào tuôn, khi sự sống đó vừa bộc lộ thì những con mắt trần gian phải nhoà đi. Dường như khi cốt lõi sự sống vừa hé mở và để lộ bí mật cho vị tông đồ trẻ thì tận đáy lòng Gioan đã dậy lên một niềm thôi thúc, một năng lực sáng tạo, một năng lực của những khởi đầu vĩ đại. Bức thư thứ nhất của Gioan đã làm vang vọng sự phấn chấn của tác giả Tin Mừng thứ tư, “Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi” (1Ga 1, 2).

Download (PDF, 1.08MB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.

BAY LÊN ĐI

AAANguyên tác: Taking Flight
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: LM Minh Anh (Gp. Huế)
Thông tin bản quyền:  Được sự chấp thuận của dịch giả, LM Minh Anh, để post ở suyniemhangngay.net

                                                  LỜI NÓI ĐẦU

           Đã một thời, Tony de Mello, một linh mục dòng Tên dạy đàng thiêng liêng không ngừng đánh động tâm hồn bao người khắp năm châu; bởi lẽ, ngài quá yêu đời, yêu cuộc sống – một cuộc sống thực tế, sôi nổi và tràn đầy niềm vui.  Những chuyện kể đầy mê hoặc, đầy nhiệt huyết, đậm nét hài hước và những hiểu biết sâu sắc của ngài về bí quyết hạnh phúc, về việc khám phá bản ngã đích thực của mỗi người – tất cả đã tạo nên một tác động đầy phấn khích cho bất cứ ai đã từng nghe ngài.  Ngài đến cho những tâm hồn được giải thoát, cho người vô cảm biết yêu thương, đem ý nghĩa cho tất cả những gì làm nên một nẻo đường thiêng liêng trên đó bao người đang tiến bước.
           Một linh đạo rạch ròi bền bỉ trong những gì ngài dạy dỗ không quy chiếu trên bản thân ngài, nhưng trên chính mỗi người chúng ta:
           Để chỉ cho thấy trong mỗi người, có một thầy dạy thiêng liêng,
           Để mỗi người có thể múa nhảy chính vũ khúc của mình,
           Để mỗi người hát lấy chính bài ca của họ.
           Tony de Mello đã làm cho mỗi người phấn khích tự kỷ ám thị:
           Hãy là ánh sáng cho chính mình.
           Ngày 02 tháng 6 năm 1987, Tony qua đời, tôi không ngạc nhiên trước những tình cảm mất mát lớn lao của bạn hữu và những người ngưỡng mộ ngài trên đất nước Ấn Độ này và cả những con người thuộc các châu lục khác.  Điều làm tôi sửng sốt là những tình cảm thất vọng và nuối tiếc mang tính “cá nhân” không chỉ nơi những ai đã từng biết ngài, nhưng những tình cảm này cũng bộc lộ từ rất nhiều người những ước ao được gặp hoặc được nghe ngài.
           Điều an ủi mà tôi có thể cống hiến cho những con người này chính là di sản bút văn mà tác giả để lại. Quà tặng cuối cùng của ngài chính là thủ bản cuốn sách bạn sắp đọc[1], sắp suy tư và chắc chắn sẽ rút ra được những điều bổ ích.  Trong lá thư chưa kịp gửi cho một người bạn, ngài cho thấy phải làm việc vất vả làm sao để hoàn thành bản thảo trước khi đến Mỹ: “Tôi muốn viết cho xong trước khi rời Ấn Độ nhưng không có lấy một chút thì giờ.  Tôi cặm cụi trên bản thảo suốt ngày, như tôi đang viết đây, vì tôi sắp phải giao nó cho nhà xuất bản.”  Đúng là một công việc đầy lý thú và say mê.
           Viết lời mở đầu cho tác phẩm cuối cùng của Tony cũng là một công việc đầy lý thú và say mê. Thử tưởng tượng bạn sẽ thế nào khi cầm một bản thảo nào đó của một người bạn thân nhất, của một đồng sự, một vị linh hướng bậc thầy, một bạn đồng hành sau khi người ấy chết; và biết rằng đây là bản thảo chỉ một mình bạn có?  Tôi đã xúc động biết bao khi đọc những trang đầu tiên đó.  Tôi chưa bao giờ nghe câu chuyện thứ nhất, “Lời Kinh của con Ếch.”  Đời sống thiêng liêng của con người lạ thường đó thật độc đáo – yêu đời, nhạy bén trước điều thiện, trước vẻ đẹp của mọi sự – ngay cả tiếng kêu ộp ộp của một con ếch!  Sống trong một toà nhà với các sinh viên, thỉnh thoảng tôi cũng nghe tiếng ếch kêu, liệu tôi sẽ nói “khó chịu quá?”  Tôi sẽ không bao giờ quên được cái ý tưởng nghịch thường của Tony: “Đừng quấy rầy tiếng ồn!”  Thật lạ lùng.
           Tuy nhiên, trong lần linh hướng cuối cùng, Tony vẫn không dạy tôi một điều gì, nghĩa là tìm cách truyền đạt cho tôi một triết lý thiêng liêng hay một cách sống nào đó.  Những gì ngài làm là động viên tôi khám phá cho mình điều gì thật, điều gì đúng, điều gì đẹp đẽ trong cuộc sống.  Không hình thức giáo dục nào tốt hơn, không đường hướng thiêng liêng nào tinh ròng hơn.  Ngài nhắc đi nhắc lại: “Sẽ không có hạnh phúc, không có một đời sống thiêng liêng đích thực, không có một hiểu biết thật sự bao lâu bạn chưa được tự do. Và ngược lại, sẽ không có tự do đích thực bao lâu bạn chưa thực sự hiểu biết.”  Với ngài, khám phá sự thật đồng nghĩa với việc hiểu biết cái tôi đích thực của mỗi người.
           Đó là lý do tại sao mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi chuyện kể, mỗi tiếng cười của De Mello đều có thể trở nên một tiềm lực gieo vào những nhà tù sợ hãi của bạn hầu chực nổ tung bất cứ khi nào để phát tán những xích xiềng quá khứ hoặc những lo toan tương lai ngay khi bạn vừa cởi mở đủ và cho phép điều đó xảy ra.
           Và như thế, Tony de Mello nào đâu có chết.
           Francis Stroud, SJ.
           De Mello Spirituality Center
           Fordham University
           Bronx, New York

Download (PDF, 1.17MB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.