Nguyên bản tiếng Đức: Einfuhrung in das Christentum
Bản dịch tiếng Anh: Introduction to Christianity
Tác giả: Joseph Ratzinger
Dịch giả: LM Nguyễn Quốc Lâm & Phạm Hồng Lam
Với giấy phép dịch và ấn hành ngày 16.7.2009
của tổ hợp nhà xuất bản Random House
Đàlạt tháng 9.2009
Cùng QUÝ ĐỘC GIẢ,
Tôi đã đọc từ đầu cho đến cuối quyển sách rất hay : Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, bản dịch việt ngữ tác phẩm Einfuhrung in das Christentum của Đức Bênêđictô XVI, khi còn là giáo sư Đại Học Tubingen. Thú thật là tôi say mê về nội dung quyển sách cũng như về cách dịch thuật, rất xuôi chảy mà vẫn trung thành và diễn tả đầy đủ ý nghĩa của bản văn.
Quyển sách này, tôi đã đọc hai lần lúc còn là sinh viên thần học ở Roma, bấy giờ là bản dịch tiếng Pháp La foi chrétienne hier et aujourd’hui. Gần đây tôi có cơ hội đọc bản dịch tiếng Anh Introduction to Christianity. Theo nhận xét của tôi, bản dịch tiếng Việt mà quí độc giả có trong tay không hề thua kém.
Nội dung quyển sách là một nỗ lực quảng diễn Đức tin tông truyền trong Kinh Tin Kính Các Tông đồ sao cho phù hợp với thế giới hôm nay. Tác giả đã làm công việc này chính là nhà thần học Joseph Ratzinger, bấy giờ còn rất trẻ, khoảng hơn 40 tuổi, nhưng đã là một giáo sư nổi tiếng và rất vững vàng về nhiều mặt, đặc biệt trên bình diện tư duy triết học. Con người này đã không ngừng để cho đức tin công giáo của chính mình đối thoại với các trào lưu tư tưởng đương đại.
Trong cuộc đối thoại rất hữu ích đó, tác giả cho thấy hướng đi của tư tưởng kitô giáo là một hướng đi rất rõ ràng và chắc chắn : lựa chọn phạm trù lógos (lời, lẽ, lý), lý tính của tư duy triết học thay vì chọn phạm trù mýthos (huyền thoại) của các tôn giáo thời bấy giờ. Sự lựa chọn phạm trù “logos” là ý tưởng cốt lõi trải dài từ đầu đến cuối những phân tích tư duy của thần học gia và triết gia Ratzinger.
Ý tưởng cốt lõi trên giống như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt hầu hết các tác phẩm thần học của Ratzinger, thậm chí kéo dài tới ngày hôm nay. Sự đối thoại giữa đức tin và lý trí luôn là điều nòng cốt trong tư duy thần học của J. Ratzinger, thậm chí trong cả đường lối mục vụ của Đức Bênêđictô XVI, rất rõ ràng trong cả ba thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, Được Cứu rỗi nhờ Hy Vọng, Bác Ái trong Chân Lý.
Giáo Hội luôn vận dụng lý trí để đối thoại với con người thời đại. Lý trí ấy được ánh sáng đức tin chiếu dọi, và do đó là một “lý trí mở rộng”. Hợp lý mà không duy lý là phương cách tư duy mà con người thời đại của chúng ta rất cần.
Tác phẩm có hơi khó đối với những ai chưa quen tập tư duy và chưa quen đọc sách thần học, nhưng rất ích lợi cho những ai đang học triết học và thần học, cho những linh mục, tu sĩ, giáo dân trí thức muốn có một chiều sâu tri thức về đức tin. Sách khó đọc, không phải vì dịch giả cố ý làm cho khó, cũng không phải vì dịch chưa thoát ý, nhưng vì nội dung đòi hỏi phải suy tư và động não. Nhưng sách sẽ nâng trình độ người đọc lên một bậc, sau khi người ấy cố gắng đọc và suy nghĩ.
Sách đã được viết cách đây hơn 40 năm, nhưng nội dung còn rất mới mẻ và sinh động. Phần kitô-học khá phong phú, được “nối dài” bởi tác phẩm mới nhất của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI : Giêsu thành Nazareth.
Mỹ Tho, ngày 30 tháng 8 năm 2009
Phaolô Bùi văn Đọc,
Giám mục Mỹ Tho.
Download (PDF, 2.22MB)
Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.