BAY LÊN ĐI

AAANguyên tác: Taking Flight
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: LM Minh Anh (Gp. Huế)
Thông tin bản quyền:  Được sự chấp thuận của dịch giả, LM Minh Anh, để post ở suyniemhangngay.net

                                                  LỜI NÓI ĐẦU

           Đã một thời, Tony de Mello, một linh mục dòng Tên dạy đàng thiêng liêng không ngừng đánh động tâm hồn bao người khắp năm châu; bởi lẽ, ngài quá yêu đời, yêu cuộc sống – một cuộc sống thực tế, sôi nổi và tràn đầy niềm vui.  Những chuyện kể đầy mê hoặc, đầy nhiệt huyết, đậm nét hài hước và những hiểu biết sâu sắc của ngài về bí quyết hạnh phúc, về việc khám phá bản ngã đích thực của mỗi người – tất cả đã tạo nên một tác động đầy phấn khích cho bất cứ ai đã từng nghe ngài.  Ngài đến cho những tâm hồn được giải thoát, cho người vô cảm biết yêu thương, đem ý nghĩa cho tất cả những gì làm nên một nẻo đường thiêng liêng trên đó bao người đang tiến bước.
           Một linh đạo rạch ròi bền bỉ trong những gì ngài dạy dỗ không quy chiếu trên bản thân ngài, nhưng trên chính mỗi người chúng ta:
           Để chỉ cho thấy trong mỗi người, có một thầy dạy thiêng liêng,
           Để mỗi người có thể múa nhảy chính vũ khúc của mình,
           Để mỗi người hát lấy chính bài ca của họ.
           Tony de Mello đã làm cho mỗi người phấn khích tự kỷ ám thị:
           Hãy là ánh sáng cho chính mình.
           Ngày 02 tháng 6 năm 1987, Tony qua đời, tôi không ngạc nhiên trước những tình cảm mất mát lớn lao của bạn hữu và những người ngưỡng mộ ngài trên đất nước Ấn Độ này và cả những con người thuộc các châu lục khác.  Điều làm tôi sửng sốt là những tình cảm thất vọng và nuối tiếc mang tính “cá nhân” không chỉ nơi những ai đã từng biết ngài, nhưng những tình cảm này cũng bộc lộ từ rất nhiều người những ước ao được gặp hoặc được nghe ngài.
           Điều an ủi mà tôi có thể cống hiến cho những con người này chính là di sản bút văn mà tác giả để lại. Quà tặng cuối cùng của ngài chính là thủ bản cuốn sách bạn sắp đọc[1], sắp suy tư và chắc chắn sẽ rút ra được những điều bổ ích.  Trong lá thư chưa kịp gửi cho một người bạn, ngài cho thấy phải làm việc vất vả làm sao để hoàn thành bản thảo trước khi đến Mỹ: “Tôi muốn viết cho xong trước khi rời Ấn Độ nhưng không có lấy một chút thì giờ.  Tôi cặm cụi trên bản thảo suốt ngày, như tôi đang viết đây, vì tôi sắp phải giao nó cho nhà xuất bản.”  Đúng là một công việc đầy lý thú và say mê.
           Viết lời mở đầu cho tác phẩm cuối cùng của Tony cũng là một công việc đầy lý thú và say mê. Thử tưởng tượng bạn sẽ thế nào khi cầm một bản thảo nào đó của một người bạn thân nhất, của một đồng sự, một vị linh hướng bậc thầy, một bạn đồng hành sau khi người ấy chết; và biết rằng đây là bản thảo chỉ một mình bạn có?  Tôi đã xúc động biết bao khi đọc những trang đầu tiên đó.  Tôi chưa bao giờ nghe câu chuyện thứ nhất, “Lời Kinh của con Ếch.”  Đời sống thiêng liêng của con người lạ thường đó thật độc đáo – yêu đời, nhạy bén trước điều thiện, trước vẻ đẹp của mọi sự – ngay cả tiếng kêu ộp ộp của một con ếch!  Sống trong một toà nhà với các sinh viên, thỉnh thoảng tôi cũng nghe tiếng ếch kêu, liệu tôi sẽ nói “khó chịu quá?”  Tôi sẽ không bao giờ quên được cái ý tưởng nghịch thường của Tony: “Đừng quấy rầy tiếng ồn!”  Thật lạ lùng.
           Tuy nhiên, trong lần linh hướng cuối cùng, Tony vẫn không dạy tôi một điều gì, nghĩa là tìm cách truyền đạt cho tôi một triết lý thiêng liêng hay một cách sống nào đó.  Những gì ngài làm là động viên tôi khám phá cho mình điều gì thật, điều gì đúng, điều gì đẹp đẽ trong cuộc sống.  Không hình thức giáo dục nào tốt hơn, không đường hướng thiêng liêng nào tinh ròng hơn.  Ngài nhắc đi nhắc lại: “Sẽ không có hạnh phúc, không có một đời sống thiêng liêng đích thực, không có một hiểu biết thật sự bao lâu bạn chưa được tự do. Và ngược lại, sẽ không có tự do đích thực bao lâu bạn chưa thực sự hiểu biết.”  Với ngài, khám phá sự thật đồng nghĩa với việc hiểu biết cái tôi đích thực của mỗi người.
           Đó là lý do tại sao mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi chuyện kể, mỗi tiếng cười của De Mello đều có thể trở nên một tiềm lực gieo vào những nhà tù sợ hãi của bạn hầu chực nổ tung bất cứ khi nào để phát tán những xích xiềng quá khứ hoặc những lo toan tương lai ngay khi bạn vừa cởi mở đủ và cho phép điều đó xảy ra.
           Và như thế, Tony de Mello nào đâu có chết.
           Francis Stroud, SJ.
           De Mello Spirituality Center
           Fordham University
           Bronx, New York

Download (PDF, 1.17MB)

Download tác phẩm: Sách dạng pdf, xin nhấn vào đây để tải về máy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *