NGƯỜI MÔN ĐỆ “EM BÉ”

Khi giúp tĩnh tâm ở Dòng Xitô Phước Lộc, Bà Rịa, tôi ngắm hoài những cái bảng “Cầu nguyện cho quý vị ân nhân”.  Ở đâu tôi cũng thấy đầy những cái bảng này, hết bảng lớn đến bảng nhỏ.  Phòng ngủ thì bảng ghi tên một người, còn phòng lớn thì nhiều người. Tòa nhà tĩnh tâm vừa xây được vài năm nhờ các vị ân nhân đóng góp. Vì có công nên Dòng làm những cái bảng để ghi công, biết ơn, đồng thời cũng xin các người đến tĩnh tâm cầu nguyện giúp.

Nhìn những cái bảng này làm tôi liên tưởng thời gian tôi phục vụ tại Giáo xứ Chúa Ba Ngôi ở San Jose, California.  Khi xây dựng hội trường lớn, cha chánh xứ và các cha phụ tá kêu gọi hết nước miếng mà số tiền đóng góp chẳng thấm vào đâu so với khoản tài chánh cần để có thể xây dựng. Cuối cùng phải nhờ nhóm chuyên viên vận động đến để gây qũy.  Họ đề nghị làm những cái bảng ghi tên của các vị ân nhân đóng góp xây dựng hội trường.  Tối thiểu phải đóng góp bao nhiêu tiền mới được khắc tên mình vào bảng. Và bà con sốt sắng hơn để đóng góp.  Các bảng bằng gạch khắc tên được dán vào đầy tường chung quanh tòa nhà.  Đây là tâm lý tự nhiên vì ai cũng muốn được khen, ai cũng muốn được người khác biết việc công đức của mình.  Thành ra có công thì cần phải được biết ơn.  Giáo xứ đã biết ơn và cũng xin anh chị em cầu nguyện và cám ơn quý vị ân nhân đóng góp.  Đây quả là một phép lạ vì giáo xứ nghèo mà có thể đóng góp được khoản tiền lớn để xây dựng hội trường.

Trong câu chuyện Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều (Ga 6:1-15), Thánh Gioan thuật lại rằng có một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá, và nhờ bánh cá, lòng quảng đại và sự hợp tác cho đi của em bé với Đức Giêsu mà mọi người được ăn no nê.  Tôi cảm thấy vai trò của em bé này quan trọng lắm vì không có em bé không biết Đức Giêsu có làm được phép lạ hay không?  Thành ra công ở đây có hai người là chính, Đức Giêsu và em bé, dù rằng công của em bé nhỏ xíu so với công của Đức Giêsu, nhưng em vẫn là người có công.

Mời anh chị em cùng tôi khám phá “em bé” này.  Nếu đã có công thì cần phải biết tên tuổi gia thế của vị ân nhân để cám ơn.  Nhà Dòng, nhà thờ nào quyên góp tiền để xây cất cái gì cũng cần những ân nhân giúp đỡ.  Khi khánh thành phải tuyên dương công trạng và cám ơn những vị ân nhân đó (không cám ơn, biết ơn, ghi ơn họ thì lần sau chớ có sớ rớ tới để mà nhờ với cậy).  Em bé có công thì mình cũng phải biết về em bé chớ.  Em bé thì chắc là phải nhỏ lắm; ba, bốn, năm tuổi thì mới gọi là em bé, chớ lớn khoảng mười tuổi hoặc hơn mà gọi em là em bé thì em giận đấy.  Em trai hay gái thì không ai biết, tên gì cũng chẳng ai hay, giàu nghèo cũng khó đoán.  Em bé làm gì ở đó với phần ăn tối của bé là năm chiếc bánh và hai con cá?  Nếu em chạy chơi thì không lẽ cha mẹ em dự tính rằng em, một đứa trẻ ba bốn tuổi nhỏ xíu của mình, chạy chơi xa và sẽ về trễ nên… gói theo đồ ăn tối cho em bé?  Mà nếu cha mẹ có bới đồ ăn cho bé thì khi em chạy chơi với chúng bạn cùng trang lứa, thông thường bé sẽ để đồ ăn ở một xó xỉnh nào đó rồi chạy chơi, chơi một chặp thì bé chẳng còn nhớ đã để đồ ăn ở đâu, vì bản chất của bé là ham vui và hay quên.

Nếu em bé đi theo cha mẹ thì đâu phải em bé cho năm chiếc bánh và hai con cá, mà là cha mẹ của em bé cho.  Nếu mẹ nói đứa con nhỏ đem một trăm đồng biếu cha xứ thì đâu phải đứa con nhỏ cho, mà là người mẹ cho.  Nếu vậy thì có khả năng người cho bánh là người lớn chớ không phải em bé.  Nhưng Thánh sử lại muốn nói “em bé.”  Vì thế, tôi cảm nghiệm thấy Thánh Gioan muốn nói đến “em bé” theo nghĩa bóng.  “Em bé” ở đây là một người lớn nhưng có tâm hồn như “em bé”.  Tâm hồn em bé thì đơn sơ, không so đo tính toán, dám cho hết những gì mình có, trong khi người lớn thì thường có thái độ “thủ” lại.

“Em bé” có công nên được người ta khen: “Cám ơn em bé nghe, không có bé thì không biết chúng ta có bánh để ăn không.”  “Em bé” nghe khen thì khoái, nghe khen nhiều quá nên lỗ mũi nở ra, ngày càng to thêm ra, “em bé” đứng đón nhận tất cả lời khen tặng và tưởng rằng tất cả là công của nó: “Không có tôi thì chắc quý vị đói hết rồi!  Không nhờ công tôi thì làm gì ca đoàn hát hay được như vậy!  Không có tôi giúp thì làm sao giáo xứ xây được nhà thờ đẹp như vậy v.v…”  Lỗ mũi nó càng ngày càng nở to, khoái chí, tự mãn, và nó không chịu làm “em bé” nữa, nó lớn ra để làm người lớn và đứng phía trước mặt Chúa Giêsu để đón nhận những lời khen tặng.  Nó lớn quá đến nỗi nó che khuất luôn cả Chúa.  Chúa chết và trời lại đi vào bóng đêm.

“Em bé” phải tiếp tục làm “em bé”.  “Em bé” mà đòi to lớn ra thì át mất Chúa thôi.  Trong đám đông mấy ngàn người, “em bé” sẽ bị và được tan biến đi, để công của hai người chỉ còn một vai chính là Chúa Giêsu, Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót ban sự sống và ban dư đầy – ban sự sống của chính Ngài để làm của ăn nuôi đoàn con.

Người môn đệ theo Chúa Giêsu phải mang khuôn mặt, tâm hồn “em bé” này, phải và ước muốn mặc lấy tâm hồn bé thơ, tinh thần đơn sơ, không so đo tính toán, dám dẹp bỏ ý riêng và những cái lý luận, những cái “tôi” to lớn của mình, để Chúa Giêsu được lớn lên, để cảm nghiệm Chúa làm những phép lạ cả thể trong tâm hồn và trong đời sống của mình.

Nếu cha mẹ đưa bánh và cá cho em bé và dặn con đưa cho Đức Giêsu, và nếu em bé ích kỷ tính toán: “Đưa hết thì mình ăn cái gì? Chừng này chỉ đủ cho mình con ăn thôi, làm sao mà cho được, mà chừng này thì làm sao nuôi được ngần ấy người, đừng nói năm chiếc bánh và hai con cá, năm trăm chiếc bánh và hai trăm con cá cũng chẳng thấm vào đâu!” Nếu em bé không quảng đại cho, thì chắc Đức Giêsu khó làm phép lạ, hay nói cách khác, Đức Giêsu không thể làm được phép lạ, như khi Đức Giêsu về thăm Nadarét, Thánh Mátcô thuật lại rằng: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.  Người lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6:5-6).  Sự kiện này nói lên một điều là Thiên Chúa cần con người hợp tác với Thiên Chúa để Ngài làm những phép lạ cả thể trong tâm hồn và trong đời sống mỗi người. Ân sủng của Thiên Chúa sẽ vẫn là ân sủng nếu con người từ chối hợp tác với Ngài.

Anh chị em thân mến, đâu là những chiếc Bánh Ân Sủng và Cá Tình Thương mà bạn và tôi đã nhận nhưng không?  Cái gì cản trở bạn và tôi trao ban những Ân Sủng và Tình Thương đó như lòng Chúa mong ước?

***************

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên “Em Bé” để mỗi người chúng con biết sống quảng đại như em bé, dám cho đi mà không tính toán những món quà Chúa ban nhưng không, biết đón nhận Tình Yêu và Ân Sủng Chúa ban tặng để rồi biết rộng lòng trao ban những món quà của Chúa, cho những anh chị em chung quanh chúng con, đặc biệt những anh chị em đang cần sự giúp đỡ của chúng con.  Xin nhắc nhở chúng con luôn biết rằng công của chúng con thật quá bé nhỏ so với công của Chúa.  Xin ban cho chúng con Thần Khí Chúa để chúng con có thể vượt lên trên bản tính tự nhiên của con người, là thích được kể công trạng, để chúng con sống với luật siêu nhiên mà Chúa trân trọng mời gọi chúng con bước theo.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
November 12, 2008

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *