TRUYỀN ĐẠT

Một lần tôi được mời dâng Lễ Trọng ở cộng đoàn các soeur có các em nội trú người Dân Tộc. Vì không biết cộng đoàn thường đọc hay hát các Bộ Lễ nào (Kinh thương xót, Vinh Danh, Tin Kính, Amen, Lạy Cha) nên tôi nói một em giúp Lễ người Dân Tộc ra hỏi soeur đánh đàn cho biết bài nào hát, bài nào đọc, để tôi biết đường mà xướng.  Em đi ra một lúc rồi vào nói: “Dạ”.  Tôi không hiểu chữ “dạ” có nghĩa gì, nhưng vì ca đoàn đã bắt đầu hát Ca Nhập Lễ nên tôi thấy không tiện để hỏi thêm nên đánh liều dâng Lễ.  Tôi thầm nhủ cứ khi nào mà soeur dạo đàn thì tôi xướng theo, còn không dạo đàn thì đọc.

Thông thường trong các Thánh Lễ Trọng, Kinh Vinh Danh thì được hát.  Nhưng sau khi hát Kinh Thương Xót, tôi chẳng nghe tiếng dạo đàn nhưng tôi vẫn cứ xướng hát Kinh Vinh Danh và cộng đoàn cùng hát, nhưng không có đàn đệm.  Tôi ngó xuống thấy soeur phụ trách và soeur đánh đàn nói chuyện gì với nhau và một lúc sau thì có tiếng đàn đệm.  Kinh Tin Kính thì đọc, và Kinh Lạy Cha thì cộng đoàn hát.  Quả thật tôi bị lọng cọng trong Thánh Lễ đó.

Cuối Lễ tôi ra gặp soeur đánh đàn để xin lỗi soeur vì chưa biết các tục lệ riêng của cộng đoàn làm cộng đoàn bị chia trí trong Thánh Lễ này.  Tiện tôi hỏi soeur em giúp lễ nói gì với soeur.  Ánh mắt soeur lúc đó không vui lắm.  Soeur nói em giúp lễ nói tôi muốn đọc các Kinh trong Bộ Lễ…  Tôi giải thích lại cho soeur hiểu là tôi nhờ em ra hỏi soeur muốn tôi xướng đọc hay hát… cả hai cùng cười phì.  Tôi bắt gặp ánh mắt thân thiện của soeur và hai người trò chuyện hồi lâu.  “Các em người Dân Tộc là vậy đó,” soeur chia sẻ, “mình nói với em và tưởng em hiểu, té ra nó chẳng hiểu chi hết, nên nhiều lúc cần lắm nhưng mình cứ làm cho xong, chứ nhờ các em mình lại phải sửa lại nữa.”

***************

Biến cố này làm tôi liên tưởng đến kinh nghiệm của người Việt tị nạn khi mới qua xứ Mỹ.  Tiếng Anh tiếng em còn ú ớ, mù mờ, chỉ biết có mấy chữ lõm bõm, nhiều lúc nghe người Mỹ hỏi chữ được chữ không.  Không hiểu nhưng không dám hỏi lại mà cứ trả lời “yes, yes” đại.  Thường thì không sao, nhưng khi đụng chuyện thì hỡi ôi… nhiều lúc cười ra nước mắt, và nhiều lúc đau mắc nghẹn.  Nhờ những kinh nghiệm đau thương này nên tôi dễ thông cảm hơn cho các em Dân Tộc khi sống với người Kinh.  Cả đời các em sống trong buôn làng, nói chuyện với nhau chỉ bằng tiếng Dân Tộc, lâu lâu mới nói vài ba tiếng Kinh.  Đi học thì học bằng tiếng Kinh và đâu có hiểu hết như các em người Kinh, nên điểm của các em Dân Tộc lúc nào cũng thấp hơn các em người Kinh.  Chính phủ hiểu điều này và dùng nhiều cách để nâng đỡ các em Dân Tộc, thí dụ như điểm để vào đại học của các em Dân Tộc thấp hơn so với người Kinh.  Dù được nâng đỡ điểm, các em Dân Tộc thi đậu vào Đại Học cũng rất ít.  Một trong những thách đố lớn nhất của các em Dân Tộc là dù có học khá nhưng gia đình làm nương rẫy còn chưa đủ ăn thì làm sao các em có môi trường tiến xa hơn trên đường học vấn.

Quan sát các em nội trú do các soeur giúp nuôi ăn học thì mới thấy công sức của các soeur rất đáng trân trọng.  Tôi thiết nghĩ một trong những điều khó nhất để sống với các em Dân Tộc là sự kiên nhẫn chịu đựng.  Lối sống của các em quê mùa trong khi các soeur là “ông tổ” của sự ngăn nắp.  Các soeur ham học hỏi nghiên cứu trong khi các em chỉ ham vui.  Ngắm nhìn sự kiên nhẫn, chịu đựng, dạy dỗ của các soeur tôi thấy hình bóng của Thiên Chúa phảng phất đâu đó.  Có một soeur kể rằng, một lần các em rửa xe đạp ở sân trên thì nước chảy xuống sân duới, ngay chỗ một nhóm các soeur khác đang phơi cá khô và măng khô ở dưới đất.  Nước tràn xuống ướt ngập cả măng lẫn cá.  Các em thấy nhưng vẫn cứ tiếp tục rửa xe.  Đến khi phát giác thì cá, măng đã ướt đẫm.  Hỏi các em sao không báo, các em nói nước chảy xong thì có nắng nên măng, cá lại khô… có chi mà phải lo!  Một lần khác mưa sắp đến, các soeur nói các em phụ đem cá phơi ngoài sân vào, các em đang phụ mang cá khô vào thì mưa lớn ào đến và… các em chạy vào hết … để cá khô tắm mưa!  Các em Dân Tộc là vậy đó.  Sống với các em mà thiếu tình thương như người mẹ hiền thì khó đến được với các em.  Chỉ có tình mẹ hiền thương con như các soeur mới có thể chịu đựng những cái khờ khạo của các em.

Một thầy Dòng trông coi nội trú các em Dân Tộc nam chia sẻ với tôi, lâu lâu thầy bị nhà trường gọi lên: “Em đó đã không làm bài tập ở nhà mà giáo viên hỏi tại sao, em còn trả lời ‘đếch làm’.  Thầy là người trông coi các em phải nhắc nhở các em làm bài và dạy bảo các em lễ nghĩa.  Giá như học sinh người Kinh thì tôi đã đánh cho mấy roi rồi.”  Thầy về nhà vừa la vừa khuyên để các em biết thay đổi.  Sống với các em và hướng dẫn các em ở nhà còn khó hơn các giáo viên đến mấy bậc.  Nếu không có tình thương để kiên nhẫn và chịu đựng với các em, đặc biết là trong tuổi dậy thì mới lớn, thì không thể cảm hóa được các em.

Nhìn ngắm các soeur các thầy ở với các em làm tôi liên tưởng đến hình ảnh Đức Giêsu.  Là Thiên Chúa nhưng chấp nhận mặc lấy thân phận con người yếu hèn để chung sống với con người và cảm hóa con người.  Ngôi Hai đến thế gian để truyền đạt cho con người tình thương và khuôn mặt của Thiên Chúa cho đoàn con lạc lối.  Qua bao nhiêu gian nan thử thách trong thân phận con người, Chúa Giêsu đã phải kiên nhẫn chịu đựng sự vụng về, quê mùa, dốt nát, bất phục tùng của con người, cộng thêm với tính khoác lác và kiêu hãnh của họ nữa.  Chúa Giêsu đã dùng ngôn ngữ của loài người để nói với con người nhưng họ vẫn khờ khạo không hiểu.  Càng thấy con người khờ dại bao nhiêu thì lại thấy sự chịu đựng và lòng khoan nhân của Thiên Chúa bấy nhiêu.

Đức Giêsu nói: “Anh chị em hãy ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi để được sống” thì con người nói chướng tai quá (Ga 6:53, 60).  “Anh phải được sinh ra một lần nữa thì mới vào được Nước Trời” mà một nhà thần học gia có tiếng như Nicôđêmô nghe như vịt nghe sấm chẳng hiểu chi cả (Ga 3:3).  Và một lần ở đền thờ Giêrusalem, Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi và Cha Tôi là một” và xém chút nữa cả thầy lẫn trò bị ném trong biển đá vì con người nói rằng Đức Giêsu nói phạm thượng (Ga 10:30-31).  Con người ngu dốt đến nỗi không ý thức được những việc mình đang làm.  Khi gần chết, Đức Giêsu vẫn tiếp tục xin Chúa Cha tha cho con người vì chúng không biết việc chúng làm (Lc 23:34).  Càng nhìn lại sự ngu tối của con người thì lại cảm nghiệm sự kiên nhẫn chịu đựng và lòng nhân từ của Thiên Chúa.  Càng thấy các em Dân Tộc lơ đãng ham vui và sống quê mùa như ở buôn làng, càng thấy sự kiên nhẫn và tình thương của các soeur các thầy chăm lo cho các em.

***************

Lạy Chúa, càng suy gẫm về sự chịu đựng và lòng nhân hậu của Chúa, chúng con càng thấm thía tình thương Chúa dành cho loài người.  Con người bất tài đam mê yếu hèn mà Chúa lại tin tưởng trao cho sứ mạng đại diện Chúa để truyền đạt tình thương của Chúa.  Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm được sâu xa tình thương của Chúa để mỗi người chúng con mạnh dạn dấn thân lên đường truyền đạt lại Tình Yêu Thương nhiệm mầu đó.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
October 19, 2008

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *