HOA LỢI VƯỜN NHO

Câu chuyện hôm xưa:  Có một người chủ vườn nho kia giao vườn của ông ta cho các tá điền chăm sóc quản lý.  Đến mùa thu hoạch, người chủ sai nhân viên của mình đi thu hoa lợi theo như hạn kỳ.  Nhưng hỡi ôi, các tá điền trở mặt, đã không nộp hoa lợi thì chớ, lại còn hành hung, đánh đuổi, thậm chí giết cả các nhân viên được sai đến.  Nếu có bị thất mùa gặp khó khăn không đủ hoa lợi, thì các tá điền có thể thương lượng trả góp hay xin khất.  Đằng này họ rắp tâm muốn chiếm đoạt tài sản.  Quản lý trở thành ăn cướp.

Thế mà người chủ này vẫn cho những tá điền bất nhân này nhiều cơ hội.  Ông lại tiếp tục sai người đến thương lượng với họ, nhưng không thành công.   Cuối cùng ông sai con của mình đến gặp họ, mong rằng họ sẽ nghĩ lại.  Nhưng bọn tá điền này không kể  luân thường đạo lý, ngang nhiên giết người con duy nhất này và vất xác ra ngoài vườn nho, lại còn huyênh hoang: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi và đoạt gia tài của nó” (Mt 21:38).

***************

Câu chuyện hôm nay:  Nghe Lời Chúa hôm nay, tôi bất giác giật mình.  Câu chuyện 2000 năm trước sao có lại những điểm trùng hợp với thời sự như thê’?  Ở đất nước ta ngày nay, không thiếu những chuyện bất công, cướp đoạt đất đai của các tá điền thời đại.  Với công thức “đất đai là của toàn dân” nhưng lại do các “đầy tớ nhân dân” quản lý, các tá điền thời đại tha hồ làm mưa làm gió trên việc quản lý đất đai.  Miếng đất nào đẹp, miếng nào nằm trong tầm ngắm của các tá điền thời đại, những kẻ mang danh đầy tớ nhân dân, thì miếng đất ấy sẽ bị mượn dài hạn.

Đến khi sở hữu chủ muốn dùng lại để làm việc công ích thì phải làm đơn xin xỏ lạy lục để được “quyền sử dụng đất.”  Nếu khổ chủ “biết điều” thì may ra các đầy tớ nhân dân xem xét nhu cầu rồi cấp phát đất đai theo độ dầy của phong bì nhận được.  Đó là trường hợp mảnh đất kia chưa bị sang tay, chưa phân lô để kinh doanh lợi lộc, chưa ký dự án hợp tác với tư bản nước ngoài, hoặc thuộc diện đất chết bỏ hoang.  Còn nếu đất đó đã hóa vàng, thì sở hữu chủ chẳng bao giờ có thể dòm ngó đến. Nếu cứ ngoan cố đòi đất thì nhẹ cũng ghép vào tội gây rối loạn trật tự, nặng thì bị bắt, đánh đập, bị ghép vào đủ thứ tội, kể cả tội chết.

Ngày nay trong xã hội văn minh hơn, các đầy tớ nhân dân không cần trực tiếp ra tay.  Chỉ cần giết người bằng công văn, bằng báo đài ra rả tuyên truyền xuyên tạc, biến khổ chủ thành kẻ gây rối, thành tội phạm, đáng bị luật pháp trừng trị, kích động dư luận quần chúng, ném đá dấu tay để che đậy cho việc làm càn của mình.  Các đầy tớ nhân dân hôm nay mưu mô xảo quyệt hơn các tá điền bất nhân ngày xưa nhiều lắm.

***************

Bạn thân mến,

Phải chăng Chúa Giêsu kể dụ ngôn trên đây để chỉ trích sự sai trái của các thượng tế và biệt phái? Hay Ngài còn muốn nói với chúng ta điều gì?  Dụ ngôn này không chỉ nhắm vào những người lãnh đạo Israel thưở xưa, hoặc các “đầy tớ nhân dân” ngày nay.  Lời Chúa cũng nói trực tiếp với mỗi người chúng ta về ý nghĩa và trách nhiệm của mỗi người về chính cuộc đời của mình.

Cuộc sống của chúng ta cũng như những thửa vườn kia, đã được Thiên Chúa trao ban để chăm sóc và bảo quản. Trong cái nhìn của đức tin, tất cả những gì chúng ta có đều là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa.  Tất cả cuộc sống chúng ta là vườn nho được Chúa chăm sóc ân cần đầy đủ.  Thế nhưng nhiều lúc chúng ta xem những ân huệ Chúa ban là của riêng mình.  Như những tá điền trong dụ ngôn, chúng ta đã không quản lý những ân huệ Chúa ban hầu làm giầu cho ông chủ, làm vinh danh cho Thiên Chúa.  Ông chủ vườn ở xa mà, biết khi nào mới trở lại?

Thỉnh thoảng nếu có ai đó nhắc nhở chúng ta về bổn phận với ông chủ, thì chúng ta lại nổi giận, trách móc, hoặc phớt lờ họ.  Ngay cả đối với chính Chúa Kitô cũng thế.  Có khi chúng ta cũng đuổi Ngài ra khỏi vưòn nho – ra khỏi cuộc sống của chúng ta.  Thiên Chúa cho chúng ta rất nhiều cơ hội để hoán cải.  Ngài cho chúng ta rất nhiều thời gian để sinh những hoa trái thiêng liêng.  Chúng ta cần làm gì với mảnh vườn đức tin, với cuộc sống của mình?

Như thế Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một lần nữa ý thức về cách chúng ta đang sống đạọ. Chúng ta cần sinh hoa kết quả bằng đức tin và việc làm. Và để kết luận tôi xin mượn lời của Thánh Phaolô trong bài đọc hai để mời bạn, chúng ta cùng nhau tìm: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh và đáng khen thì xin anh em hãy để ý” (Phil 4:8).

Xin Thiên Chúa giúp mỗi người chúng ta trở nên những tá điền gương mẫu, biết tận tâm chăm sóc cho mảnh vườn đời mình ngõ hầu sinh hoa lợi, làm vinh danh Thiên Chúa.

Antôn Phaolô, SJ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *