DẤU CHỈ CỦA TÌNH YÊU

Trong vở kịch có tựa đề “Một con người của bốn mùa”, tác giả đã mô tả cảnh vua Henri VIII cố gắng thuyết phục thủ tướng của ông là thánh Thomas Moore hãy đồng ý với quyết định ly dị của ông và cưới nàng Pauline làm vợ.  Vua Henri nói như sau:

– Thomas, khanh hãy hiểu cho rằng trẫm đang có nguy cơ mất linh hồn. Thật ra, giữa trẫm và vợ trẫm chẳng bao giờ có hôn phối cả, bởi vì nàng là quả phụ của anh trẫm.

Nhưng thánh Thomas Moore trả lời:

– Tâu bệ hạ, thần không có thẩm quyền để can thiệp vào vấn đề này. Thần nghĩ vấn đề thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh…

Nhưng vua Henri VIII ngắt lời:

– Thomas ơi, phải chăng người ta cần có một vị giáo hoàng để nói cho mình biết khi nào mình đã phạm tội? Thomas, đây là một tội!  Trẫm nhìn nhận điều đó, trẫm hối hận và Chúa đã trừng phạt trẫm, trẫm không có con trai.  Thomas ơi, hết đứa con trai này đến đứa con trai khác, tất cả đều chết từ lúc mới sinh hay chỉ một tháng sau.  Trẫm không bao giờ thấy bàn tay của Chúa tỏ tường như thế.  Trẫm có một đứa con gái, đây là một đứa con ngoan, nhưng trẫm lại chẳng có con trai.  Nhiệm vụ của trẫm là gạt bỏ hoàng hậu và xin các vị giáo hoàng đừng xen vào giữa trẫm và nhiệm vụ của trẫm.

Rồi ông nài nỉ thánh Thomas Moore một lần nữa như sau:

– Tại sao khanh không thấy điều đó trong khi mọi người đều thấy?

Một cách bình tĩnh, thánh nhân trả lời:

– Thế thì tại sao bệ hạ lại cần sự ủng hộ của hạ thần?

Vua Henri VIII nói từng tiếng như sau:

– Bởi vì khanh là một con người lương thiện và ai cũng biết rõ sự lương thiện của khanh. Khanh nhìn xem, có những người phò trẫm là bởi vì trẫm đang đội triều thiên trên đầu.  Có những người đi theo trẫm chỉ vì họ là những con gấu với răng nhọn, còn trẫm là một con sư tử.  Có cả một đám đông đi theo trẫm, chỉ vì họ để cho đám đông lôi cuốn, nhưng khanh thì khác.

Những lời trên đây của một người nắm quyền sinh sát trên tay không chỉ là những lời đường mật mà đã vẽ ra cho thánh Thomas Moore một thập giá đang chờ đợi ở phía trước.  Thánh nhân có thể khước từ thập giá ấy và sống trong phú quí và danh vọng, hoặc là thách thức nhà vua và chọn lấy cái chết.  Nhưng cuối cùng ngài đã ôm lấy thập giá, ngài đã chọn con đường thập giá của Chúa Giêsu.

***************

Cũng giống như chiếc ghế điện tại những nơi còn duy trì án tử hình, thập giá quả là một điều chướng kỳ.  Chúa Giêsu đã bị treo lên trên ấy và chúng ta được kêu mời ôm lấy nó.  Thật không gì ngu xuẩn bằng khi đặt trọng tâm của cuộc sống vào thập giá ấy, nhưng Chúa Giêsu lại dùng biểu tượng của nhục nhã khủng khiếp đó để nói lên tư cách của người môn đệ của Ngài: “Ai không vác thập giá và đi theo Ta không đáng làm môn đệ Ta”.

Thập giá không phải là một món đồ trang sức mà là một thách đố giữa sống và chết, giữa tình yêu và hận thù, giữa hy sinh và ích kỷ, giữa hạnh phúc và khổ đau.

Thập giá là dấu chỉ của tình yêu.  Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao quí hơn mối tình của người thí mạng vì người mình yêu”.  Thập giá là một lời mời gọi sống yêu thương.  Chúa Giêsu đã nói: “Hãy yêu thương như chính Thầy đã yêu thương các con”.  Thập giá là một mạc khải về tình yêu đích thực. Yêu là đau khổ, yêu là hy sinh.  Thời đại của chúng ta là thời đại của giảm đau.  Người ta sử dụng thuốc giảm đau để làm bớt cơn đau trong thân xác đã đành, người ta còn tìm đủ mọi cách để tránh hy sinh.  Nhưng thập giá của Chúa Giêsu soi rọi cho chúng ta thấy rằng một cuộc sống không có thập giá là một cuộc sống vô nghĩa và không đáng sống.

***************

Lạy Chúa Giêsu, Xin cho chúng con biết can đảm bước theo con đường thập giá của Chúa.  Xin cho chúng con biết dâng lên Chúa những hy sinh trong suốt tuần này để được kết hiệp với Chúa trong mầu nhiệm khổ nạn hầu được tham dự vào sự sống lại của Chúa.

R. Veritas

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *