HAI BÀN TAY – ĐIỀU KỲ DIỆU BÊN DƯƠNG CẦM

Mỗi chúng ta là thiên thần chỉ có một cánh, và chúng ta chỉ có thể bay nếu dính lại cùng nhau.  Mùa xuân năm 1983, Margaret Patrich tới trung tâm Sống Tự Lập để tập vật lý trị liệu.  Khi Millie Meltugs – một nhân viên kỳ cựu – giới thiệu Margaret với mọi người ở trung tâm, và chợt nhận ra vẻ mặt đau khổ của Margaret Patrich khi nhìn thấy cây đàn dương cầm, Millie liền hỏi:

– Bà làm sao thế? Ðau chỗ nào vậy?

Margaret Patrich nói nhỏ:

– Không sao đâu mà! Chỉ vì khi nhìn thấy cây đàn dương cầm, tôi nhớ lại trước khi bị chấn thương, âm nhạc là tất cả đối với tôi!

Millie liếc nhìn bàn tay phải vô dụng của Margaret trong khi người đàn bà da đen nhỏ nhẹ thuật lại thời vàng son của một nghệ nhân âm nhạc.  Ðột nhiên Millie nói:

– Xin bà đứng đợi ở đây nhé! Tôi sẽ trở lại ngay thôi!

Lát sau Millie trở lại, theo sau là một phụ nữ nhỏ nhắn, tóc bạc trắng với cặp kính cận dầy cộm.  Bà còn dùng gậy tập đi nữa.  Millie mỉm cười giới thiệu hai người:

– Bà Margaret Patrich, hãy làm quen với bà Ruts Eisenbery đi. Bà Ruts cũng chơi dương cầm, nhưng cũng như bà, bà ấy cũng không thể chơi dương cầm nữa sau khi bị chấn thương.  Bà Ruts Eisenbery có tay phải còn lành, và bà thì còn tay trái.  Tôi có ý nghĩ:  Nếu hai bà phối hợp lại sẽ làm nên điều gì tuyệt vời đấy!

Bà Ruts hỏi bà Margaret:

– Bà có biết bản Waltz cung Re trưởng của Chopin không?

Bà Margaret gật đầu.  Thế là họ ngồi cạnh nhau trên ghế chiếc đàn piano, một bàn tay đen với những ngón dài thanh tú, và bàn tay kia với những ngón trắng, ngắn và mập… cùng nhau lướt trên những phím ngà.  Từ ngày đó, họ ngồi lại bên nhau hàng trăm lần để bay bổng theo cung nhạc:  Bàn tay liệt của Margaret quàng qua lưng bà Ruts, và bàn tay bất động của bà Ruts đặt trên đầu gối Margaret.  Trong khi bàn tay lành mạnh của bà Ruts chơi phần giai điệu và tay lành của Margaret giữ phần hoà âm.

Chương trình biểu diễn của họ đã làm hài lòng khán thính giả truyền hình tại thánh đường, trường học, nhà hưu dưỡng, và các trung tâm phục hồi.  Trên ghế biểu diễn dương cầm, hai bà còn chia sẻ với nhau không chỉ âm nhạc mà còn nhiều điều chung: Cả hai đều lên chức “Bà Cố” vì đã có chắt, đều góa bụa, đều mất các con trai, cả hai đều có rất nhiều để cho đi nhưng không thể cho đi được nếu không có người kia!

Trên ghế đàn dương cầm, bà Ruts nghe lời Margaret tâm sự:

– Âm nhạc của tôi bị lấy đi, nhưng Chúa lại cho tôi Ruts.

Bà Ruts cũng đồng ý:

– Quả là một phép lạ Chúa đã làm để nối kết hai chúng ta nên một.

Margaret Patrich

***************

Lạy Chúa, điều Chúa làm thật kỳ diệu!  Xin cho con nhìn ra những công trình tuyệt mỹ Chúa đang làm nơi bản thân con và anh em con, dù là phúc hay họa.  Xin cho con nhìn ra cái ưu điểm của anh em con để lắp vào sự thiếu sót con và ngược lại cho con biết đem khả năng, ưu điểm của mình lấp đầy vào sự thiếu sót của anh em con.  Tất cả sẽ hài hoà làm nên một bức tranh tuyệt vời trong tình yêu thương của Thiên Chúa.  Amen!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *