NGƯỜI KHÁCH LẠ

Một trong những cuốn phim hay nhất của vua hề Charlot và có lẽ cũng là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề là: “Ánh sáng đô thị“.  Ðó là câu chuyện tình của một gã lang thang và một cô gái bán hoa.

Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường.  Một nhà tỷ phú trong vùng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng, đối xử với nàng rất tử tế lịch thiệp.  Ngày kia, gã lang thang là Charlot cũng dừng lại mua hoa của nàng.  Cô gái bán hoa tưởng chàng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã chớm nở và nối kết hai tâm hồn. Nàng tưởng mình gặp được người mình mơ ước từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành con mắt mù của nàng.

Nhưng chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát bắt giam. Sau một thời gian dài bị cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho nàng, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần trước cửa tiệm bán hoa của nàng, nhưng không thể nào nhận ra nàng vì mọi sự đã thay đổi. Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng cúi xuống nhặt lên.  Người con gái cười như nhạo báng.  Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười quen thuộc của nàng, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: “Cô đã thấy được rồi sao?“.  Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc của chàng.  Nàng từ từ nhặt cánh hoa lên và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: “Anh đấy sao?”.  Thế là cả hai đã nhận ra nhau vì những điểm “rất quen thuộc của nhau và họ không còn rời xa nhau nữa.

* * * * *

Bạn thân mến! Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại cho chúng ta biết:  Hai môn đệ trên đường Emau cũng nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh trong cử chỉ rất quen thuộc của Ngài xưa kia khi Ngài Bẻ bánh và dâng lời chúc tụng .

Trước khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, lòng các ông đầy hoang mang, buồn chán và thất vọng,  những ước mộng đã tan tành và cuộc đời gần như vô phương mất hướng.  Các ông đã từ bỏ nhóm, từ bỏ Giêrusalem với bao nhiêu dấu ấn buồn vui kỷ niệm với Thầy mình và với anh em.  Các ông lê từng bước chân thất thểu mệt mỏi trên chặng đường dài để về quê quán của mình.  Một ngày đi bên nhau, một ngày trò truyện với “Người Khách Lạ”, các ông đã không nhận ra “Người Khách Lạ” đó chính là Thầy mình, vì con mắt các ông bị che phủ bởi những tối tăm của hoang mang hốt hoảng,  tâm hồn các ông vẫn còn bị đóng lại bởi những lo âu buồn chán và thất vọng.

Trong  những lúc khó khăn nhất, khủng hoảng nhất, thất vọng nhất, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện, đồng hành và đồng bàn với các ông. Ngài dùng Kinh Thánh để trò truyện với các ông, Ngài tế nhị gợi lên niềm vui và hy vọng nơi các ông, từ từ đưa các ông đến chỗ nhận ra Ngài trong cử chỉ quen thuộc của Ngài khi Ngài bẻ bánh và dâng lời chúc tụng

Sau khi gặp Chúa Giêsu Phục sinh, niềm vui òa vỡ đã dâng cao trong lòng các ông, Ngài đã mang đến cho các ông niềm tin và hy vọng.  Các ông đứng dậy, không sợ sệt, không lo âu dù trời đã tối, các ông lập tức lên đường trở về Giêrusalem để gặp Nhóm Mười Một và các anh em bạn bè. Các ông thuật lại việc Chúa đã sống lại, Ngài đã phục sinh và đồng bàn với họ. Họ đã nhận ra Ngài trong khi Ngài bẻ bánh và dâng lời chúc tụng

Chúng ta có thể  hình dung được bước chân của hai môn đệ Emmaus vội vã lên đường, hân hoan tung tăng quay về Giêrusalem để báo tin Chúa Phục Sinh cho những môn đệ còn lại, thay cho bước chân mệt mỏi chán chường và cô đơn trước khi được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh. Đoạn đuờng từ Emmau về lại Giêrusalem đã không còn dài nữa vì mắt họ đã sáng lên, lòng họ đã kiên vững và miệng họ đã vui cười.

Bạn thân mến! Trong cuộc đời lữ hành trần thế, đã rất nhiều lần chúng ta gặp Chúa như hai môn đệ trên đường Emmaus nhưng chúng ta đâu có nhận ra Ngài. Chúa vẫn có đó trong mọi chỗ; mọi nơi. Chúa có đó trong anh em của ta, trong những người nghèo, trong những người neo đơn, đói khổ…

Câu chuyện Emmaus giúp mỗi người chúng ta xác tín rằng:  Bất luận chúng ta là ai, địa vị thế nào, hoàn cảnh sống ra sao; dù chúng ta có suy nghĩ thế nào, nói năng ra sao hoặc thực hiện điều gì, tất cả đều có sự “hiện diện”, có sự “quan sát”, có sự “đồng hành” của Đấng Phục Sinh.

Như hai môn đệ trên đường Emmaus, người Kitô hôm nay cũng phải nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh trong chính cuộc sống hằng ngày của mình. Nhận ra Ngài để xin Ngài “nán lại” trong cuộc đời,  để Ngài ban cho niềm vui và sự bình an; hy vọng và sức mạnh để quay bước chân “trở về”.

Và Như hai môn đệ trên đường Emmaus, người Kitô hôm nay cũng phải vui mừng hân hoan vì tin vào Đức Kitô Phục Sinh, làm chứng cho Ngài và ra đi loan báo cho những người quanh ta về “Tin Mừng Cứu Rỗi” mà Ngài đã trao ban.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Chúa thấy con dễ bỏ Chúa chừng nào.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần thêm sức mạnh để khỏi dừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn. “

(Trích từ R. Veritas)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *