THÁNH ALPHONGSÔ LIGUORI, GIÁM MỤC TIẾN SĨ (1696-1787) (có Youtube)

Thánh Alphongsô Maria Liguori sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marinella gần Naples và là con trưởng trong 7 anh em.  Ngay từ trong nôi, Ngài là giao điểm tập hợp ân huệ đáng mơ ước như trí thông minh, danh giá, tài sản, thiên khiếu nghệ thuật và một tấm lòng đại độ.

Trong khi đó người mẹ rất đạo hạnh nghĩ rằng: “Các ân huệ tốt đẹp nhất sẽ chẳng có giá trị gì nếu không hướng về Chúa.  Người lãnh nhiều phải trả nhiều.”

Như vậy ân phúc kỳ diệu nhất mà Alphongsô nhận được chính là giáo huấn của người mẹ.  Alphongsô học tiếng Hy lạp, tiếng Latinh, tiếng Pháp và toán.  Ngài say mê âm nhạc và hội họa.  Thánh nhân sáng tác thánh ca, chơi đàn và vẽ tranh nữa!

Là một con người có chí, Alphongsô thành công rất sớm trên cùng đời.  17 tuổi Ngài đậu bằng tiến sĩ luật khoa cả về giáo luật lẫn dân luật và đã bắt đầu hành nghề luật sư.  Khả năng hùng biện của Ngài hứa hẹn một tương lai sáng lạn.  Nhưng tuổi trẻ cũng có cớ dẫn Ngài tới lỗi lầm với hậu quả bi thảm, năm 1723 trong một vụ kiện, Ngài biện hộ với một giọng nói hùng hồn.  Lý lẽ vững chắc, làm cho cả tòa án phải ngỡ ngàng tán thưởng.  Nhưng khi vừa dứt lời, đối thủ ôn hoà vạch ra một lỗi nhỏ mà Ngài không nhận thấy.  Chính lỗi nhỏ đó đã tiêu hủy luận chứng lẫn danh tiếng của Ngài.

Thất bại làm Alphongsô rất đau buồn và đã đóng cửa phòng hai ngày liền.  Ngài suy nghĩ và tự hỏi rằng:  “Đây không phải là lời mời gọi của Chúa hay sao…?”  Bỏ nghề, Ngài nói:

–  Ôi thế gian, ta đã biết ngươi. Hỡi pháp đình, ngươi sẽ không còn gặp ta nữa.

Ngài tìm đường sống và dấn thân cho công cuộc bác ái.  Một ngày kia, đang khi thăm viếng các bệnh nhân trong một nhà thương, Ngài nghe hỏi:  “Ngươi làm gì ở thế gian này?”

Nhìn chung quanh Ngài không thấy ai, nhưng Ngài vẫn nghe hỏi một lần nữa.  Vào một nguyện đường dâng kính Đức Mẹ từ bi gần đó, Ngài hứa sẽ gia nhập dòng giảng thuyết và làm linh mục.  Đặt thanh gươm trên bàn thờ Ngài nói: “Lạy Chúa này con đây, xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa.  Con là gì và con có chi, con xin hiến dâng để phụng sự Chúa.”

Nghe tin này cha Ngài giận dữ, Ngài quyết bỏ nghề, bỏ cả vị hôn thê của Ngài sao?  Ngài đã trả lời rằng: đối với Chúa chẳng có hy sinh nào gọi là quá lớn lao cả.  Ngài cương quyết giữ ý định và cha Ngài không thèm nhìn đến Ngài nữa.  Năm 1726, Ngài thụ phong linh mục.

Thánh nhân rao giảng khắp vương quốc Naples.  Cha Ngài giận dữ quyết không chịu nghe.  Ngày kia ông vào một thánh đường, đúng lúc con ông đang thuyết giảng.  Thoạt đầu ông giận dữ, nhưng rồi dần dần ông mềm lòng.  Ơn Chúa đã đến nhờ lời giảng dạy của con ông.  Kết thúc giờ phụng vụ ra về ông nói: “Con tôi đã làm cho tôi được biết Chúa.”

Suốt đời, thánh Alphongsô không những chỉ nỗ lực trong công việc tri thức mà còn lo tiếp xúc với dân chúng.  Ngài chỉ thích việc ngồi tòa hơn là việc nghiên cứu.  Ngài mang đặc điểm của một linh mục truyền giáo.  Thành quả của Ngài thực hiện được chính là dòng Chúa Cứu Thế, thành lập tại Scala tháng 11 năm 1732.  Thánh Anphongsô và các tu sĩ của Ngài, sáng chói nhất có thánh Giêrađô Majella, đã nỗ lực đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng của dân quê nghèo thời đó, bằng các kỳ Đại Phúc thừa sai, các tuần tĩnh tâm, các tuần tái phúc, theo gương thánh Phaolô đã làm.  Dòng Chúa Cứu Thế từ ngày thành lập cho đến nay, đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng Chúa vẫn gìn giữ, ủ ấp để rồi Dòng Thánh vẫn luôn vươn lên, tiếp tục rao giảng Nước Thiên Chúa và giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, đặc biệt những người bơ vơ, nghèo khổ.

Năm 1548 thánh nhân xuất bản bộ thần học luân lý, được đức giáo hoàng Bênêdictô XIV phê chuẩn và gặt hái nhiều thành quả tức thời.

Thánh Alphongsô Ligôri viết tất cả sáu mươi cuốn sách.  Điều này thật khó tin vì ngài phải chu toàn rất nhiều trách vụ.  Vả lại, Alphongsô Ligôri thường hay đau bệnh.  Ngài thường xuyên mắc chứng đau đầu; và để có thể làm việc liên tục, thánh Alphongsô Ligôri phải quấn một chiếc khăn lạnh trên trán.  Ngài không chỉ nổi tiếng về Thần Học Luân Lý, ngài còn viết nhiều về lĩnh vực thần học tâm linh và tín lý.  Cuốn Glories of Mary (Vinh quang Mẹ Maria) là một trong các tác phẩm lớn của ngài, và cuốn Visits to the Blessed Sacrament (Viếng Thánh Thể) của ngài được tái bản 40 lần ngay khi ngài còn sống, ảnh hưởng nhiều đến việc thực hành sự tận hiến

Mặc dù bản tính tự nhiên rất nóng nảy, song Alphongsô Ligôri đã cố gắng làm chủ tính khí của mình.  Alphongsô Ligôri khiêm nhường đến nỗi khi đức thánh cha muốn đặt ngài làm giám mục vào năm 1762, ngài đã dịu dàng từ chối.  Khi các sứ giả của đức thánh cha đến gặp riêng Alphongsô để nói cho ngài biết ý định của đức thánh cha, và họ gọi ngài bằng tước hiệu “thông thái,” Alphongsô Ligôri đã trả lời: “Xin làm ơn đừng gọi tôi bằng danh xưng đó.  Nó sẽ giết chết tôi mất!”  Đức thánh cha biết rằng Alphongsô sẽ giúp ích được nhiều cho Giáo hội nên ngài đã chỉ định Alphongsô Ligôri làm giám mục giáo phận Agatha của người Goth.  Thánh Alphongsô Ligôri đã cử nhiều nhà giảng thuyết đến làm việc trong giáo phận của ngài.  Họ giúp chia sẻ về tình yêu Thiên Chúa và tầm quan trọng của niềm tin Công giáo.  Alphongsô Ligôri xin các linh mục hãy giảng các bài thật đơn sơ để dân chúng dễ nắm bắt và dễ đem ra thực hành, ngài nói: “Tôi chưa khi nào giảng một bài mà người bình dân nhất trong nhà thờ không thể hiểu được!”

Năm 1775 Ngài được đức giáo hoàng Piô VI cho phép từ nhiệm để về sống trong dòng tại Nocera.

Những năm cuối đời, thánh Alphongsô đã trải qua rất nhiều đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần.  Dầu trong “đêm tối của linh hồn” Ngài vẫn không nao núng và luôn kiên trì cầu nguyện.  Ngài nói: “Ai cầu nguyện sẽ được cứu thoát, ai không cầu nguyện sẽ tự luận phạt.”  Cuối cùng Ngài tìm được bình an và qua đời năm 1787, hưởng thọ 91 tuổi.  Đến năm 1839, đức thánh cha Grêgôriô XVI tôn phong Alphongsô Ligôri lên bậc hiển thánh.  Còn đức thánh cha Piô IX thì tôn tặng ngài tước hiệu Tiến sĩ Hội Thánh năm 1871.

Tổng hợp

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.