NGƯỜI KHÔNG XEM THẤY ĐƯỢC THẤY

Nhìn vào hành trình làm nhân chứng khá cam go của người mù được sáng mắt, qua bài Tin Mừng hôm nay, tôi nhớ lại những gì mà chị Vũ Thủy, một thành viên khuyết tật của Huynh Đoàn Kitô Vua thuộc giáo xứ Mai Khôi, đã ghi lại cảm nghiệm của mình bằng vào những vần thơ thật xúc tích và cũng thật chân thành đơn sơ.

Chị đã viết trong bài thơ “cô gái mù và ly cà phê trắng”[1] tâm tình sâu lắng như sau:

“Ly cà phê trước mặt,
ngụm đắng nhuộm cuộc đời?
Cuộc đời trắng hay đen, thành công hay thất bại?
Hãy hỏi lòng mình chọn trắng hay đen.”

Chị đã phải đấu tranh rất nghiệt ngã trước số phận khi đôi mắt của chị trở nên mù lòa lúc tuổi đời còn rất trẻ, tuổi ô mai nhí nhảnh.  Bao nhiêu ước mơ chân chất thơ ngây giờ đây đổ ập xuống ngay trước cuộc đời đầy thơ mộng.  Bao nhiêu dằn vặt chán chường tê tái khổ đau khi phải sống trong cảnh tối tăm, trong cay đắng tủi hờn….

Thế rồi, nhờ vào sự chăm bẵm yêu thương của cha mẹ, của anh chị em và bè bạn, chị cũng phần nào chấp nhận số phận đen bạc.  Cho đến một ngày, chị nhận ra tiếng gọi thâm sâu của lời Chúa Giêsu nói với chị mà người thân của chị đã đọc cho chị nghe.  Lời Chúa đã gieo vào tâm hồn chị một sự bừng sáng với một niềm ủi an bất tận khi chị suy đi nghĩ lại trong lòng Lời Hằng Sống:  Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28)

Sau những lần gẫm suy và cầu nguyện, chị đã bừng sáng lên niềm tin tuyệt diệu như sau này chị ghi lại trong bài thơ “Món quà Thượng Đế”:

“Vừa chập chững bước vào đời
Thượng Đế thương tặng tôi
món đồ chơi Thập Tự.”

Tôi cảm nhận như chị đã sống cùng với niềm vui của người mù bẩm sinh sau khi được “Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù và bảo: “Anh hãy đến hồ Silốac mà rửa” (Silốac có nghĩa là: người được sai phái).  Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì thấy được.” (Ga 9, 6-7).  Quả thật, với tâm tình của một trẻ thơ đơn sơ trong trắng và hèn kém trong thân phận bùn đất của con người, chị được Chúa nhào nặn và tặng ban đôi mắt mù lòa như một món đồ chơi mà chị gọi tên là “món đồ chơi Thập Tự”.

Thế nhưng chưa hết:

“Theo năm tháng, Thập Tự lớn cùng tôi,
có những lúc trổ gai làm trái tim rướm máu,
lúc trơn bóng đẫm mồ hôi, tôi tần tảo.
Khi tôi ngã,
Cây Thập Tự vững vàng như giá đỡ,
tôi bám lấy cùng niềm tin trỗi dậy.”

Chính những lúc như thế, tôi liên tưởng đến những cay đắng mà người mù từ thuở nhỏ đã phải gánh chịu trước những áp bức của nhóm Pharisêu:  Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi họ trục xuất anh.” (Ga 9, 34)

Và đây cũng chính là nỗi niềm mà Vũ Thủy đã thầm thì với Nàng Thơ:

“Khi bật khóc,
Thập Tự âm thầm lau nước mắt cho tôi,
và tôi thấy trái tim thơ trẻ lại.”

Nhưng qua sự nâng đỡ của nhiều người, nhất là thầy Phong, phụ trách Mái Ấm Thiên Ân, dậy cho chị chữ nổi (chữ braille) và vi tính cùng nhiều những bàn tay chia sẻ khác, nên chị đã gửi gấm tâm sự trong thơ:

 “Cả bầu trời trước mặt,
đôi mắt con không thấy ánh mặt trời.
Nhưng với con, cuộc đời đầy nắng ấm,
Bởi quanh con, đã có những bàn tay
Trao cả con tim, xiết chặt tình người.
Đôi chân con bước đi vững chãi,
Bởi có những bàn chân đi mở lối tâm hồn
Gieo hy vọng cho người mù tăm tối.
Ly cà phê cho con ngọt ngào hơi sữa,
Bởi nó như cuộc sống đầy bao dung,
Đã cho con ngọt bùi trong cay đắng.”

Và rồi chị đã khẳng định với một niềm xác tín không còn lay chuyển:

“Cuộc đời trắng hay đen?
Riêng cô gái mù thấy ly cà phê trắng,
Bởi dòng sữa yêu người, đời đã ban cho.
Cô gái tay hướng về Thượng Đế:
“Xin cảm ơn Người, Người mãi bên con!”

Một lần nữa, khi nghe vang lên những lời bộc bạch sâu xa và thấm đậm yêu thương này của Vũ Thủy, tôi vô cùng xúc động vì chị đã viết lên niềm tín thác tuyệt vời vào Đức Giêsu như anh mù trong Tin Mừng hôm nay đã thưa với Người rằng:

““Thưa Ngài, tôi tin”.  Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.” (Ga 9, 38)

Hiện nay, thay vì than khóc hết ngày rồi lại đêm, oán trách số phận hẩm hiu cô quạnh, chị đã vươn lên trong sức mạnh Thập Tự bằng cách quên mình để phục vụ cho những người đau khổ khác tức “sấp mình xuống trước mặt Người”, bởi chính những người này là hiện thân của Đức Kitô vậy.  Chị đã sống thâm sâu lời mặc khải của Đức Giêsu đã nói với anh mù cũng như với tất cả hậu thế:

“Tôi đến thế gian này,
chính là để xét xử:
cho người không thấy được thấy
và kẻ xem thấy lại nên đui mù.” (Ga 9, 39)

Quả thật, có biết bao nhiêu người nhìn và chứng kiến những mảnh đời bất hạnh khác, nhưng đã quay mặt đi với họ.   Còn chị Thủy đã không thấy tận mắt những người đau khổ kia, nhưng chị đã được Chúa ban cho một trái tim nồng nàn yêu thương trong sức mạnh Tình Yêu Thập Tự của Người.

Khi tôi đựơc gặp gỡ nghe chị bộc bạch sẻ chia, chị đã giúp tôi thêm sức mạnh để biết mở lòng ra với tha nhân đang sống trong cảnh tối tăm của thể xác bệnh hoạn, của tâm hồn đen tối trong lầm lạc sa ngã.  Và tôi đã thấu hiểu trái tim của Chúa Giêsu khi Thần Khí Lời Ngài đang trào dâng trong tâm hồn và trái tim tôi là đừng bao giờ trở nên “kẻ xem thấy lại nên đui mù”.

Mà hãy nhìn xem Vũ Thủy tích cực sống như thế nào để không còn trở nên đui mù một lần nữa:

“Khi tìm đến với những người trong đơn lẻ,
với Thập Tự bẻ đôi, tôi chia sẻ
hạnh phúc có, buồn đau cũng có,
và nỗi cô đơn cũng chẳng còn.”  (Món quà Thượng Đế)

Tôi xin mượn câu cuối cùng của chị Vũ Thủy, nhà thơ khiếm thị, trong bài thơ “Cô gái mù và ly cà phê trắng”, mà dâng lên Chúa với tất cả tâm tình :

Xin cám ơn Người, Người mãi bên con.” Amen.

Phêrô Vũ văn Quí CVK64

Email: peterquivu@gmail.com

[1] Xin xem và nghe thơ của chính Vũ Thủy đọc nơi địa chỉ sau dây:

http://daminhvn.com/thuvien/dongdaminh/congtacxahoi/ctxh-dminh/video_clip.htm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *