KHÚC NHẠC THIÊN THẦN

Hồi còn nhỏ, khi nơi nơi vang lên những bài hát Giáng Sinh, nhất là bài “Tiếng Hát Thiên Thần”, tôi lại thắc mắc không biết các thiên thần đàn hát tuyệt vời đến cỡ nào.  Cái đầu óc non nớt của tôi cứ thầm ước mong sao cho mình được nghe các âm thanh huyền diệu đó.  Và ước mơ trẻ con này vẫn âm thầm theo tôi qua năm tháng, cho tới một ngày nọ, khi đã bước vào tuổi thanh niên, tôi bất ngờ được nghe tận tai một “khúc nhạc thiên thần” tấu lên ngay bên cạnh mình.  Câu chuyện là như thế này :

Hồi đó tôi đang trọ học tại đường Nguyễn Thông, gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn. Trong những tháng ngày loạn lạc chiến tranh, tôi tự nhiên “ngoan đạo” hẳn ra: những lúc lo lắng hay buồn chán, tôi thường đến cầu nguyện tại hang đá Đức Mẹ. Đứng dưới chân Mẹ, tôi tìm được nơi nương tựa và nguồn an ủi cho linh hồn “lang bạt kỳ hồ” của mình.  Dần dà, hang đá Đức Mẹ trở thành nơi “hẹn hò” của Mẹ và tôi.  Tôi đâm “ghiền” đến đó để nhìn lên Mẹ, như một đứa con lãng bạt sau những giờ phút lang thang tạt về nhà để nhìn người mẹ hiền hậu dịu dàng của mình.

Hôm đó, tôi đang khoái chí ngắm nhìn Mẹ tôi, thì bỗng đâu có một người bước tới gần bên tôi. Đó là một người đàn ông trung niên, vai mang túi hành khất, tay cầm đàn măng-đô-lin.  Nghĩ rằng người hành khất này đến để xin bố thí, tôi thọc tay vào túi định lấy tiền để giúp ông.  Nhưng thật bất ngờ, người hành khất không chìa tay ra phía tôi mà lại ngước nhìn lên Mẹ, tay nâng đàn lên, ông say sưa gảy một khúc nhạc mà tôi nghe rất réo rắt.  Ông đăm đăm nhìn lên Mẹ, khuôn mặt ông sáng lên một cách lạ lùng.  Trọn cả con người lẫn khúc nhạc của ông như quyện chặt vào nhau bay về phía Mẹ.  Dường như đối với ông thời gian và không gian đang chựng lại. Không còn gì có thể làm ông chia trí được nữa.  Ông như không còn thấy gì, không còn nghe gì từ bên ngoài nữa.  Tôi thấy ông đang thật sự xuất thần: cơn xuất thần của một nghệ sĩ đang dâng lên trời tiếng đàn mà cũng là tiếng lòng của linh hồn mình.  Phút giây đó, tôi chắc chắn mình đã nghe được “khúc nhạc thiên thần” mà tôi vẫn thường mơ ước từ khi còn là chú bé tẻo teo: với tôi, khúc nhạc của người hành khất này trong veo và thiêng liêng thánh thiện quá, chắc chắn nó sẽ bay vọt thẳng về trời và hoà nhập với muôn ngàn khúc nhạc mà các thiên thần đang không ngừng tấu lên để ca tụng Thiên Chúa trên thiên quốc.  Trời ơi, khúc nhạc gì mà lạ lùng quá đỗi !

Cũng trong giây phút tuyệt vời đó, tôi cảm nghiệm được rất rõ một điều: người hành khất cao cả này đang góp phần “rửa tội” cho nền âm nhạc của nhân loại, một nền âm nhạc vốn tinh tuyền lành thánh, nhưng lắm lúc đã bị những con người phàm trần tội lỗi làm vẩn đục băng hoại đi. Thay vì dùng âm nhạc để dẫn đưa nhân loại vươn lên đến Chân, Thiện, Mỹ; thì một số nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công… đã dùng âm nhạc để lôi kéo con người xa rời nhân tính và rơi vào hố sa đọa! Âm nhạc thay vì xây dựng và nuôi sống thì lại phá đổ và làm cho chết đi.  Vì thế, âm nhạc cũng cần được “cứu độ” !

Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu độ và ban lại cho con người hình ảnh nguyên tuyền trong thuở đầu tạo dựng.  Sau khi đã cứu độ con người, Ngài lại ban cho con người khả năng tiếp tay với Ngài trong công cuộc cứu độ thế giới.  Nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, người Ki-tô hữu được thông dự vào việc “canh tân bộ mặt trái đất” với tất cả các thực tại trần thế của nó.  Do đó, người Ki-tô hữu có khả năng và có sứ mạng “thánh hóa” âm nhạc, làm cho âm nhạc trở thành đôi cánh nâng con người bay lên thiên quốc, nơi mà “các thiên thần đàn ca chúc tụng Thiên Chúa ngày đêm không ngớt”.

Ôi, người hành khất tuyệt vời mà tôi may mắn được gặp trong đời.  Xin hết lòng tri ân khúc nhạc thiên thần ông đã tấu lên ngày hôm ấy.  Nhờ ông, tôi đã được hưởng nếm một chút xíu niềm hân hoan của trời cao.  Niềm hân hoan mà nếu tôi trung thành với ơn gọi Ki-tô hữu của mình đến cùng thì chắc chắn ngày sau tôi sẽ được cùng ông chung hưởng đến muôn đời.

Xin kính tặng ông – một người mà chắc tôi sẽ không bao giờ được gặp lại trong cuộc sống này – bài thơ đã được cưu mang trong tiếng đàn kỳ diệu của ông ngày hôm ấy, thay cho lời cám ơn mà tôi đã không nói được thành lời :

GIAO DUYÊN
“Chốc ấy Ngôi thứ Hai đã xuống thế làm người
và ở cùng chúng tôi”
(Kinh Truyền Tin)

Bao giờ nhạc là thơ ?
Trăng gác núi trông chờ.
Mây bay đời phiêu dạt.
Gió buồn ru hững hờ.
Bỗng dưng gió ngẩn ngơ
Xui trăng vàng thảng thốt
Gom mây kết lời thơ
Thành bài ca thánh thót.
Bây giờ nhạc là thơ
Trăng thôi hết trông chờ
Cho gió về mở hội
Mây xe kết mộng mơ!

Trầm Tĩnh Nguyện

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *