HỐI CẢI

Cậu bé miền quê, không phá phách xóm làng, không gây lộn đánh nhau chửi tục như các đứa bạn cùng thời.  Cậu hiền lành ngây thơ nghịch ngợm, ham chơi quẩn quanh trong nhà nên có thể nói đồng nghĩa với ngô ngố nữa.  Cậu chỉ có việc đi học và trông em bé, vì là con trai nên việc bế em, ru em ngủ là một việc gò bó nặng nề mệt nhọc chán ngắt và là cực hình nữa, đối với tuổi của cậu.  Tiếng võng kẽo kẹt và những tiếng ru em ầu ơ, con kiến mày kiện củ khoai, thằng bờm, thằng cuội… nhai đi nhai lại chán phèo, và rồi có hôm ru đi ru lại mãi đến mỏi mồm mà cu tí cũng chưa ngủ cho, bực mình.  Mỗi ngày phải gò bó ôm em cho ngủ cả tiếng đồng hồ hoặc hơn làm cho cậu càng ngày càng cảm thấy chán nản, gò bó, tê tay tê chân vẹo cả sườn.  Nhiều lần vì cu ti ngủ mê đái dầm nên cậu đã phải lãnh đủ cả bãi nước đái của nó, ướt hết cả quần, nước nóng chẩy đến đâu cậu biết đến đấy, thế mà cậu cứ phải nằm im không dám cựa quậy sợ cu tí tỉnh giấc khóc đòi mẹ thì cả nhà chỉ có nước nhịn cơm, không còn ai nấu nướng ngoài mẹ.  Có ngày ham chơi, ham nghịch đến cỡ cậu thấy không cần ăn nữa nên cậu chọc em, lay lắc nó cho nó khóc ré lên để cậu khỏi bế, khỏi ru và những lần như thế thì cậu cũng bị mắng mỏ hay những trận đòn cả thể.  Một thời gian dài chịu đựng bồng bế ẵm ru chán nản như thế, thằng cu tí bị bệnh nặng, bố mẹ tìm thầy chạy thuốc, thêm cảnh nhà nghèo nữa, nên cu tí đã nhắm mắt lìa đời.  Cậu thấy mẹ khóc, người bà con họ hàng khóc, và lòng cậu cũng từ đó bắt đầu thấy một nỗi xót thương nào đó, một niềm hối hận nho nhỏ len vào hồn cậu, cậu thẫn thờ thơ thẩn, cậu nghỉ học, cậu cảm thấy tay chân mình dư thừa, thõng dài, từ nay không phải bế ôm cái gì nữa, hụt hẫng làm sao ấy.  Thâm tâm cậu thầm trách cậu vì cậu mà cu tí chết.  Ngày đưa cu tí ra nghĩa địa, bố mẹ cậu không đi, một mình cậu lặng lẽ lững thững đầu trần chân đất đi theo quan tài cu tí, cách nhà khoảng một cây số, cậu không khóc nhưng trong lòng cậu cảm thấy có cái gì đó mất mát và hối tiếc.  Khi người ta vùi lấp cu tí xong cũng một mình cậu lặng lẽ lững thững trở về giữa trưa nắng, với bầu khí ảm đạm của gia đình mà chẳng ai trách mắng cậu cả.

Rồi những ngày tháng nguôi ngoai và quên dần đi….

Cho đến khi mẹ cậu lại sinh cho cậu thằng cu tí khác.  Như một chuyện buồn đã chôn vùi sâu kín trong đời mà cậu cũng chẳng nhận thức rõ rệt, để rồi cậu đã dồn hết tình thương yêu cho thằng cu tí này.  Cậu là mẹ thứ hai của nó, cậu bồng bế ẵm ru ngày này qua ngày khác mà không biết mệt và những bài ầu ơ thằng bờm, thằng cuội, con kiến… càng ru nó càng ngọt lịm làm sao.  Cậu như có sức mạnh vô hình để chịu đựng được tất cả, những lúc tê tay tê chân vẹo sườn, bao nhiêu tình thương cậu đổ dồn cả cho nó, đi học về đến nhà quăng cặp sách là cậu bế nó ngay, cậu xi cu tí ị, tắm rửa cho nó… và nó theo cậu hơn theo mẹ.  Cậu chẳng nghĩ gì đến mình nên có tiền là mua bánh cho nó, ai cho gì cậu cũng nhường cho nó hết, cậu đã bế nó đi chơi khắp nơi, nhà này sang nhà kia, có khi leo cả lên núi.  Nó như một bảo vật quí giá mà cậu bảo vệ săn sóc hết mình, không buông rời tay.  Hơn một năm thì mẹ cậu sinh cái hĩm, vì thế thằng cu tí càng không rời cậu nửa bước, cậu bế em đi chợ, dư tiền mua bánh cho em ăn, cả chợ người ta rì rầm về cậu mà cậu không biết, sau này lớn lên cậu mới được nghe kể lại.  Các bà hàng thịt, hàng cá, hàng rau quen biết với bố mẹ cậu, và thấy cậu như thế nên chẳng ai gian lận, chẳng ai bán đồ ươn đồ thối cho cậu.  Cũng nhờ thế mà từ đó cậu đã biết thổi cơm, nấu canh, nấu riêu, kho thịt, kho đậu…

Rồi giai đoạn sau đó thế nào cậu không nhớ nữa…

Tôi được nghe câu chuyện cậu kể lại quãng tuổi đời thơ ấu của cậu, và cậu đã cho đó như một cú sốc trong đời đáng ghi nhớ, như một cái dấu ấn không thể nhạt phai được.  Tôi đã nhận thấy nơi cậu một cuộc hoán cải, một sự sám hối lớn.  Sự đền bù bao giờ đi tới hành động tích cực, tự nguyện chứ không ngồi đó xót xa,  buồn bã cuộc đời.  Có thời gian, có cơ hội để làm lại, cậu đã mất em nhưng cậu được tấm lòng, cậu được con người của cậu hôm nay.  Và qua đó cậu mới hiểu tình thương là thế nào.

Chính tình thương đã làm cho cậu có một cuộc sám hối tự nguyện, chữa lành vết thương bằng việc cụ thể, can đảm lãnh trách nhiệm dù có những cam go, dù hy sinh cả chính bản thân mình.  Nhờ tình thương mà cậu có nghị lực để làm lại, để đền bù.  Cậu đã không tự gò ép, không gồng mình, hoặc làm trong dáng vẻ cực nhọc bầm dập.

Một cuộc hoán cải, một cuộc trở về với Chúa cũng giống tâm tình của cậu như thế đấy.  Con người sẽ tích cực và tự nguyện làm lại cuộc đời, bởi khi mà đứng trước một Tình Thương Yêu âu yếm nồng nàn bao la thì con người chỉ còn biết vui mừng khiêm nhường và sám hối : “Lậy Chúa, xin thương con vì con là kẻ tội lỗi”.

Thánh I-nhã đã nói lên : “Kể từ nay tôi sẽ đổi đời và làm gấp đôi”.

Bài giảng của Phêrô vừa chấm dứt, người ta đã xôn xao: Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các tông đồ khác : “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?” (Cv 2,37). Đó cũng là bài học xẩy ra trên đường Đamát, ông phaolô đã hỏi : Lậy Chúa, con phải làm gì ?”  (Cv 22,10).

Ông Phaolô : “Vì tôi là người mạt nhất trong các tông đồ, và cũng không đáng gọi là tông đồ nữa, bởi tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa.  Hiện tôi có là gì, là bởi Thiên Chúa, vì ơn người xuống cho tôi đã không ra hư luống ; trái lại tôi đã tận lực lao công hơn họ hết thẩy, song hẳn không phải là tôi, nhưng là ơn Thiên Chúa với tôi”  (1 Cor 15,9-10)

Mong Manh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *