CHÚA NHẬT HỒNG

Và con tim đã vui trở lại.  Tình yêu đến cho tôi ngày mai.  Tình yêu chiếu ánh sáng vào đời. Tôi hy vọng được ơn cứu rỗi.  Và con tim đã vui trở lại.  Và niềm tin đã dâng về Người.  Trọn tâm hồn, nguyện yêu mãi riêng Người mà thôi… Dẫu như tôi phải đi qua vực sâu tối, tôi vẫn không sợ hãi gì.  Vì Người gần bên tôi mãi…

Lời ca trong bài hát của nhạc sĩ Đức Huy “Và Con Tim đã Vui Trở Lại” diễn tả tâm tình của phụng vụ Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, còn gọi là Chúa Nhật Hồng.  Biểu tượng của mùa Vọng là mầu tím, mầu của mong nhớ đợi chờ.  Nhưng hôm nay ngọn nến hồng được thắp lên.  Có cái gì đó tươi sáng ấm áp trong không khí lạnh lẽo của những ngày lập đông.

Chỉ cần lưu tâm một chút, ta sẽ nhận ra ngay cái lý do chính trong niềm vui biểu lộ hôm nay.  Đó chính là vì Tình Yêu đang đến.  Con Thiên Chúa đang lặng lẽ viếng thăm dân Ngài như lời Gioan Tiền Hô mách bảo: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Lc 3, 16).  Theo lời Kinh Thánh, Đấng Cứu Thế đến để chiếu ánh sáng vào đời.  Ngài đến để đem lại cho thế giới niềm hy vọng cứu rỗi.

Thế nhưng sống trong thế giới hôm nay với bao nhiêu bất ổn bấp bênh, có đôi lúc chúng ta tự hỏi: Từ hồi Chúa Giêsu xuống thế đến nay đã trên hai ngàn năm rồi, mà có thấy thay đổi gì đâu?  Vẫn còn chiến tranh xung đột, nghèo đói bệnh tật, hà hiếp bóc lột, đổ vỡ ly tán.  Phải chăng những gì Kinh Thánh nhắc đến không phải là hiện thực?

Một người vô thần tranh luận với một Kitô hữu về niềm tin tôn giáo.  Người vô thần cho rằng tôn giáo chỉ là thuốc phiện, nhằm ru ngủ con người khỏi những bất công và đau khổ của cuộc sống.  Anh ta bảo:  “Tôn giáo có ích lợi gì đâu?  Đạo Kitô của anh đã có mặt cả hai ngàn năm rồi mà có cải thiện được gì đâu?”  Người Kitô hữu trả lời: “Đúng vậy!  Nhưng xà bông cũng đã được phát minh cả ngàn năm rồi, mà có thấy con người sạch sẽ hơn đâu!”

Vấn đề căn bản ở đây không phải là có hay không có niềm tin tôn giáo, nhưng là có thực hành niềm tin ấy, hay không.  Có xà bông mà không dùng, thì thân thể đầu tóc vẫn bẩn thỉu.  Có đức tin mà không có việc làm, thì cũng chỉ là đức tin chết.  Chúa Giêsu đã xuống thế làm người để chỉ cho ta một con đường chân thiện mỹ dẫn đến bình an và hoà giải, vui mừng và hy vọng.  Nhưng nếu ta không thực hành con đường ấy thì làm sao thế giới này đạt được hoà bình an lạc.

Thánh Gioan Tiền Hô nổi tiếng là người nói thẳng nói thật.  Khi làm phép rửa tại sông Giođan, Gioan đã không ngại ngùng bảo những người tìm đến với ông phải thay đổi cuộc sống.  Ông tuyên bố thẳng thừng: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây; bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” (Lc 3,9).  Dìm mình vào dòng nước Giođan là phải chấp nhận một lối sống mới.  Quyết tâm thay đổi cuộc sống cần phải đi đôi với việc làm.  Nếu không thì hành động sám hối chỉ là một nghi thức xuông.

Mặc dù Gioan nói những lời tương đối khó nghe, nhưng dân chúng vẫn ào ào tuôn đến.  Họ khao khát chân lý, và những gì ông nói đã đánh động lòng họ.  Trong lòng mỗi người  đều thao thức “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10).  Và Gioan đã cho họ những câu trả lời rất thực tế: Hãy sống theo lương tâm.  Hãy thực thi công bằng và bác ái.  Hãy làm đúng theo bổn phận của mình.

Ông Gioan kêu gọi dân chúng chia sẻ cuộc sống của họ với những người kém may mắn hơn.  Khi cho đi một cái áo, một tấm bánh là tập lối sống quảng đại, là bớt thu vén cho chính mình.  Ông không buộc người thu thuế bỏ nghề hay binh lính xuất ngũ, nhưng kêu gọi họ sống theo lương tâm, thực thi công bằng xã hội.  Khi người thu thuế không tham nhũng bóc lột, khi binh lính không hà hiếp chiếm đoạt, thì cuộc sống của dân chúng bớt lầm than hơn. Và đó là dấu chỉ của vui mừng và hy vọng.

Chẳng còn bao lâu nữa là chúng ta lại mừng lễ Giáng Sinh.  Nếu lễ Giáng Sinh đối với người Kitô là một ngày lễ mang tính cách tôn giáo chứ không chỉ là một lễ hội dân gian, thì chúng ta cần phải để ý nhiều hơn về chiều kích tâm linh, chứ không chỉ là những chuẩn bị bên ngoài.  Nếu chúng ta dành nhiều thì giờ cho việc mua sắm, trang hoàng, tập văn nghệ, thánh ca, nhạc kịch mà không dành giờ chuẩn bị tâm hồn, thay đổi nếp sống thì phỏng có ích gì?

Mùa Vọng mời gọi ta sống đạo năng động, ra sức đẩy lùi mọi biểu hiện tiêu cực, tầm thường, máy móc, vụ lợi, duy hình thức.  Chính trong chiều kích tích cực đó mà tôi cần ý thức rằng: Trong Mùa Vọng này, mỗi lời kinh tôi đọc, mỗi thánh lễ tôi tham dự phải là một đối thoại chân thành thực sự với Thiên Chúa.  Mỗi việc tôi làm, mỗi lời tôi nói phải là một biểu lộ thực sự của tình yêu, lòng khoan dung, vô vị lợi và quảng đại.  Mỗi công tác phục vụ, mỗi việc từ thiện bác ái, không còn là chuyện lăng xê bề ngoài làm để lấy tiếng, nhưng chính là nghĩa cử của tinh thần trách nhiệm, phục vụ và yêu thương.

Có như thế, con tim mới thật sự vui trở lại.  Và Mùa Vọng sẽ thật có ý nghĩa biết bao!

Antôn Phaolô, SJ
(BĐ1: Xp 3,14-18a; BĐ2: Pl 4,4-7; PÂ: Lc 3,10-18)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *