KHÓC

“Làm người có miệng có môi,
khi buồn thì khóc, khi vui lại cười” (ca dao)

Cười và khóc là chuyện bình thường của kiếp nhân sinh.  Người không cười không khóc là có vấn đề.  Hoặc người ta cười thì mình khóc, hay người ta khóc mình lại cười mới là người bất thường.

Chúa Giêsu nói: “Tôi phải ví thế hệ này với ai?  Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.  Ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo ông ta bị quỷ ám.  Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11, 16-19).

Thánh Phaolô tông đồ nói: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).

Cười có bao nhiêu kiểu thì khóc cũng có bấy nhiêu loạiKhóc sướt mướt, khóc nghẹn ngào, khóc da diết, khóc tấm tức, khóc nức nở, khóc nỉ non, khóc tức tưởi, khóc than, khóc thầm, khóc hận, khóc ai oán, khóc xụt xùi, khóc thút thít, khóc lớn tiếng, khóc gầm, khóc gào, khóc…

Nhưng dù khóc kiểu nào cũng luôn xoay quanh hai đối tượng: Khóc cho người khác và khóc vì người khác, rồi khóc cho chính mình và vì chính mình.

Khóc cho người khác và vì người khác

Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Chúa Giêsu đã thương khóc thành sẽ bị phá hủy vì không đón nhận Tin mừng của Ngài.  “Sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề.  Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào đè trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,41).

Dân chúng đấm ngực và thương khóc khi thấy Chúa Giêsu vác thánh giá.  Chúa Giêsu nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi, hãy khóc cho thân phận mình và cho con cháu” (Lc 23,27-28).

Khi được tin Lazarô đã qua đời, Chúa Giêsu đến thăm viếng, an ủi hai chị em Macta và Maria:  “Khi thấy cô Maria khóc và những người Do thái đi với cô cùng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến… Ngài liền khóc” (Ga 11, 33-35).

Khóc cho chính mình và vì chính mình

Thánh Luca thuật lại: “Có một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.  Chị đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người.   Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên”(Lc7,37-38).

Thánh Matthêu, Maccô và Luca, cả ba đều nói về nhân vật Phêrô, người đã khóc lóc thảm thiết vì đã chối Chúa, đúng như lời Thầy Giêsu nói: “Gà chưa gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”.  Ông khóc lóc thảm thiết” (Mt 26.75 ; Mc 14,72 ; Lc 22,62).  Theo một truyền thống xa xưa, thánh Phêrô đã lánh vào một cái hang gần đấy mà khóc; ngày nay mới có nhà thờ gọi là Gà gáy (Galicanto).

Khóc cho đức tin của người tín hữu

Giáo hội là mẹ đã sinh ra các tín hữu trong ân sủng.  Và thời gian lữ hành của mỗi người là thời kỳ thai nghén, thời gian chờ đợi được sinh ra.  Là tín hữu, ai cũng biết chết là ngày sinh lại, được về với Chúa. Nhờ cuộc ra đi này mà ta trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa” (Phip 3, 10).

Khi Chúa thương gọi tôi về, thì tôi hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi vang lời ca hát.  Ngàn dân tung hô tôi thật vĩnh phúc!

Khi tham dự ta hát thật to, nhưng sự việc xảy đến lại không thấy biểu lộ niềm vui ấy trong đức tin.  Nào là  vô cùng thương tiếc báo tin, vô cùng đau đớn, vô cùng mất mát, vô cùng đau lòng, vô cùng đau xót, vô cùng đau buồn… Cái vô cùng ấy không thể hiện được niềm tin cậy vào Chúa.  Ngài không được đặt làm nền để bù đắp những trống vắng vì mất người thân.  Thế hân hoan ở đâu?  Vĩnh phúc ở đâu?  Có cha mẹ nào lại nói là tôi rất đau buồn báo tin: con tôi từ xa về thăm gia đình.  Có khi nào con cái lại thông báo là vô cùng chua xót vì sắp về thăm bố mẹ và người thân.  Về với Chúa là cha là mẹ sao nói như vậy.  Xem ra phải hát là khi Chúa thương gọi AI về thì tôi hân hoan mới đúng…

Biểu lộ đức tin như thế chưa phải là cách sống đạo lý tưởng và trưởng thành.  Càng không phù hợp với tinh thần người con luôn tín thác vào Cha quan phòng.  Mà còn ngược lại ý định Thiên Chúa, ngược lại với giáo lý của Ngài và giáo huấn của Giáo hội.  Đành rằng chia ly người thân yêu dễ làm ta bị tổn thương vì lưu luyến, thương nhớ.

Khóc nào có giá trị cho con người

Người ta khóc mà mình không thật ngại quá.  Người ta khóc thì mình cũng cố sụt sùi, ít là rặn ho rồi nấc, và nếu cần thiết cũng cố gào lên vài tiếng.  Khóc đôi khi còn để che đậy một sự bất hiếu hay một tội ác nào đó.  Hoặc để đánh lạc hướng, xoá đi dư luận về đời sống của mình.  Nếu khóc chỉ để mà khóc, chỉ vì thể diện thì ích chi.  Khóc không giúp ta kiểm điểm, hối cải, không giúp ta hoàn thiện và thăng tiến đời sống thì có lợi gì đâu. Vậy ta:

Hãy khóc vì những tội lỗi đã phạm đến Chúa.
Hãy khóc vì những lỡ lầm gây ra cho nhau.
Hãy khóc vì những chai lỳ, cố chấp và kiêu căng.
Hãy khóc vì những khô khan ươn lười của thân xác.
Hãy khóc vì những gương xấu đã làm cho nguời thân.
Hãy khóc vì những cớ vấp phạm cho người non yếu về đức tin, về kiến thức.
Hãy khóc vì những đam mê dục vọng bất chính gây ra chia rẽ, đổ vỡ.
Hãy khóc vì trái tim xơ cứng trước cảnh bi đát đau thương của đồng loại.
Hãy khóc vì những cơ hội bị bỏ qua khi ta có thể nắm lấy.
Hãy khóc vì những điều tốt lành có thể làm được mà ta lại không.
Hãy khóc vì những lý tưởng cao đẹp mà không cố gắng thực hiện.
Hãy khóc vì những ơn lành Chúa ban lại không sử dụng, sinh lợi.
Hãy khóc vì những hạnh phúc đáng lẽ ta được hưởng thì lại để cho quỷ dữ lấy mất.
Hãy khóc vì những bình an Chúa tặng lại để cho hận thù chiếm chỗ.
Hãy khóc thật nhiều để cảm thông và thương xót, để biến đổi và hoàn thiện như Phêrô, như người phụ nữ ngoại tình, như tên trộm lành…
Hãy khóc thật nhiều để tẩy rửa con người cũ bằng bí tích hoà giải.  Trong đức tin, ta được tắm gội trong ân sủng và mặc lấy con người mới theo hình ảnh Chúa Giêsu.
Hãy khóc đi khóc đi khóc đi….

Chúa Giêsu là người bình thường, vì trái tim rung động, cảm mến và xót thương khiến Ngài rơi lệ. Ngài bộc lộ rất chân thành và đơn sơ chứ không giả vờ.  Ngài hội nhập và đón nhận vào cuộc sống trần gian một cách tự nhiên, và thể hiện bằng trái tim xương thịt của con người.

Hãy sống và biểu lộ tình cảm, lòng vị tha và thương yêu chân thành phát xuất từ trái tim.  Ta sẽ thấy Chúa Giêsu là gương mẫu của một con người bình thường biết vui cùng người vui và khóc cùng kẻ sầu đau.

Thái độ của người có đức tin

Luôn tin vào lời xin của Chúa Giêsu:  “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,24).

Luôn tin vào lời hứa của Chúa Giêsu: “Ngay hôm nay, người sẽ ở trên Thiên đàng với Ta” (Lc 23,43).

Luôn tin tưởng vào Chúa Giêsu, vì Ngài là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ngài thì dù đã chết cũng sẽ được sống. (Ga 11,25).

Luôn tin tưởng rằng một khi “con người cũ nơi chúng ta bị đóng đinh vào thập giá với Chúa Giêsu, thì tội lỗi bị huỷ diệt, ta không còn làm nô lệ cho tội nữa” (Rm 6,6-7).

Luôn tin tưởng khi vượt qua cái chết, ta sẽ gặp được “trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã qua đi, không còn sự chết nữa…” (Kh 21, 1).

Luôn tin tưởng khi vượt qua cái chết thì mọi khổ đau, bất công sẽ không còn và “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, không còn tang tóc nữa” (Kh 1,4).

Luôn tin tưởng rằng “nếu chúng ta đã cùng chết với Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.  Thật vậy, một khi Chúa Kitô sống lại từ cõi chết thì không bao giờ Ngài chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người.  Nay Người sống là sống cho Thiên Chúa” (Rm 6,8-10).

Luôn tin tưởng là “tất cả chúng ta sẽ được biến đổi.  Quả vậy, cái thân hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt, vì gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối mà trỗi dẫy thì mạnh mẽ, bất tử…” (1Cr 15,42-43.51-52).

Luôn tin tưởng “Sống là sống cho Chúa, chết là chết cho Chúa.  Vậy sống hay chết chúng ta đều thuộc về Chúa” (Rm 14,8).

Thanh Thanh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *