MỤC TỬ HAY CHĂN THUÊ?

Bạn thân mến,

Thông thường mỗi khi nghe nói về người chăn chiên, chúng ta hay liên tưởng đến hình ảnh thường được các nghệ sĩ diễn tả qua tranh ảnh hoặc thi ca.  Và thường đó là một hình ảnh khá thơ mộng: người mục tử vác một con chiên nhỏ trên vai.  Trong thực tế, chẳng ai làm chuyện đó, bởi vì chiên là một thứ súc vật hôi hám bẩn thỉu, mang nhiều mầm bệnh.  Chăn chiên là một công việc vất vả, dầm sương dãi nắng.  Một thứ nghề thấp kém dành cho những người không có tay nghề cao.

Khác với chăn trâu chăn bò ở nước ta, chăn chiên là công việc dành cho người lớn, chứ không phải trẻ con.  Chăn trâu chăn bò thật ra chỉ là giữ trâu bò cho khỏi phá lúa của người khác.  Trâu bò tự tìm cỏ mà ăn, tìm nước mà uống.  Tối đến chỉ cần dẫn chúng về chuồng là xong việc.  Ngược lại, người chăn chiên là người sống đời du mục, lang thang từ vùng đất này sang vùng đất nọ.  Ngày cũng như đêm, người chăn chiên luôn gắn bó với đàn chiên của mình.  Ngày đến, anh ta phải lo tìm cỏ tìm nước cho đàn súc vật của mình.  Đêm về, người chăn lùa chiên vào một cái hang ở vách đá nào đó — hoặc nếu đang ở giữa đồng hoang thì lấy đá quây thành một vòng rào, lùa chiên vào bên trong — rồi nằm chận ngang cửa mà ngủ.  Nghề chăn chiên trong xã hội Do Thái cũng tương đương với nghề chăn vịt ở miền quê Việt Nam.

Chăn dắt là nghề bạc bẽo, một thứ nghề làm thuê chẳng mấy ai quan tâm.  Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại tự ví mình là “mục tử nhân lành,” mà không phải là “thầy giáo nhân lành” hay “thợ mộc nhân lành,” hay “ngư phủ nhân lành”?  Chúa Giêsu chưa một ngày làm nghề chăn chiên, sao ngài lại ví mình như thế?  Hơn thế nữa, Ngài còn ví mình là một mục tử sẵn sàng bỏ mạng vì đàn chiên.  Ở thời đại của Ngài, chẳng có ai làm như thế!  Phải chăng Chúa Giêsu đang nói chuyện ngược đời?

Điều này chỉ có thể hiểu được nếu đàn chiên là gia sản của người mục tử, đàn chiên là những gì người đó trân quý và gắn bó.  Sự khác biệt của người mục tử mà Chúa Giêsu nói đến, và kẻ làm thuê chính là điều này: đàn chiên thuộc về anh ta (x. Ga 10:12).  Vì chính là gia sản của mình nên người mục tử ra sức bảo vệ và gìn giữ, không để thất lạc dù chỉ một con.

Chúng ta thường cầu nguyện: “Chúa là gia nghiệp đời con.”  Nhưng trong bài tin mừng hôm nay, chúng ta được nghe Chúa Giêsu xác quyết: “Các con là gia nghiệp của ta!  Ta sẵn sàng hy sinh mạng sống vì các con.”  Đây là tin mừng cao cả!  Có thể đối với thế gian, chúng ta chỉ là những con cừu đần độn, nhưng trong ánh mắt của Chúa Giêsu, chúng ta có giá trị vô cùng.

Mối liên hệ giữa đàn chiên và mục tử thân mật thắm thiết đến nỗi Chúa Giêsu đã ví mối liên hệ này như tương quan của Ngài và Chúa Cha: “Ta biết chiên của ta và các chiên ta biết ta, như Chúa Cha biết ta và ta biết Chúa Cha” (Ga 10:14b-15a).  Chúa Giêsu cho thấy Ngài biết rõ và quan tâm đến từng người một, từng con chiên một, kể cả những con chiên không thuộc về đàn này (Ga 10:16).

Là người Kitô, chúng ta thuộc về một đàn chiên duy nhất, do một mục tử duy nhất là Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh chăn dắt.  Vậy ta còn sợ gì? Ta còn e ngại gì mà không dám phó thác đời mình vào trong tay vị thủ lãnh, vị Chủ Chăn vĩnh cửu đó?  Giữa muôn vàn tiếng gọi của dòng đời, ta có nghe chăng tiếng gọi của vị mục tử nhân lành đang thầm thì mời gọi ta theo Ngài?  Chúng ta được biết mình thuộc về ai. Theo thánh Gioan, “chúng ta thực sự là con Thiên Chúa.” (1Ga 3:1b)

************************************

Bạn thân mến,

Chúng ta đang sống trong thời đại mà đôi khi các giá trị bị đảo lộn, ngay cả trong đời sống tôn giáo.  Vậy đâu là những giá trị chân thực của người mục tử?  Đâu là những tiếng nói chân chính mà mình nên nghe theo?  Trong nguyện cầu, chúng ta tập lắng nghe tiếng Chúa thì thầm: hãy tôn trọng sự sống, tôn trọng sự thật, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi sinh, thăng tiến công bằng xã hội.  Đó là sứ điệp mà Chúa Kitô Phục Sinh vẫn tiếp tục nói qua Hội Thánh.  Nếu chúng ta cố gắng sống theo những giá trị đó là chúng ta đang đi theo vị Mục Tử Nhân Lành.  Còn nếu không, thì hãy xem lại, kẻo đi lầm theo kẻ chăn thuê.

Sống cho những giá trị này không dễ dàng, đôi lúc chúng ta phải trả một giá đắt cho niềm xác tín của mình.  Như thánh Gioan nói: “Thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không nhận biết Thiên Chúa” (1Ga 3:1b).  Sống các giá trị của tin mừng là đi con đường hẹp – con đường chẳng mấy ai đi.  Đường hẹp nhưng dẫn đến sự sống đời đời, hay đường thênh thang mà bị hư mất, chúng ta chọn đường nào?

Nhưng chúng ta không chỉ sống và chọn những giá trị đó cho riêng cá nhân mình.  Tôn trọng sự sống, tôn trọng sự thật, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi sinh, thăng tiến công bằng xã hội, là gia sản chung của nhân loại.  Người kitô cần tích cực quảng bá những giá trị đó cho thế giới chúng ta đang sống.  Nói một cách khác, chúng ta cũng cần trở thành những người phụ tá cho Chúa Kitô vị Mục Tử Tối Cao, để đưa những con chiên khác về đàn chiên của Ngài.  Năm xưa Chúa Kitô Phục Sinh bảo các tông đồ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20:21).  Hôm nay, Ngài vẫn tiếp tục sai chúng ta vào giữa lòng thế giới để gióng lên tiếng nói của lương tâm và sự thật.

Trong giáo hội hoàn vũ cũng như ở giáo hội địa phương, không thiếu những gương sáng của các vị chủ chăn nghiêm túc, nhưng cũng không thiếu những gương mù gương xấu của những kẻ chăn thuê.  Có nhiều chủ chăn hành xử như kẻ làm thuê, chỉ lo tích cóp cho mình mà chẳng đoái hoài gì đến quyền lợi của đàn chiên.  Ngược lại, cũng có rất nhiều vị chủ chăn can đảm, ý thức trách nhiệm của mình được trao phó, sẵn sàng đồng lao cộng khổ với đàn chiên của mình.  Những vị chủ chăn đó biết rằng: “quan nhất thời, dân vạn đại.” Họ không tìm lợi lộc trước mắt, nhưng quan tâm đến an sinh phúc lợi lâu dài cho mọi người.  Những chủ chăn này can đảm chống lại sói dữ, sẵn sàng thí mạng để đổi lại đàn chiên của mình được hưởng tự do công lý, an cư lạc nghiệp.  Họ đang sống tin mừng cách triệt để, sống trọn vẹn cái nghịch lý “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

Hôm nay, Chúa Kitô mời gọi chúng ta trở thành mục tử cùng cộng tác với Ngài.  Lời mời đó không chỉ dành cho hàng giáo sĩ hoặc các bề trên dòng tu như vẫn thường hiểu, nhưng dành cho tất cả những ai có trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ người khác.  Đó là các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô, giáo lý viên, huynh trưởng, v.v.  Những người này mang trọng trách chủ chăn, chịu trách nhiệm với Chúa Kitô vị Mục Tử tối cao.  Họ có bổn phận phải hướng dẫn và dạy dỗ con cháu, học trò, đàn em, tiếp thu nếp sống và giá trị của tin mừng.

Để làm được điều đó, chúng ta cần cầu nguyện và hỗ trợ cho nhau, để các bậc làm cha mẹ, các nhà giáo dục đạo cũng như đời, trở thành những mục tử chân chính, biết nhận trách nhiệm chăn dắt một cách nghiêm túc.  Ước gì họ không chạy trốn những thách đố đang đe doạ đời sống gia đình và xã hội. Thí dụ như, luyến ái bừa bãi, phá thai, ngoại tình, gian dối, lừa đảo, tham ô, bạo hành, v.v.  Ước gì họ không nản lòng, không buông xuôi bỏ cuộc vì cảm thấy mình bất lực, nhưng can đảm đương đầu với chúng trong niềm tín thác vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng giải thoát mọi sự.

Nguyện xin vị Mục Tử Nhân Lành chúc lành cho tất cả chúng ta, hầu chúng ta có thể trở thành những mục tử tốt lành theo gương Ngài.  Amen

Anton Phaolo, S.J

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *