CÂU CHUYỆN BÀ HÀNG XÓM (II)

Muốn đi được bước thứ hai này thì phải đạt được phần suy tư và cầu nguyện của Câu Chuyện Bà Hàng Xóm I.  Bước thứ hai, là TẠI SAO bà già hàng xóm nói một lời sốc xược, gây hấn như vậy.  Bước thứ nhất là nhìn vào chính mình, còn bước thứ hai này là nhìn ra ngoài từ lăng kính tâm hồn bình an.  Tâm hồn chưa bình an thì khó có thể nhìn được bằng lăng kính này vì đây là lăng kính tâm hồn.

Anh Tư vừa xây xong cái nhà vừa to, vừa đẹp, ai đi qua cũng trầm trồ khen nức nở nên anh thích thú lắm.  Anh Tư đang chờ cuối tuần cha xứ đến làm phép nhà.  Chưa kịp làm lễ tân gia thì nhà anh Bảy bên cạnh có tang.  Cha anh Bảy bị xe tải tông chết, anh Bảy đem xác cha về nhà để làm tang lễ.  Anh Tư cũng đi qua tham dự đọc kinh cầu nguyện chia buồn cùng tang quyến, đọc xong thì ra ngồi uống trà hàn huyên.  Anh Bảy nhìn cái nhà của anh Tư thì buột miệng nói: “Cái nhà của anh Tư vừa sang lại vừa đẹp, chỉ tội một cái là cái cửa chính nhỏ quá quan tài chắc qua không lọt!” Anh Tư nghe bực không?  Có muốn gây không?  Nếu anh Tư mà gây thì quả anh Tư không biết điều, vì không lẽ cái xác của cha anh Bảy còn nằm chình ình giữa nhà như thế đó mà anh đòi gây chuyện à.  Khi anh Tư nghe anh Bảy nói như vậy thì lẽ thường sẽ bỏ qua thôi, vì “tang gia bối rối,” anh Tư thông cảm với anh Bảy vì tâm hồn anh Bảy đang bấn loạn, bất an nên nói “hớ,” chứ như bình thường thì không được đâu nghe.

Anh Tư bỏ qua chuyện vì hiểu và thông cảm với nỗi buồn của anh Bảy, biết anh Bảy đang bất an, nên thay vì gây hấn, ăn miến trả miếng, thì anh Tư thầm cầu nguyện cho anh Bảy được bình an trong Chúa trở lại.  Cũng vậy, nhìn lại câu chuyện bà hàng xóm, khi bà hàng xóm nói một câu đầy đố kị và gây hấn thì tôi nhận biết rằng, tại vì bà hàng xóm đang lòng động lòng lo, tâm hồn đang xao xuyến vì một chuyện nào đó (có thể liên quan hoặc chẳng có liên quan gì đến tôi), nên tâm hồn bà mất bình an, mà mất bình an thì cũng đồng nghiã là thiếu vắng sự hiện diện của Chúa trong bà trong giây phút đó.

Thế giới của tâm hồn và tâm linh chỉ có hai vùng: Ánh Sáng và Bóng Tối như Thánh Gioan diễn đạt ở ngay chương đầu của Tin Mừng của ngài.  Khi bà hàng xóm nói một lời thiếu bác ái hay chỉ trích, có một cử chỉ gây hấn, có một hành động thù nghịch phá rối, thì tôi nhận biết rằng giây phút đó bà hàng xóm đã từ chối Ánh Sáng và Sự Sống để chấp nhận ngụp lặn làm nô lệ cho Bóng Tối.  Tôi không cần biết bà hàng xóm theo đạo gì, có nhận biết Thiên Chúa hay không, thì bà vẫn là con cái của Thiên Chúa và là Anh Chị Em của tôi.  Giây phút bà từ chối Ánh Sáng thì Cha tôi đau khổ và tôi muốn cầu nguyện cho bà được ơn trở lại.

Nhưng nếu nghe câu nói sốc xược của bà hàng xóm tôi đã nổi trận lôi đình thì tôi chẳng học xong bài một, và tôi cũng không thể giúp cầu nguyện cho bà trong bước thứ hai này.  Nếu tôi muốn cầu nguyện cho bà thì đầu tiên tôi phải học và hành bước thứ nhất, để tôi có thể có bình an trong Chúa và bình tâm nhìn ra ngoài bằng đôi mắt của tâm hồn, đôi mắt của thần khí, đôi mắt của Thiên Chúa.  Đôi mắt mà chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nhìn và nói với một nữ tu trong tu viện không ưa chị Thánh và hay muốn tránh mặt: “Chúa Giêsu của em muốn nói chuyện với Chúa Giêsu của chị” (     ). Thay vì lo vận trí động não để tranh luận thắng thua vì một câu nói thoáng qua như cơn gió thoảng, nếu tâm hồn tôi không bị dao động nhiều, vẫn bình an trong Chúa, thì tôi mới có thể nhìn được bằng ánh mắt của tâm hồn, đôi mắt của Chúa, để thấy được tâm hồn của bà hàng xóm.  Còn tôi muốn dùng trí não của tôi, ánh mắt khoa học của tôi để có thể thấy được tâm hồn của bà hàng xóm thì chắc là khó lắm đấy.

Tôi muốn gợi một vài suy tư trong bước thứ hai này để chúng ta cùng cầu nguyện:

  1. Đâu là những chướng ngại vật cản trở tôi nhìn bằng đôi mắt tâm hồn, đôi mắt của Thiên Chúa?
  2. Cái gì giúp tôi trau dồi và phát huy đôi mắt của tâm hồn, của Thần Khí, đôi mắt mà Chúa Giêsu đã nhìn, đôi mắt thấy được Thiên Chúa?

**********************************

Chúa ơi, chúng con thường nhìn bằng đôi mắt thể xác, đôi mắt khoa học, với một đống lý lẽ xem ra có vẻ thuyết phục lắm, và chúng con thường quên lãng đôi mắt tâm hồn mà Chúa ban cho chúng con, chúng con không biết bây giờ đôi mắt tâm hồn của chúng con có còn thấy rõ không, còn thấy được không hay đui mất tiêu rồi.  Đôi mắt thể xác của chúng con hơi mờ một chút là chúng con năng nỗ nào đi rửa mắt, xịt thuốc, đi khám, mang kính, v.v…  xin giúp mỗi người chúng con cũng biết quan tâm đến đôi mắt tâm hồn của chúng con hơn để bắt đầu tập nhìn bằng ánh mắt bên trong tâm hồn. Amen.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
April 10, 2009

P.S: Còn tiếp phần ba.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *