LỜI CỦA CHIẾC DÂY THỪNG

zzTôi thắt cổ Giuđa.  Tôi nghe rõ tiếng khò khè nơi cuống họng nhân vật này.

Nhớ lại đi, ngày Ðức Kitô vào đền thờ Jêrusalem, tôi cũng là chiếc dây thừng.

Ngài lấy giây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ. Tôi nghe rõ những gì xảy ra ở đền thờ ngày hôm đó. Chuyện không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Mọi người cứ nghĩ như thế là xong, cứ nghĩ Ðức Kitô ra khỏi đền thờ là xong.  Ai là người buôn bán trong đền thờ?  Còn ai nữa, nếu không được phép của các thầy tư tế.  Ai lọt được vào đền thờ, nếu không có thế lực bảo chứng?  Còn chỗ nào kiếm tiền tốt nhất trong những ngày đại lễ, nếu không là đền thờ?

Tiền bạc là thế lực âm thầm mà cuồn cuộn như dòng sông.  Tôi là chiếc dây thừng trong ngày đó.  Tôi nghe rõ những gì xảy ra:

–  Nhóm tư tế ít thế lực ghen tức với nhóm thày cả có đông tín đồ.

–  Nhóm tư tế quyên tiền gây quỹ được ít, nói xấu nhóm đổi tiền.

–  Các tiền tiêu ngoài chợ phải đổi thành tiền riêng mới được bỏ vào hòm thánh.  Vì thế, nhóm đổi tiền cho công việc của mình mới là chính đáng.

–  Nhóm bán chiên cừu tố cáo nhóm đổi tiền là giả hình.

–  Nhóm tư tế phục vụ bàn thánh bất mãn vì đền thánh chỉ là đền thánh, gây chiến với nhóm chủ trương phải kinh tài.

–  Nhóm nào cũng cho mình mới là đáng tin, họ cạnh tranh nhau.

–  Nhóm tín đồ từ vùng Galilê chủ trương vai trò ngôn sứ là công bố Lời Thánh, tư tế phải trở về bục giảng.  Tín đồ chống đối tư tế.

Giữa lúc xôi đậu như thế Ðức Kitô xuất hiện.

Ngài chẳng thuộc nhóm nào.

Vì không thuộc nhóm nào nên càng dễ chết.

*******************************

Tôi là chiếc dây thừng.

Tôi nghe nhiều bí mật của cuộc đời.  Tôi theo những người nghèo không có tiền.  Họ dắt con bê từ mấy mùa mưa nắng, cắt cỏ chăn nuôi.  Họ vất vả kiếm nước cho nó uống dọc đường dài.  Nắng sa mạc hiếm cỏ.  Những của lễ như thế, quý lắm.  Tôi là chiếc dây thừng, tôi biết rõ lắm về lòng chân thành.  Họ nuôi chúng cả năm trời.

Tôi cũng là chiếc dây thừng người ta vừa mua tôi về cột vào con bê bệnh.  Rất nhiều con vật bệnh hoạn, họ mua về tắm rửa, đem vào đền thờ bán vội cho những người lười không muốn vất vả dắt chiên theo đường dài.  Nhiều kẻ hành hương mua lầm của lễ.  Họ dâng hiến Giavê những chiên cừu bệnh hoạn.  Trong đền thờ ngày đó, đủ thứ của lễ, trong sạch có, què quặt có, lười biếng có, thánh thiện có.

Tôi là chiếc dây thừng, tôi biết rõ về của lễ.  Những ai múc nước, đem cỏ, dắt của lễ theo thì biết rõ của lễ của mình trong sạch.  Còn những người đến đền thờ mới mua, ôi, nhiều của lễ quá bệnh hoạn.  Làm thân dây thừng, tôi khám phá nhiều chân lý về cuộc đời và của lễ.  Tôi thấy rất nhiều của lễ được bao bọc bằng lòng lười biếng.  Những của lễ trong sạch bao giờ cũng phải trả một giá về sự thanh tẩy, lòng cố gắng và nhiệt thành.

*******************************

Không phải Ðức Kitô vào đền thờ đơn giản đâu.  Ngài cũng thấy quyết định này có thể đưa Ngài đến cái chết.  Quả thật, sau này, cái chết của Ngài đã chứng minh điều đó.  Cái chiều nắng quái kinh hồn đó, lũ người này có mặt trên đường Núi Sọ.  Làm sao mà họ không reo mừng, nhớ lại cái ngày bị đuổi khỏi đền thờ, mất chỗ làm ăn.

–  Thưa Thầy, chuyện Thầy tính làm nguy hiểm quá.

Phêrô, người môn đệ thân cận lại can ngăn Thầy mình như mọi khi.

–  Thưa Thầy, con đã thăm dò tình hình. Có cả một ủy ban gây quỹ.  Bao nhiêu năm nay, truyền thống này như lời kinh rồi.

Những ngọn ô liu không gió, đứng im lặng, không thản nhiên vô tư, nhưng chúng cũng không biết phải phản ứng thế nào.  Thỉnh thoảng dăm ba chiếc lá già lìa đời.  Một chút xào xạc bước chân con chồn nhỏ chạy qua.  Ðức Kitô nhìn người môn đệ thân cận.  Không trả lời.  Trong tâm tư Ðức Kitô cũng biết, đó là sự thật.  Người môn đệ này thương mình.  Ðã qua mấy đêm rồi, Thầy trò nói với nhau về đền thờ.

Ðức Kitô hỏi người môn đệ:

–  Bây giờ phải làm sao?

Người môn đệ ấy trả lời:

–  Thưa Thầy, cứ kệ họ.

Ðức Kitô nói tiếp:

–  Nhưng đây là đền thờ.

Người môn đệ đáp trả:

–  Mình cứ lên đền thờ tế lễ theo luật là đủ rồi.

Ðức Kitô không nói gì thêm, nhìn bầu trời đêm không ánh sao.  Những tàng ôliu không gió phẳng lì như những tấm chiếu dán trên khung trời.  Phêrô tựa lưng, ngả đầu vào thân già của cây ôliu đã gẫy, cũng thinh lặng.

Tôi là chiếc dây thừng trong ngày kinh hoàng đó.  Lúc Ðức Kitô cầm tôi quật xuống chiếc bàn của thầy tư tế đang đổi tiền, không ai ngờ, họ hét lên.  Toàn thể kinh hoàng.  Họ không thể ngờ, có người điên mới dám hành động như vậy.  Nhưng điên làm sao được, họ biết rõ người này là ai.  Họ không tin sự việc có thể xảy ra.  Nơi này, người ta đã được phép buôn bán từ xa xưa rồi.  Ai là người dám thay đổi cục diện.  Nhưng Ðức Kitô nói: “Ðừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.” Khi Người lật nhào bàn ghế, đổ tung hòm tiền thì người ta biết đây không phải chuyện nói cho qua.

Các kẻ thuê đất, các hội trưởng nhốn nháo chạy báo tin cho các thầy thượng phẩm.  Không phải họ xách bàn chạy dễ dàng đâu.  Tôi là chiếc dây thừng.  Tôi bị bọn họ chặt tôi đứt nhiều khúc.  Thân tôi bị giật xé cũng đau đớn tan tác.

–  Giết nó đi.  Ðóng đinh nó đi.

Tiếng kèn báo động như tù và rú trên tháp canh. Ðám đông xúm lại hét to:

–  Ai cho ông có quyền làm như thế?

Họ không dám đến gần Ðức Kitô. Tôi là chiếc dây thừng trong tay Ngài.  Họ nhìn tôi chằm chằm.

*******************************

Làm thân dây thừng, tôi ở trong tay Chúa, cũng như thắt cổ Giuđa.  Tôi dắt những con chiên trong sạch từ vườn nhà, vượt qua đồi, qua suối lên đền thờ.  Tôi cũng bị người ta mua vội thắt vào cổ con bê bệnh hoạn bán cho nhau làm của lễ.  Họ lấy của lễ lừa dối nhau, họ lầm lẫn về của dâng cúng. Tôi nghe những tay lưu manh đứng rình mò trong đền thờ.  Tôi nghe bày thú tranh nhau ăn, cắn nhau đổ máu dính lên người tôi.  Chúng là tiếng sủa thương đau của nhiều loài thú khác nhau.  Những vết máu dính lên người tôi cũng chẳng khác gì những vết thương mà con người mang trong hồn do chính họ tạo nên bởi đam mê tội lụy.  Nơi nào có súc vật mà không có mùi hôi.  Vậy mà tôi thấy những con buôn ngồi thản nhiên hít thở hàng ngày.  Tôi thấy không biết bao nhiêu ý nghĩ về con đường lên đền thờ.

Khi thầy tư tế bán của lễ thì thiên thần đứng khóc.

Khi tín đồ mua của lễ thì quỷ dữ đứng cười.

Khi linh hồn không được thanh tẩy thì của lễ là lười biếng.

Khi của lễ thành buôn bán thì tình nghĩa anh em, bạn hữu chỉ là tính toán.

Khi tâm hồn không siêu thoát thì của lễ thành cạnh tranh.

Khi của lễ là đơn vị kinh tế thì lòng thật thà thành rình mò.

Khi lười biếng che đậy thì của lễ thành trình diễn.

Làm thân dây thừng tôi mới hiểu hơn về con đường tu đức thiêng liêng.  Tôi chỉ kể chuyện đời tôi hai nghìn năm trước.  Hai nghìn năm trước, kể chuyện đời mình cho hai nghìn năm sau.  Thời gian nào cũng có những của lễ, có những chiếc dây thừng.

Chuyện đời tôi hai nghìn năm trước đã qua.  Tháng ngày còn lại, tâm sự tôi đang dang dở.  Hôm nay, tôi cũng vẫn là chiếc dây thừng.  Nhưng Ðức Kitô không có mặt ở đây, nên tôi không rõ có gì đang xảy ra ở đền thờ không.

Nguyễn Tầm Thường, sj – Trích tập suy niệm ÐƯỜNG ÐI MỘT MÌNH

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *