BÊN DÒNG SÔNG NHỎ

Khi Minh Sư trở nên già yếu, bệnh tật, các đệ tử van xin ngài đừng sớm lìa xa cõi trần. Minh Sư bảo: “Giả như thầy không rời xa các con, làm sao các con thấy được?

Các đệ tử hỏi: “Chúng con không thấy được cái gì khi thầy còn ở với chúng con?

Nhưng Minh Sư không nói lời nào.

Khi ngài sắp lìa trần, các đệ tử lại hỏi: “Chúng con sẽ thấy được gì khi thầy đã ra đi?”

Với một cái chớp mắt, Minh Sư trả lời: “Tất cả những gì thầy đã làm là ngồi bên bờ sông và phân phát nước sông. Sau khi thầy ra đi, chắc chắn các con sẽ nhìn thấy giòng sông.

(Anthony de Mello, trích trong “One Minute Wisdom”)

***

Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến một dòng sông.  Đó là sông nhỏ mang tên là Giođan, chính tại nơi đây, Ba Ngôi Thiên Chúa đã hiện diện trong cùng một lúc, nơi đây Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu đã hòa đồng với con người, đã đứng chung với con người tội lỗi để chờ lãnh nhận phép rửa từ tay Gioan. Nơi đây Ngôi Ba Thánh Thần Thiên Chúa đã hiện diện như hình chim bồ câu, và cũng nơi đây Thiên Chúa Cha  đã đến để chứng dám cho sứ vụ của Đức Giêsu, để sai Ngài đi vào dòng đời và cũng để xác tín Ngài là con Thiên Chúa bằng tiếng nói vang vọng từ trời cao: “ Ðây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”. (Mc.1:11)

Cũng bên dòng sông Giođan này, Gioan đã đi qua đi lại để dạy dỗ dân chúng, ông đã lên tiếng cảnh báo dân chúng hãy mau mau ăn năn xám hối, ông kêu mời dân chúng đến với ông để nhận lãnh phép rửa, để xưng thú tội và lãnh nhận ơn tha thứ. Nhưng có ai ngờ rằng trong những người đáp trả lời mời gọi của Gioan, trong những người xếp hàng chờ đợi đến phiên mình chịu phép rửa của Gioan lại có Ðức Giêsu: Ngài là  Ðấng thánh thiện cao cả, Ðấng mà Gioan tự nhận không đáng cởi giây giày cho Ngài.

Tại sao Ðức Giêsu lại chịu phép rửa của Gioan? Ngài có phạm tội và cần xưng thú tội hay không?  Ngài có cần sám hối để được ơn tha thứ không? Chúng ta tin Ðức Giêsu là Ðấng thánh, hoàn toàn  không vướng mắc tội lỗi, nên việc Ngài chịu phép rửa của Gioan phải có một ý nghĩa thâm sâu khác.

Bước xuống dòng sông để chịu phép rửa, Ðức Giêsu đã bước xuống chỗ thấp nhất, đã đi đến chỗ khiêm nhường nhất. Vì gìm mình vào dòng sông là khiêm nhường quên mình, là chấp nhận đau khổ, chấp nhận hoá thân để chết đi cho chính mình.

Bước xuống dòng sông để Gioan làm phép rửa , Ðức Giêsu đã hòa mình vào dòng người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Tuy Ngài đến để cứu độ con người tội lỗi, nhưng Ngài không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Ngài đã hạ mình xuống ngang hàng với người tội lỗi, liên đới với họ và trở nên anh em đồng hành với họ.  Không ai nhận ra Ngài. Mọi người đều cho rằng Ngài là một trong những kẻ tội lỗi.

Khi chiêm ngắm Ðức Giêsu xếp hàng chung với tội nhân để chờ nhận phép rửa của Gioan, chúng ta hiểu được thế nào là sự liên đới hoà đồng với người khác.  Ðức Giêsu đứng hòa mình trong đám đông dân chúng.  Con Thiên Chúa làm người đã không ngại dìm mình xuống cùng một dòng nước với người tội lỗi.  Ngài mượn dòng nước sám hối để xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người. Ðấng Cứu Ðộ lại sống và hành động như người cần được cứu độ. Ngài muốn đi xuống tận đáy vực thẳm của chúng ta để nâng chúng ta lên với Ngài. Chỉ tình yêu mới giúp ta hiểu được mầu nhiệm nơi dòng sông Giođan hôm ấy.

Ngày nay trong môi trường chúng ta đang sống, chỗ nào cũng có những người bị bỏ rơi vì thiếu may mắn, vì bị chà đạp hay bị sa ngã.  Liên đới là đứng chung với họ, chia sẻ số phận với họ.  Liên đới cũng là nói thay cho người khác tiếng nói của lẽ phải, của sự thật và công lý.  Cần nhiều khiêm nhường và can đảm để dám sống và chết đi vì liên đới hòa đồng với tha nhân như Ðức Giêsu đã nêu gương.

***

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết chạy đến với Chúa và đến với anh em của con bằng sự liên đới và khiêm nhường, bằng sự sám hối và ăn năn. Amen.

(trích từ R. Veritas)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *