TÌNH YÊU HIỆP NHẤT

Một vị linh mục đang ngồi trong nhà thờ. Một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và lên tiếng phàn nàn : “Thưa cha! Con không chấp nhận điều gì mà con không hiểu, hoặc không thể chứng minh được. Vấn đề “ba Ngôi trong một Chúa” hay bất cứ điều gì tương tự như thế, không ai có thể giảng gỉải cho con một cách minh bạch rõ ràng, nên con không tin”.

Chỉ vào luồng ánh sáng chiếu qua cửa sổ, vị linh mục hỏi: “Bạn tin có mặt trời không?”. Người đàn ông  trả lời: “Dĩ nhiên có chứ”.  Linh mục nói tiếp: “Ánh sáng bạn thấy qua cửa sổ, là từ mặt trời chiếu tới, sức nóng chúng ta cảm thấy phát xuất từ mặt trời và ánh sáng.” Giải nghĩa về Chúa Ba Ngôi cũng có phần tương tự như vậy:  Mặt trời là Thiên Chúa Cha. Mặt trời chiếu sáng, ánh sáng là Thiên Chúa Con. Từ mặt trời và ánh sáng tỏa ra sức nóng: Từ Chúa Cha và Chúa Con phát xuất Chúa Thánh Thần.

Vị linh mục ân cần lên tiếng hỏi: “Bạn có thể giải thích được mặt trời, ánh sáng và sức nóng không?”.  Người đàn ông cúi đầu và im lặng …

***

Bạn thân mến! Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Ba Ngôi.  Khi nói về Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta chấp nhận rằng:  Đây là một mầu nhiệm, một chân lý. Ta biết đó là sự thật vì đã nhiều lần Chúa Giêsu nói cho ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhất là trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay:  “Mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha là của Con” (Ga.17:10).  “Cha Thầy và Thầy là một” (Ga.10:30). “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga.14:9). “Khi Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều” (Ga.14:26)

Chúa Ba Ngôi như mặt trời trên bầu trời.  Mặt trời là nguồn năng lượng vật lý. Chúa Ba Ngôi là nguồn sống trong ta. Mặt trời chiếu tỏa ánh sáng. Chúa Ba Ngôi soi sáng lòng trí con người. Mặt trời tỏa sức nóng. Chúa Ba Ngôi tuôn đổ sức nóng thiêng liêng, đó là tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người. Chúa Ba Ngôi không phải là bộ ba năng lượng không hồn, nhưng là những ngôi vị sống động, thông biết và yêu thương.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của đời sống yêu thương: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.  Chúa Cha yêu thương Chúa Con, Chúa Con yêu thương Chúa Cha và mối tương quan tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần.

Trong Ba Ngôi, mỗi ngôi hoàn toàn là tặng phẩm hiến dâng cho nhau, hoàn toàn tương quan với nhau, hoàn toàn yêu thương nhau. Vì thế, Thiên Chúa là một nhưng lại là ba; là ba nhưng lại là một.

Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao xa, tuyệt vời, vì đó là chính mầu nhiệm của đời sống tình yêu . Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng là mầu nhiệm thiết thân nhất với chúng ta, vì đó là chính sự sống Thiên Chúa ban cho chúng ta. Thiên Chúa đã ban cho ta Con của Ngài để Con Ngài đưa ta vào trong cung lòng Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần.  Chính Chúa Thánh Thần là tình yêu luôn nối kết Chúa Cha với Chúa Con, bây giờ lại đến nối kết ta với Chúa Con và Chúa Cha. Vì vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là Thiên Chúa xa cách ngự nơi cao thẳm trên trời, nhưng Ngài đang ngự trong ta và đang hoạt động trong ta. Chúng ta sẽ là hình ảnh sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta sẽ là những Đền Thờ sống động của Ba Ngôi Thiên Chúa.

***

Mỗi khi làm dấu Thánh Giá và đọc “Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, là ta tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Ước chi chúng ta sẽ không đọc một cách vô ý thức nữa, nhưng đọc với lòng cung kính mến yêu vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

Và mỗi lần ta đọc kinh Tin Kính, là ta tuyên xưng lòng tin của ta vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin cho con được trở nên giống Chúa mồi ngày mỗi hơn. Amen.

Tổng hợp từ  “Niềm Vui Chia Sẻ”
(BĐ1: Prv 8:22-31 – BĐ2: Rom 5:1-5 –  PÂ:Gioan 16:12-15)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *