ĐỜI THÔI HẾT LẬN ĐẬN

Trong tập thơ Mảnh Trăng Non, có lần thi hào Tagore đặt trên môi một người mẹ lời yêu cầu ngỏ với con mình:

“Nầy con, họ la lối, tranh giành, hoài nghi và tuyệt vọng,
họ cãi cọ không bao giờ thôi.
Hãy để đời con đến với họ như ngọn đuốc sáng,
bền vững tinh khôi, khiến họ say mê đến im lời.
Con ơi, hãy bước tới giữa những tấm lòng quạu cọ,
đoái nhìn họ với đôi mắt hiền từ,
như cái an bình bao dung của buổi chiều phủ trên một ngày tranh chấp.
Hỡi con, hãy để họ thấy mặt con như thấy ý nghĩa của muôn loài,
hãy để họ yêu con, và như thế, họ sẽ thương yêu nhau”.

***

Quý Anh Chị cùng các bạn trẻ thân mến,

Đọc lại những vần thơ trên, chúng ta liên tưởng đến những lời tương tự của một bà mẹ khác ngỏ với con mình qua trình thuật Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Đó là lời của Đức Maria ngỏ với Giêsu, khi cả hai cùng là khách mời của một tiệc cưới tại làng Cana. Hai người khách này hẳn đã chứng kiến cảnh rối bời của cô dâu chú rể cũng như đã cảm thông cái thấp thỏm lắng lo của nhà trai lẫn nhà gái khi họ biết rằng, tiệc chưa tàn – rượu đã hết.

Hết rượu là một bất trắc, bất trắc có thể đưa đến bất đồng.
Bất đồng dễ đưa đến bất hòa, bất hòa hẳn đưa đến bất hạnh.

Sợ rằng nhà tiệc có thể bất hạnh, Đức Maria đã tinh tế nhỏ to cùng con, “Họ hết rượu rồi”; và với những người ở đó, “Ngài bảo gì thì hãy làm theo!”. May thay, Đức Giêsu có đó; may hơn nữa, họ đã làm theo. Phép lạ xảy ra. Sự hiện diện của Đức Giêsu hôm ấy không chỉ tăng thêm niềm vui nhưng còn để giải cứu, một sự hiện diện cấp thiết và đúng lúc.

Với Đức Giêsu, phép lạ đã xảy ra, nước hoá thành rượu, nỗi buồn tan bay, toàn nhà tiệc hỷ hoan.

Qua Con Thiên Chúa, mầu nhiệm được thực hiện, rượu hoá thành máu, bánh biến nên thịt, niềm vui dâng cao, cả nhân loại no đầy.

Quý Anh Chị và các bạn,

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự bất trắc đưa đến bất đồng, gây nên bất hòa và dẫn đến bất hạnh. Nhưng liệu mỗi người chúng ta có khó chịu khi được ví như những nhân vật bài thơ muốn ám chỉ, nghĩa là những con người có lẽ cũng đang lận đận, cãi cọ, la lối, tranh giành, hoài nghi và tuyệt vọng? Phải chăng chúng ta cũng là những con người vốn đang cần sự hiện diện của Đức Giêsu hơn bao giờ hết nhất là trong những ngày cuối năm khi bên ngoài thì lao xao, bên trong lại rạo rực… khi ngồi ngẫm nghĩ lại từng biến cố, từng sự việc một năm qua… bao hồng ân, bao tiếc xót; khi ngẫm nghĩ đến cái tương quan của mỗi người với Chúa, tương quan với gia đình, với anh chị em hay ngay cả với chính bản thân mình?

Giữa trăm bề thiếu thốn bất trắc, không chỉ thiếu rượu, chúng ta còn thiếu cả tình. Không chỉ thiếu tình chúng ta còn thiếu cả tâm. Không chỉ thiếu tâm chúng ta còn thiếu cả hồn… và bao nhiêu thiếu hụt khác, thiếu hiếu biết, thiếu cảm thông, thiếu tha thứ, thiếu quảng đại…

Chúng ta cũng cãi cọ chẳng bao giờ thôi và dường như không ít lần đối xử với nhau mà tâm hồn thật quạu cọ. Vì nhà chật, đường chật, túi chật mà lòng cũng chật; nếu quả như thế, chúng ta là những con người bất hạnh đáng thương hơn cả việc hết rượu mà hai họ nhà tiệc Cana phải trải qua.

Vậy thì hơn ai hết, hơn bao giờ hết, chúng ta cũng cần có sự hiện diện của Đức Maria và con của ngài thường xuyên hơn. Giêsu đó cũng đang bước tới nhìn chúng ta với đôi mắt hiền từ để đời mỗi người thôi hết lận đận, vì chỉ có Ngài “như ngọn đuốc sáng” và Lời của Ngài “bền vững tinh khôi” mới có thể khiến chúng ta “say mê đến im lời”. Im lời có nghĩa là tịnh khẩu. Nhưng tịnh khẩu không có nghĩa là im ắng, chịu đựng… nhưng để đắm chìm trong yêu thương và tha thứ, trong hối hận và ăn năn; tịnh khẩu để ngợi khen và cảm tạ, để nhịn nhục và ôn hòa.

“Hỡi con, hãy để họ thấy mặt con như thấy ý nghĩa của muôn loài,

Hãy để họ yêu con, và như thế họ sẽ thương yêu nhau”.

Vâng, có thấy được Giêsu, con người mới thấy được ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa ơn gọi cao cả của mỗi người.

Có biết được Giêsu, con người mới biết được chính mình, biết được tha nhân với tất cả những gì là đẹp đẽ nhất của hình ảnh Thiên Chúa.

Có được sự hiện diện của Giêsu, con người mới ngộ ra cái phù du tạm bợ của kiếp nhân sinh; ngộ ra cái quê hương thật của mình không ở tại chốn này.

Có gần gũi với Giêsu, con người mới tỉnh giấc trước cái bèo bọt chóng qua của nhan sắc, của tiền tài, của danh vọng; tỉnh giấc trước cái giới hạn èo uột của sức riêng mình.

Có yêu được Giêsu, con người mới có khả năng yêu thương tha nhân, có khả năng vượt qua mọi thiếu thốn, đứng trên mọi tranh chấp, tranh chấp từng danh hiệu, tranh chấp từng lời nói, tranh chấp từng tất đất, tranh chấp từng gang trời.

Tình yêu Ngài như ngọn lửa hồng làm sống lại cái bếp lò lạnh lẽo, vì tất cả cây cối trong rừng sẽ nên vô dụng cho một bếp lò nếu không có một ngọn lửa. Tình yêu Ngài như vò rượu ngon làm say ngất lòng người, niềm vui trọn vẹn; hơn thế nữa, vô tửu bất thành lễ.

Giêsu đó đủ sức giúp chúng ta về lại trong tình yêu. Vì chỉ có tình yêu mới có nội lực giải phóng, coi thường cái tạm thời, gạt bỏ mọi chướng ngại và xô đẩy cái tầm thường.

Chính Đức Giêsu, ngọn lửa yêu thương, Đấng sẽ khơi lên đóm than hồng trong những lúc hết củi, lửa tắt, lạnh lò… đời lận đận. Chính Đức Giêsu, rượu nồng hoan hỷ, Đấng sẽ đem lại niềm vui những khi hết rượu, tiệc tàn, cụt hứng… đời quạu cọ.

Dâng Thánh Lễ hôm nay, để đời thôi hết lận đận, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau hầu mỗi người biết mời cho được hai vị khách quý ấy vào tâm hồn, vào gia đình, vào cộng đoàn mình. Nhờ đó, năm mới sẽ là một năm hy vọng và tin yêu, một năm dư đầy rượu nồng và lửa ấm… nhưng xin đừng quên lời dặn của người mẹ, “Ngài bảo gì thì hãy làm theo!”, Amen.

Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *