TỪ HẬN THÙ ĐẾN THA THỨ

Tháng 9 năm 1940, sau khi ký kết với quân Đức-quốc-xã, Nhật Bản bắt đầu đem quân xâm chiếm toàn vùng Đông Nam Á.  Ngày 15-2-1942, Singapore – cứ điểm quan trọng cuối cùng – rơi vào tay Nhật Bản.  Quân đội đồng minh bị bắt buộc đầu hàng.  Sáng sớm hôm sau, quân Nhật chiến thắng, hiên ngang đi vào thành phố.

Từ đó, Nhật dùng các tù binh của họ – trong đó có trung úy Eric Lomax, thuộc ngành truyền tin quân lực hoàng gia Anh – vào việc xây đường xe lửa dài 400 cây số nối liền hai nước Thái Lan và Miến Điện, tức Myanmar ngày nay.

Bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, một nhóm tù binh nghĩ ra phương thế chế tạo máy thu thanh.  Trung úy Lomax nằm trong số tù binh có nhiệm vụ ráp máy này.  Công việc thành công sau vài tuần tỉ mỉ làm việc.  Các tù binh bắt đầu nhận tin tức phát đi từ New Dehli, thủ đô Ấn Độ.

Cuộc sống tại trại tù quá khổ.  Cái chết luôn rình rập bên cạnh.  Ngoài cái khổ do việc làm quá nặng, ăn không no, ngủ không được, còn thêm cái khổ khủng khiếp do các lính cai tù Nhật mang lại.  Họ hành hạ tù nhân bằng trận đòn chí tử.  Hành hạ đến chết.  Chết thảm thương trước cái nhìn bất lực và khiếp sợ của các bạn đồng tù.  Ý nghĩ trốn trại nẩy sinh từ đó.  Trung úy Lomax tự nhủ:

–  Nếu muốn sống, thì bằng mọi giá phải vẽ bản đồ trong vùng để tìm đường thoát thân.

Tuy nhiên, chàng biết rõ, ngày nào lính Nhật phát giác ra chàng có bản đồ, cũng là ngày tận số.

Và chuyện phải đến đã đến.  Trong cuộc lục soát đồ đạc, lính Nhật khám phá ra máy Radio thô sơ và cái bản đồ.  Trung úy Lomax cùng một số tù binh khác bị chuyển đến trại Kanchanaburi, nằm gần biên giới Thái Lan.  Và những cuộc hành hạ khủng khiếp nhất bắt đầu.

Kể từ giây phút này, hình ảnh một người Nhật bắt đầu đi vào tâm tư trung úy Eric Lomax và ám ảnh suốt cuộc đời còn lại của chàng.  Đó là viên thông dịch Nhật tên Takashi Nagase.

Năm đó Takashi Nagase là sinh viên 25 tuổi, thông thạo tiếng Anh.  Chàng còn là tín hữu Kitô sùng đạo và hết lòng yêu mến quốc gia Nhật Bản.  Thế chiến thứ hai bắt buộc chàng bỏ học, gia nhập quân ngũ, phục vụ trong ngành thông dịch.  Tháng 9 năm 1943, chàng được chỉ định làm việc tại trại Kanchanaburi, nơi trung úy Eric Lomax, thuộc quân đội hoàng gia Anh bị giam giữ.

Một ngày, trung úy Lomax bị mang ra hỏi cung về tội mà Nhật gán cho chàng: Chống lại người Nhật và làm gián điệp.  Lý do dễ hiểu vì chàng cộng tác vào việc chế tạo máy Radio và có tấm bản đồ trong vùng.

Trước mọi câu hỏi, Lomax hoàn toàn giữ im lặng.  Chàng tuyệt đối không tiết lộ chi tiết, danh tánh có thể làm hại bất cứ bạn đồng tù nào khác.

Trong các cuộc hỏi cung cũng như trong những lần bị tra tấn vì từ chối không trả lời, trung úy Lomax luôn luôn đối diện chàng thông dịch Nagase.  Vì thấy Lomax bị hành hung quá sức chịu đựng, Nagase khuyên chàng chấp nhận lời buộc tội.  Lomax chỉ đưa đôi mắt nẩy lửa nhìn chàng thanh niên Nhật, đang đứng trước mặt chàng.  Đối với Lomax, chàng thông dịch thấp-lùn tượng trưng cho tất cả tội ác của toàn dân Nhật.  Nagase đi vào ký ức và ám ảnh Lomax suốt cuộc đời còn lại.

Cuộc hỏi cung và tra tấn kéo dài cả tuần lễ.  Lomax gần như sắp chết.  Nguồn lực duy nhất giúp chàng can đảm đối phó với cuộc hành hung là lời cầu nguyện và tình yêu gia đình.  Trong giây phút đau đớn nhất, Lomax nhớ đến mẹ cha và vị hôn thê bé nhỏ của mình.  Nhất là, chàng cầu nguyện.  Chàng cảm thấy ghi ơn thân mẫu vì dạy chàng biết cầu nguyện cùng Thiên Chúa, ngay từ khi còn là cậu bé hồn nhiên vui sống.

Tháng 10 năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt.  Eric Lomax được trả tự do và trở lại Anh quốc. Chàng lập gia đình và sống cuộc đời bình thường.  Nhưng tâm hồn Lomax bị vết thương chiến tranh hằn sâu.  Chàng không thể nào quên gương mặt viên thông dịch nhỏ bé người Nhật tên Nagase.  Chàng tự hứa với lòng:

– Ngày nào gặp lại Nagase, ta sẽ ăn tươi nuốt sống cho hả cơn hận thù, luôn nung nấu trong lòng ta!

Trong khi đó, chàng thông dịch Nhật vô cùng ân hận vì thụ động cộng tác vào vụ hành hung dã man tàn ác!  Chàng bị mặc cảm tội lỗi dày vò.  Hình ảnh viên trung úy trẻ người Anh bị hành hung đau đớn cứ bám sát chàng.  Chàng khẩn cầu Thiên Chúa cho có ngày gặp lại trung úy Eric Lomax để xin tha thứ!

Thiên Chúa Quan Phòng thu xếp cho hai người có cơ hội gặp nhau, để giải tỏa mối thù hận cũng như niềm ray rứt canh cánh bên lòng.

Ngày 21-3-1993 – đúng 50 năm sau – Eric Lomax cùng với hiền thê lấy máy bay đi Bangkok.  Sau đó vợ chồng đến viếng trại tù Kanchanaburi, giờ trở thành bảo tàng viện chiến tranh.  Bất ngờ tại đây, ông Lomax chạm trán với người đàn ông Nhật cao tuổi.  Sau giây phút ngỡ ngàng, cả hai nhận ra nhau tức khắc!

Sau nhiền lần gặp gỡ giải tỏa nỗi lòng, ông Lomax thành thật tha thứ cho người từng thụ động chứng kiến cuộc hành hung mình.  Cả hai như trút được gánh nặng ngàn cân từng đè nặng trên vai mỗi người!

Từ đây hai người sống trong an bình, niềm an bình sâu xa đến từ thú nhận lầm lỗi và tha thứ cho kẻ thù.  Ông Eric Lomax cảm nghiệm thế nào là quyền lực vô biên của tha thứ.

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *