PHÊRÔ LỖI PHẠM

Thảm kịch Phêrô vấp ngã được Phúc Âm tường thuật lại như sau:

Hát thánh vịnh xong, Ðức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu.  Ðức Giêsu nói với các ông:

– Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn và chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi chỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em.

Ông Phêrô liền thưa:

– Dẫu tất cả có vấp ngã đi nữa, con nhất định là không.

Ðức Giêsu nói với ông:

– Thầy bảo thật anh: Hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy ba lần.

Nhưng ông Phêrô lại quả quyết:

– Dẫu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mc 14:26-31).

Ðoạn Kinh Thánh trên đưa thời điểm đau thương của Ðức Kitô vào cuộc đời các tông đồ.  Biến cố ấy sắp xảy đến.  Thực sự sẽ như thế nào, các môn đệ không thể hình dung được.  Họ chỉ thấy bàn bạc một bầu khí u buồn, hoang mang và căng thẳng.  Cứ mỗi lúc thời gian ngắn dần, thái độ của Chúa làm các ông thêm biến sắc.  Chúa đã nói đến những lời trăn trối.  Thầy đã rửa chân vĩnh biệt học trò.  Kẻ dạy dỗ đã căn dặn môn sinh ở lại yêu thương nhau.  Chúa sắp ra đi.  Linh hồn các môn đệ có thể đang dấy lên những thao thức băn khoăn.  Thầy sẽ chết sao?  Ai phản bội Thầy?  Tương lai chúng ta đi về đâu?  Bao nhiêu ngày theo Thầy bây giờ như thế sao?  Rồi đây nhóm chúng ta còn không?  Tất cả vấp ngã nghĩa là gì, tôi cũng vấp ngã à?  Vấp ngã ra sao?

Trong cái căng thẳng ấy, mọi người im lặng hoang mang.  Người lên tiếng trong đám đông này, tối đó, là Phêrô.

Nhìn Phêrô trong đoạn Kinh Thánh trên đây, ta thấy ông khẳng khái một quyết định dứt khoát là ông biết rõ ông hơn ai hết.  Ông hiểu khả năng của ông.  Ông biết ý chí ông.  Ông làm chủ tình hình. Ông đã nói không là không.  Chúa đừng quan tâm.  Phiên dịch một cách khác, ta có thể hình dung được tiếng nói của Phêrô với Chúa:

– Không chuyện gì phải lo.  Có tôi đây, Thầy biết tôi mà!

Qua hành động Phêrô, ta có thể nói bằng ngôn ngữ thế tục, Phêrô đã “vô lễ” khi dám đưa tất cả mọi người ra so sánh.  Ông khẳng khái là không vấp ngã, cũng quá đủ rồi.  Ðó là zzchuyện của ông.  Nhưng ông bảo cho dù “tất cả” vấp ngã, tôi cũng không.  Làm sao ông dám hạ thấp mọi người xuống để so sánh với chính mình như vậy?

Sau khi ông so sánh mọi người xong, Ðức Kitô không nói với “các ông” nữa mà nói riêng với ông. Lối hành văn của Máccô chỗ này rất là ý nghĩa trong lối dùng chữ chính xác từng chi tiết như sau:

– Thầy bảo thật anh – (Ám chỉ rõ, riêng cá nhân Phêrô).

– Hôm nay – (Xác định thời gian là hôm nay chứ không phải ngày mai).

– Nội đêm nay – (Chi tiết hơn, hôm nay, nhưng là đêm chứ không phải ngày).

– Gà chưa kịp gáy hai lần – (Biết là đêm rồi, nhưng rõ hơn là lúc gà chưa gáy hai lần).

– Thì chính anh – (Quả quyết rõ là Phêrô, không phải người khác).

– Anh chối Thầy ba lần – (Nói cho biết trước sẽ chối, chi tiết là ba lần).

Ðoạn văn tiên tri trên về Phêrô, đề cập những chi tiết chính xác như chuyện đã xảy ra chứ không phải chuyện tương lai.  Ðáng nhẽ Phêrô phải giật mình sợ hãi, nhưng ông không thắc mắc những chi tiết.  Vẫn trong cách xử dụng ngôn ngữ tài tình, Máccô nhấn mạnh là Phêrô càng “nói quả quyết” hơn nữa.  Phải chết tôi cũng không chối Thầy.  Lúc đó, Chúa chỉ còn một cách duy nhất là im lặng, vì hết lời rồi.

Trong cung cách đó, còn gì để nói về con người Phêrô?  Chính Chúa đành lặng thinh.

****************************************

Thảm kịch đáng thương trên được Phúc Âm tả tiếp:

Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô:

– Simon, anh ngủ à?  Anh không thức nổi một giờ sao?

Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước.  Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu.  Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông:

– Lúc này mà còn ngủ sao?

Từ chiều, từ lúc hát thánh vịnh xong và Thầy trò lên núi Ôliu đến giờ, từ lúc quả quyết không chối Thầy đến giờ chắc mới vài tiếng đồng hồ.  Ba lần Chúa đến tìm các ông, các ông vẫn ngủ.  Ngôn ngữ chúng ta để ý ở đây mà Máccô cho một chi tiết đặc biệt là các ông ngủ đến độ mắt họ “nặng trĩu” (Mc 14:40).  Ngủ đến độ mắt “nặng trĩu” là như thế nào?  Có thể đây là chi tiết sẽ cắt nghĩa một sự cố lát nữa đây về con người Phêrô.

Lần thứ ba Chúa đến, lúc mắt họ “nặng trĩu” thì Giuđa và thượng tế cùng giáo mác, gậy gộc của đám cơ binh ụp đến bắt Chúa.  Lúc này một “anh hùng” xuất hiện:  Ðó lại là Phêrô.  Ông rút gươm!

Tin Mừng tường thuật, ông chém đứt tai người đầy tớ (Yn 18:10).  Nếu ông anh hùng sao không đượng đầu với bọn lính?  Tội lỗi là đám thượng tế cùng cơ binh chứ đầy tớ, nó làm gì mà chém nó?  Ðứa có khí giới trong tay sao không chém, chém thằng đầy tớ?  Và ngay cả nhát chém cũng vậy, chỉ chém đứt được có cái tai.  Không chém được vào đầu, vào cổ mà chỉ có cái tai thôi sao.

Chi tiết Máccô cho biết lúc nẫy là các ông ngủ đến độ mắt các ông “nặng trĩu”.  Phải chăng vì “nặng trĩu” nên đâu còn nhìn thấy gì?  Phải chăng vì “nặng trĩu” cho nên vùng mình dậy thấy nguy cơ thì hốt hoảng chém mà thôi?  Chém trong đôi mắt ngủ “nặng trĩu!”

****************************************

Chúa bị bắt. tất cả bỏ chạy.
Bây giờ thì rõ, ai ở lại, ai chạy trốn.
Bây giờ thì rõ ai cứu ai.
Vừa trước đây thề chết với Thầy, giờ bỏ chạy.
Vừa trước đây lên tiếng thách đố, giờ cúi mặt.
Vừa trước đây tự tin, giờ mất tất cả.
Vừa trước đây tưởng mình dũng mạnh, giờ yếu đuối quá đỗi.
Vừa trước đây làm chủ tình hình, giờ nhục nhã.
Vừa trước đây tưởng mình cứu Thầy, giờ Thầy cứu mình.
Vừa trước đây tưởng mình là người lãnh đạo anh em, bây giờ người ta biết rõ sự thật.

****************************************

Lạy Chúa, cuộc đời sao quá hoang vu.
Con tưởng mình là thánh nhân mà không phải.
Con tưởng mình có kế hoạch nhưng sao quá vụng về.
Con tưởng ý kiến con thông minh mà sao nông cạn.
Con tưởng người khác kém hơn mình nhưng thật sự họ biết suy nghĩ chín chắn.
Con tưởng không có con là chuyện không thành mà thực sự vì con nên mới hỏng chuyện.

****************************************

Ôi!  nào đâu con có ngờ.

LM. Nguyễn Tầm Thường – Trích trong “Cô Đơn và Sự Tự Do”

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *