SỐNG MÙA CHAY, KHỔ HAY SƯỚNG?

Bến Tre là xứ sở những rặng dừa cao chót vót và nối dài.  Trong các loài thảo mộc và thực vật sinh củ, các loại củ luôn mọc dưới rễ, nằm trong lòng đất.  Riêng với cây dừa, củ hủ dừa mọc trên ngọn.  Không phải bất cứ loài nào có củ mọc trên ngọn đều là cây dừa, nhưng đặc thù của loài dừa phải là củ mọc trên ngọn. Thiên Chúa tài tình xếp đặt cho từng loại thụ tạo một nét đặc sắc riêng.  Người Kitô hữu cũng thế, không ngoại lệ. “Củ hủ dừa” của người Kitô hữu, hay nói thẳng ra nét riêng nơi người Kitô hữu là “mến Chúa, yêu người” (x.Mt 22,34-40).  Không phải những ai mến Chúa, yêu người cũng đều là Kitô hữu.  Nhưng những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, buộc lòng phải thực hiện hai giới luật này.  Mùa chay đang hiện diện trong đời sống tôn giáo chúng ta.  Hơn bao giờ hết, người Kitô hữu được nhắc nhớ: phải sống đạo triệt để, nhất là nơi mùa giao duyên này.  Vấn đề đặt ra: khi sống đạo ta được gì và mất gì?  Sống mùa chay khổ hay sướng?

Đức Giêsu rảo bước quanh nước Palestine, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa và thực hiện mầu nhiệm cứu độ.  Các môn đệ bước theo vết chân Đức Giêsu nhiều vô kể, trong đó chúng ta trưng dẫn ba Kitô hữu khá thân quen: Matthêu, Mađalêna và Dakêu.  Đọc lại hành trình ơn gọi của từng cá nhân trong số ba vị này, chúng ta sẽ khám phá nét độc đáo nơi cách thức sống đạo của họ và tìm ra sướng khổ trong cung cách sống mùa Chay của chúng ta.

Nhân vật Matthêu đang là nhân viên trong Sở thuế vụ một nước thuộc địa La Mã, nước Palestine.  Thiên Chúa cất tiếng gọi Matthêu, không phải nơi hội đường thánh thiêng, cũng chẳng phải nơi yên tĩnh của một vùng đất trời giao hòa, nhưng nơi ồn ào náo nhiệt chốn thuế má.  Qua lời mời đơn sơ của Chúa Giêsu: “Hãy theo Thầy” (Mt 9,9), Matthêu đứng phắt dậy, từ giã quá khứ đầy tiền tài, danh vọng, từ bỏ bát cơm béo bở nơi “ki-ốt” thu thuế để theo chân một nhân vật mang tên Giêsu.  Theo Ngài và cùng lang thang đầu đường xó chợ, không một tương lai tươi sáng cụ thể, không một đường hướng rạch ròi, rõ ràng.  Động thái từ bỏ mọi sự theo Chúa không ngoại trừ người sang, kẻ hèn.  Trong con số mười hai nơi các Tông Đồ, có những cá nhân yêu nước, uyên bác, thâm sâu như Simon nhiệt thành; nhưng cũng tồn tại một Matthêu với quá khứ nối giáo cho giặc.  Đi theo Chúa, hay nói cách khác là sống đạo, Matthêu buộc phải đồng hành cùng người nghịch quan điểm và cung cách sống với ông.  Rõ ràng, Matthêu không những khước từ lợi zzích thu gom vén góp của cải vật chất, ông còn đạp đổ lối sống yên ổn tạm bợ.  Nói cho cùng, Matthêu như một “tên dại” trong xã hội loài người.

Ơn gọi Kitô hữu của nhân vật Mađalêna đã làm ngạc nhiên tầng lớp trung lưu và đạo đức thời ấy.  Bởi một phận “gái dặm trường” chuyên nghề lường gạt và thân xác đầy ô uế cũng được cứu độ nữa sao?  Đáp lại tiếng mời gọi sám hối, canh tân của Đức Giêsu, Mađalêna đẩy lùi sau lưng những đồng tiền “mua hương bán sắc”, kiêng khem những khoái cảm thể xác, chấm dứt đẩy đưa mọi lời đường ngọt có cánh của đám mày râu… Theo Chúa, Mađalêna giờ đây phải vểnh tai nghe những chuyện vốn trước kia với bà là nghịch lý.  Đang là “hot girl” trong xã hội, Mađalêna bỗng chốc biến mình thành “con ngốc”.

Nếu như Matthêu được giới thiệu đơn sơ trong Tin Mừng: đang ngồi ở trạm thu thuế (x.Mt 9,9), thì Dakêu, trong Tin Mừng Luca, được miêu tả cách cụ thể và sống động: vóc dáng lùn, ông mang chức vụ “trưởng phòng” của phòng thu thuế, và là người giàu có (x.Lc 19,2-3).  Đáp lại lời chào của Đức Giêsu, Dakêu “hô biến” thành một con người hoàn toàn mới: triệt tiêu thói “ăn lời mót thêm” nơi đồng tiền thuế má, lại còn “chơi đẹp” dân đen với số tiền đền bù không nhỏ – đền gấp bốn, điều đáng ngạc nhiên chính là chia đôi tài sản để làm phúc bố thí.  Nói thẳng ra, Dakêu làm từ thiện như “một thằng mất trí”.

Chiều dài Thánh Kinh trưng dẫn những hình ảnh phi thường nơi những con người bình thường.  Nào là Abraham từ bỏ quê cha là đất Kharan để bước theo Đức Chúa (x.St 12,1-9); Môisê chạy trốn khỏi hoàng cung Pharaô rồi lại từ bỏ gia đình, tài sản yên ổn cũng chỉ vì tiếng gọi của “Đấng Hằng Hữu” (x.Xh 2,15-4,18); hay như Giêrêmia khước từ chốn bình yên tự tại để phải tuyên sấm lời Đức Chúa chống lại một xã hội ăn chơi sa đọa (x.Gr 1,4-19) và còn nhiều cá nhân khác trong trình thuật Tân Cựu Ước.  Tất cả đã bị Thiên Chúa quyến rũ và họ đã để Thiên Chúa quyến rũ (x.Gr 20,7a).  Nhân loại mọi nơi và mọi thời đều có riêng nơi mình trí thông minh và sự sáng suốt.  Một nghịch lý lạ lùng chính là: dù nhân loại có tài giỏi cách mấy cũng không giải mã được ý định của Thiên Chúa.  Sự khôn ngoan của Thiên Chúa khác xa trí thông hiểu của loài người: “vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25).  Thiên Chúa kêu gọi từng cá nhân và ban tặng tình thương, sự bình an đích thực.  Quay lại với câu chuyện của Matthêu, Mađalêna và Dakêu, trước đây những người này bị xã hội khinh miệt, xa lìa, phỉ báng, thì nay trong Đức Kitô, họ nhận ra chính bản thân mang lấy một giá trị sống được trân trọng, mến yêu và được quan tâm.  Giả sử Đức Kitô không lên tiếng, hoặc Ngài lên tiếng nhưng họ không đáp trả, mãi mãi Matthêu và Dakêu vẫn là những tên thu thuế khét danh với tội phản quốc, Mađalêna vẫn nhớt nhợt, nhầy nhụa bởi tội lỗi ghê tởm.  Thiên Chúa tình yêu đã giật lấy từng cá nhân một từ tay Satan.

Chúng ta không thể phủ định một trạng thái bị lương tâm cấu xé khi bước đi trên lối mòn của tội lỗi, nhưng sự êm ái, thỏa mãn tính xác thịt làm con người gặp nhiều khó khăn khi phải rẽ ngang sang đường công chính.  Câu hỏi được đặt ra: Tại sao Thiên Chúa từ ái không triệt hạ sự dữ, tại sao Người không đánh đuổi những cám dỗ, khoái lạc trong thế giới loài người để con người chỉ trực diện hướng về Thiên Chúa?  Như thế, con người hiển nhiên đạt lấy sức sống trường sinh mà không cần phải chọn lựa.

Mỗi viên kim cương mang nơi mình những giá trị khác nhau.  Điểm chung, viên kim cương nào cũng đắt giá.  Ta quí chúng, đơn giản vì ta phải bỏ ra nhiều tiền mới có được một viên kim cương.  Tiền từ mồ hôi, nước mắt, công sức lao động từng ngày, từng ngày tích góp.  Chính vì thế, cũng cầm tiền, nhưng nếu mua một cục than đốt, chúng ta có bỏ vào hai ba lớp tủ, cất kỹ lưỡng không?  Nếu như có một Nước Trời dễ dàng được con người nắm bắt, tôi chắc chắn rằng: “chúng ta sẽ không tha thiết, trân trọng Nước Trời đó”.  Đọc lại đoạn văn đầu tiên trong sách Sáng thế sẽ rõ: Ađam và Eva từ lúc mở mắt chào đời đã được Đức Chúa đem lòng sủng ái và đặt họ vào một thế giới kỳ diệu; sự sa ngã của tổ tiên loài người chứng minh rằng con người thích được chọn lựa và làm điều mình thích (x.St 1,26-3,7).  Thiên Chúa tôn trọng tự do từng cá thể thụ tạo.  Với ơn gọi sống đạo, sống mùa Chay, Người chỉ “gọi”, còn chúng ta có quyền tự cân nhắc và tự lựa chọn: “Chúa dựng nên con chẳng cần đến con, nhưng cứu độ con, Ngài cần con đáp lời” (Thánh Âutinh).  Hãy nhớ đến trường hợp của người thủ lãnh giàu có (x. Lc 18,18-23): dĩ nhiên Đức Giêsu muốn cứu độ anh ta, nhưng anh ta đã khước từ, kết cục anh ta không có được sự bình an đích thực mặc dù người này rất giàu “Nghe vậy, ông buồn lắm, vì ông rất giàu” (Lc 18,23).

Trước khi kết thúc bài chia sẻ, tôi mượn một kinh nghiệm sống cụ thể để làm “gia vị” giúp mọi người nấu món ăn “sống mùa chay” của mình. Tết vừa rồi, bà con Cái Mơn đưa kiểng lên Sài Gòn bán.  Khởi hành từ nhà vườn lùm đùm lề đề, nào là mai, tắc, vạn thọ, thanh long, cúc, lại còn phân bón, chậu xi măng… Trên đường đi, họ phải dừng chân không ít điểm để đổ xăng, lì xì cán bộ, có khi phải sửa chữa xe cộ…  Ai ai cũng nôn nóng mau đến điểm bán.  Đến nơi cũng chưa yên vị, chủ hàng phải tính toán, so đo, định giá hợp lý cho các món hàng của mình để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” và thu nhập nhà mình cũng được nâng cao.  Mưu sinh làm con người phải bươn chải giữa đời.  Để kiếm đồng tiền nuôi sống bản thân và gia đình, chúng ta đâu sá gì mệt nhọc, cực khổ.  Do vậy, chúng ta không nên nề hà trong chuyện chộp lấy Nước Trời, hay nói theo kiểu bình dân là mưu sinh cho đời sống linh hồn.  Trên đường đi bán kiểng, họ không ít lần gặp trục trặc, khó khăn nhưng họ đâu vì thế mà bỏ cuộc, gánh kiểng về lại nhà.  Cũng thế, trên hành trình “bán tội lỗi” mua lấy Nước Trời, chúng ta cũng phải nỗ lực vươn lên để đón lấy phần thưởng Thiên Chúa hứa.

“Mến Chúa, yêu người” trong chặng đường bốn mươi ngày mùa chay là một chi tiết biểu hiện lòng sám hối, canh tân.  Không phải chỉ có mùa Chay chúng ta mới thực hiện lời dạy này, nhưng mùa Chay là dịp thuận tiện nhắc nhớ chúng ta nhín chút thời gian dừng lại nơi “đèn đỏ giao thông phụng vụ” để kiểm điểm, tự vấn và thực hành tốt hơn giới luật “mến Chúa, yêu người”.  Sống mùa chay, có cái khổ của hãm mình, ép xác ; nhưng cũng có cái sướng của sự bình an, lòng thương xót, những thứ này không thể dùng tiền của vật chất mua lấy được.  Cái sướng nhất trong việc sống mùa chay chính là “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34).  Cầu chúc mọi người một mùa Chay thánh thiện, đạo đức.  Xin cũng hiệp lời cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi cũng bắt chước  các nhân đức của anh chị em, như anh chị em bắt chước Đức Kitô (x.1Cr 11,1).

Lg.hungson@gmail.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *