MẦU NHIỆM PHỤC SINH

Trong sứ điệp Phục Sinh gửi cho tổng giáo phận Sidney, Australia, Ðức cha Georgie Bens có kể lại gương can đảm của một người phụ nữ phi châu như sau:

Người đàn bà Phi Châu này hiện đang đứng coi một trung tâm giúp đỡ những người túng thiếu và không nhà không cửa. Cụ thể, mỗi ngày bà nấu cơm và dọn cho họ ăn. Chuyện đáng nói là bởi vì bà, con gái của bà và ngay cả đứa cháu nội bốn tuổi đều đã bị hãm hiếp dã man bởi chính những người đàn ông địa phương.  ội ác đã diễn ra ngay trước trung tâm cứu trợ của bà.  Người đàn bà biết rõ những kẻ đã hành hạ bà.  Bà vẫn thường thấy họ đi lại trên đường phố, nhưng vì chế độ tham nhũng cho nên các phiên tòa chỉ là trò hề và những kẻ gây ra tội ác vẫn không bao giờ bị trừng phạt.

Khi được hỏi tại sao giữa những đau khổ như thế bà vẫn có thể tiếp tục sống và giúp đỡ những người hàng xóm và những người túng thiếu khác?  Bà trả lời như sau: “Bởi vì có Chúa đang ở với tôi!”

*************************

zzNhững người ngoài Kitô giáo thường tỏ ra khó chịu và đôi lúc bất mãn hay nổi giận về thái độ bình thản của các Kitô hữu khi đứng trước đau khổ. Người phụ nữ Phi Châu được Ðức Tổng Giám Mục Sidney đề cao trên đây không phải là một con người bất thường hay vô cảm, bà phải đối phó với nỗi khổ đau khủng khiếp của bà từng ngày, nhưng dù vậy, bà vẫn cảm thấy an bình và tiếp tục hy vọng.  Sở dĩ người đàn bà này có thể đứng vững như thế không phải vì bà không còn đau khổ nữa mà chỉ vì Thiên Chúa vẫn có đó và bà vẫn cảm nhận được tình yêu của Ngài.

Câu chuyện trên đây đưa chúng ta vào trọng tâm của mầu nhiệm phục sinh.  Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, đã đến trong thế gian.  Và ở vào tuổi thanh niên, Ngài đã chịu tra tấn, hành hạ và cuối cùng chết treo trên thập giá.  Nỗi đau khổ của Chúa Giêsu có thể mang lại niềm an ủi cho chúng ta những lúc chúng ta gặp đau khổ.  Ngài đã chết nhưng ba ngày sau đó đã sống lại và ra khỏi mồ.  Ngài chứng minh cho chúng ta thấy rằng tình yêu và sự sống mạnh hơn đau khổ và sự chết.

Phục Sinh không chỉ là ngày lễ trọng nhất của Kitô giáo mà còn là một mùa đặc biệt của hy vọng cho tất cả mọi người đang đau khổ.  Kỳ thực, có ai trong chúng ta thoát khỏi khổ đau.  Ít hay nhiều, mỗi người đều có một thập giá để vác, nhưng Chúa vẫn có đó và Ngài vẫn yêu thương chúng ta.

Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu đang nằm trong mộ.  Bầu khí tĩnh lặng của nhà thờ gợi lên trong tâm hồn chúng ta sự an bình.  Ðó là sự an bình của tin yêu và phó thác.  Hình ảnh của Chúa Giêsu đang an nghỉ trong mồ nhắc nhở chúng ta về hình ảnh của hạt giống được gieo vào trong lòng đất.  Như Ngài đã nói: “Nếu hạt giống được gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó sẽ trơ trụi một mình.  Nhưng nếu nó thối đi, nó mới sinh nhiều bông hạt”.  Những nỗi khổ đau mà chúng ta đang trải qua là những hạt giống cần được gieo vào lòng đất.  Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận đặt vào ngôi mộ của Chúa Giêsu những nỗi khổ đau của chúng ta, niềm hy vọng mới bừng lên trong chúng ta và niềm tin yêu, tín thác, mới đơm hoa kết trái trong chúng ta.

*************************

Lạy Chúa Giêsu,

Chúng con đang chiêm ngắm Chúa trong ngôi mộ.  Chúa đang yên giấc để chuẩn bị sống lại.  Chúng con xin được đến với Chúa cùng với gánh nặng của bao vất vả sầu đau trong cuộc sống.  Xin cho chúng con được kết hiệp với Chúa để cũng được cùng với Chúa sống lại trong con người mới của tin yêu và hy vọng.

R. Veritas

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *