CUỘC SỐNG BỊ THIÊN CHÚA LÀM ĐẢO LỘN

zzCuộc sống giới trẻ ngày nay song hành cùng thế giới giải trí đa phương tiện.  Hàng loạt các sản phẩm công nghệ cao ra đời, nào là điện thoại di động, laptop, Ipad, Iphone 3G, 3GS, 4G,… nhằm phục vụ thị hiếu khách hàng với nhu cầu mỗi lúc một cao.  Bước chân vào hệ thống siêu thị điện máy, chúng ta chỉ thiếu tiền, phương tiện giải trí không bao giờ thiếu!  Cùng là “sống”, nhưng “style” mỗi người mỗi kiểu.  Không thiếu người mong chờ ấm no hằng ngày, bên cạnh không ít người mong chờ “update công nghệ” hằng giờ.  Chúng ta không vội vàng lên án nhau nơi cách sống.  Thiên Chúa tài ba, qua đoạn Tin Mừng Mt 25,14-30, chẳng phải Thiên Chúa luôn đòi hỏi huê lợi tỉ lệ thuận với vốn ban đầu do Thiên Chúa đầu tư đó sao.  Giải trí bằng sản phẩm công nghệ cao không xấu; nếu phải lên án là các dịch vụ con người sử dụng.  Hôm nay, tôi mời gọi các bạn độc giả cùng tôi nhín chút thời gian vòng quanh vài “góc khuất tai hại”.  Hy vọng sau “tour” tham quan này, chúng ta kịp khám phá ra giá trị “cuộc sống bị Thiên Chúa làm đảo lộn”.

Mở màn cho bài chia sẻ, tôi xin đề cử chuyện “chat online”.  Tán gẫu, từ lâu trở thành món ăn thường ngày không thể thiếu, nhất là nơi công sở, học đường.  Trước đây, chuyện phiếm được truyền tai nhau từ miệng người này sang người khác.  Dần dà, đám trò nhỏ chuyền tay nhau mảnh giấy ghi ghi chép chép “đủ thứ chuyện” trong giờ học “chán phèo”.  Ngày nay, “chit chat” trên Internet, điện thoại là “món ăn” sáng, trưa, chiều, tối, khuya của không ít “thần dân”.  Ngày năm bữa, mỗi bữa lai rai khi ít, khi nhiều, không có không được.  Ban đầu làm quen, hỏi thăm nhau về công việc, cuộc sống, gia đình.  Nói chuyện ta “riết” cũng hết, quay sang nói chuyện bên Tàu, bên Tây.  Ăn hoài các món ấy cũng nhàm, đổi khẩu vị bằng chuyện nhà hàng xóm, trưởng phòng, giám đốc, cô này, thầy kia,…  Bỗng dưng chuyện cá nhân của người dưng hiển nhiên được “tung lên mạng” thành chuyện công cộng, của cộng đồng.  Kể cốt truyện thì ít, nhưng bàn tán, lên án, phê bình thì nhiều. Thế đấy! Tự mình sắc phong chức vị chánh án cho mình.  Đồn thổi từ nơi này sang nơi khác, cuối cùng làm mất danh dự người khác từ lúc nào chẳng hay.  Qua kinh nghiệm bản thân cũng như nhiều lần tiếp xúc với các bạn trẻ trong nhiều diễn đàn “offline” (gặp mặt thực tế), tôi rút ra kết luận : “chat” hay tán gẫu được khai vị bởi món ăn “hỏi thăm xã giao”, sau đó món ăn chính “gièm pha chuyện hàng xóm”, món tráng miệng “Đừng nói là tôi kể nhé, chuyện này chỉ có hai ta biết thôi”.  Sự việc được lặp lại với nhân vật mới và như thế, số người biết chuyện “bí mật của người khác” ngày càng gia tăng theo thực đơn bữa ăn “chat online”.  “Nhân vô thập toàn”, ngay bản thân tôi vẫn có khuyết điểm, lỗi lầm.  Tôi luôn cần sự cảm thông, chia sẻ từ người khác để ngày một “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).  Rỉ tai nhau khuyết điểm, chuyện riêng tư biến tôi thành “tội đồ” của xã hội.  Tôi không muốn người khác xoi mói mình, tại sao tôi lại xoi mói chuyện người khác?  Điều này hệ tại thói xấu ích kỷ, muốn tự tôn bản thân. Thiên Chúa xuất hiện và làm đảo lộn thói quen này.  Người mở ra một lối thoát cho chính tôi và tha nhân.  Người mời gọi chúng ta chấp nhận yếu đuối, lỗi lầm bản thân và xin ơn Người hồi phục. Yếu đuối, tội lỗi, khuyết điểm của bất cứ cá nhân nào cũng chỉ bị lên án bởi Thiên Chúa theo đúng kỳ hẹn.  Chính vì thế, chúng ta không được phép xét đoán, nói xấu bất cứ ai. “Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau.  Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật.  Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật.” (Gc 4,11).

Chuyện thứ hai chính là “Game”.  Bản thân tôi, xuất thân từ khoa công nghệ thông tin, khi tham gia lập trình các game, tôi theo một kịch bản được cấp trên chỉ đạo.  Không ít lần tôi từ chối tham gia “viết” “game online” cổ trang mang tính bạo lực.  Game thủ ban đầu dùng lý do xả stress để học hỏi, chơi “game”.  Sau đó bị cuốn hút bởi những tài sản giá trị thực từ game ảo, hoặc là khẳng định đẳng cấp của chính mình với bạn bè bằng điểm số, cấp độ,…  Dần dà, nghiện “game” là chuyện hiển nhiên.  “Game” giúp xả stress, điều đó đúng nhưng chưa đủ.  Một số “game” còn làm tăng khả năng tư duy như cờ tướng, cờ vua, sudoku (điền ô số), game lối thoát…  Một số trang web công giáo có thêm các trò chơi như xếp hình Thánh, câu đố Thánh Kinh…  Điều kiện thỏa mãn chuyện xả stress, nâng cao tư duy là chơi vừa đủ, thời gian chơi dưới ba mươi phút mỗi ngày.  Nếu lạm dụng vượt qua con số này, tôi dám chắc sau mỗi lần chơi “game”, các game thủ sẽ mệt mỏi. Đức Giêsu, tất nhiên không đề cập chuyện chơi “game kỹ thuật số” trong Kinh Thánh, Người khẳng định với các Kitô hữu: “Ta và Cha Ta làm việc không ngừng” (Ga 5,17).  Chính vì thế, Thiên Chúa hiện diện trong đời sống tín hữu bằng một hình thức làm đảo lộn: Người mời gọi sống một cuộc sống lành mạnh “Anh em hãy ra công làm việc không phải vì của ăn mau hư nát, nhưng để có lương thực trường sinh” (x.Ga 6,27).  Thay vì dành nhiều giờ để chơi game, chúng ta hãy mua lấy Nước Trời bằng “ơn riêng Thiên Chúa ban, anh em hãy dùng mà phục vụ người khác” (1Pr 4,10).  Hơn nữa việc cầu nguyện là chuyện cần thiết cho đời sống đạo, nhưng lại ít được thực hành “Cầu nguyện là nhịp cầu làm bằng kinh nguyện nối liền sự sống giữa tín hữu và Thiên Chúa.” (trích Thư mục vụ Mùa Chay 2011 của Đức giám mục giáo phận Phan Thiết).

Cuối cùng, giải trí theo kiểu xem phim ảnh khiêu dâm là chuyện tế nhị và dễ mắc phải.  Trong bài chia sẻ này, tôi muốn được ít là một lần chạm vào chỗ khuất này.  Thực ra, khi trở thành “diễn viên” loại phim cấp ba, rất hiếm người mong muốn.  Vì mưu sinh, vì ép buộc, và vì nhiều lý do khác, các diễn viên này không còn lựa chọn tích cực khác.  Tôi viết những dòng này với tâm trạng không được thoải mái cho lắm.  Tôi đang xoáy vào thị hiếu phần đông cư dân mạng.  Ngay cả tôi, phải chân thật thú nhận rằng tôi cũng thế!  Thực sự, khi chọn đề tài “Cuộc sống bị Thiên Chúa làm đảo lộn” để nói chuyện lần này, tôi cầu nguyện rất nhiều.  Tôi xin Chúa Thánh Thần soi trí mở lòng để tôi dám nhìn thẳng, nhìn thật.  Trước tiên, đứng về phía các “nạn nhân đóng phim”, tôi muốn Thiên Chúa ráp những chữ cái hỗn tạp trong đầu tôi thành lời cảm thông với họ.  Nếu vô tình họ đọc, nghe bài chia sẻ này, Thiên Chúa sẽ làm xoa dịu nỗi đau, hay ít ra nhắc nhớ với họ có một vị Thiên Chúa từ ái sẵn sàng đón nhận quá khứ đau thương của từng cá nhân và ban tặng một quả tim với sự sống thần linh: “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.  Đức Chúa phán: ‘Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận!  Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.” (Is 1,17-18).  Đối với các “khán giả”, quả thật để kiềm chế những chước cám dỗ này đòi hỏi một quyết tâm mãnh liệt.  Nguyên nhân để tôi phải từ bỏ thói xấu này là gì?  Tôi mạn phép đề cử ba lý do rút ra từ bản thân: để đầu óc thanh thản; để giữ gìn sức khỏe; để các mối tương quan với Thiên Chúa, bản thân, tha nhân được trọn vẹn.  Hơn nữa, tôi muốn nhắc lại lời dạy của Thánh Phaolô: “Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em.  Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1Cr 6,18-19).

Thiên Chúa làm đảo lộn cuộc sống chúng ta, chuyện này được tiên tri Isaia cảm nghiệm rất chân tình: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ.” (Is 38,12).  Thế nhưng, khi tác động đến cuộc sống chúng ta, Thiên Chúa đang giúp ta sống khỏe, sống tốt, sống bình an, hạnh phúc trong đời sống này.  Nhẩm trong đầu và đếm thử xem, hiện nay tôi sở hữu bao nhiêu sản phẩm kỹ thuật số?  Các dịch vụ tôi sử dụng từ chúng có bao nhiêu phần trăm “dính líu” đến các đề mục trình bày bên trên.  Ngay lúc này, Thiên Chúa đang đưa tay chúc phúc cho ý định hoán cải nơi tôi.  Phần còn lại chính là nỗ lực bản thân sửa đổi từng “hành vi xấu”.  “Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Kitô Giêsu quang lâm” (Pl 1,6).

Lg.hungson@gmail.com
04/03/2011

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *