CĂN CƯỚC

Phúc Âm thánh Yoan, phần phụ chương, chương 21:

Sau đó, Ðức Yêsu lại tỏ mình ra lần nữa cho môn đệ ở ven biển Tibêria. Ngài tỏ mình ra như thế này: Tề tựu với nhau có Simon Phêrô và Tôma, nghĩa là sinh đôi, Nathanael người Cana xứ Galilê, các con ông Zêbêđê, và hai môn đệ khác nữa, Simon Phêrô nói với họ: “Tôi đi đánh cá đây”. Họ nói với ông: “Chúng tôi cũng đi với ông”. Họ ra đi, lên một chiếc thuyền; nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả (Jn. 21:2-3).

******************************

Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi.  Gồm lại những sôi nổi, ta có thể chia đời của ông làm hai: Cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy.  Phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma.

Tôi chọn những lời Phúc Âm trên đây để vẽ căn cước cho ông vì trong cuộc đời phần một của ông, ông đi từ lỗi lầm này qua lỗi lầm khác.  Cuối đời của Chúa, Chúa đã bị ông chối từ thê thảm (Mc. 14:66-72).  Nhưng phần thứ hai trong đời ông là một thiên anh hùng ca.  Thiên anh hùng ca được mở đầu bằng những lời chứng của Yoan trên đây.  Lời chứng nói về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria, rồi đưa đời ông từ đêm đen mờ mịt ấy về một cõi trời phiêu bạt mịt mùng sương gió cho Nước Trời.

******************************

zzTrên biển hồ Tibêria, thẻ căn cước của ông được viết bằng một hàng chữ ngắn: Tôi đi đánh cá.  Ông mở đầu cuộc đời anh hùng ca của ông bằng mấy chữ ấy.  Với thẻ căn cước đó ông vẽ chân dung của ông bằng những mảng màu độc đáo.  Ðời ông ra sao về sau này, tuỳ thuộc ở tấm căn cước mà ông xác định trên biển hồ hôm nay: Tôi đi đánh cá.  Vậy chúng ta hãy “xét” căn cước của ông để tìm một chút thành tố căn bản cho thiên anh hùng ca đời ông.

Chấp nhận cô đơn sương gió

Trên biển hồ hôm đó, ta thấy Yoan kể về một nhóm bạn hữu.  Ðếm ra ít nhất cũng bẩy người, nếu tính cả Phêrô, biết đâu còn nhiều hơn.  Thầy của họ vừa mới chết.  Cái tang chế u buồn như còn chít vòng khăn sô trong tim họ.  Mất Thầy rồi, giờ này biết đi đâu?  Tương lai chúng ta ra sao?  Chắc chắn họ vọng về những ngày quá khứ đi đâu cũng có Thầy với nỗi sầu muộn u hoài.  Chắc chắn họ nhìn về tương lai với nỗi lo băn khoăn.  Bởi đó, họ cần nhau.  Ði đâu họ cũng muốn có nhau.  Cho nên cái thường tình, họ ngồi chụm với nhau một đám đông là thế.

Trời xuống đêm nặng nề.  Ngoài kia biển cứ mênh mông vô tâm.  Họ hỏi nhau.  Chúng ta sẽ đi về đâu? Chúng ta phải làm gì?  Những câu hỏi ngắn thôi mà câu trả lời sao mịt mờ quá.  Trong cái bơ vơ mệt mỏi để tìm một định hướng, Phêrô lên tiếng: Tôi đi đánh cá.

Ông dại dột quá, tại sao ông không nói: Chúng ta hãy đi đánh cá.  Ông lỡ lời mất rồi.  Ông chỉ nói: Tôi đi đánh cá.  Nếu không ai đi với ông thì sao?  Khi ông nói, Tôi đi đánh cá, mà không ai đi với ông thì ông phải đi một mình.  Chúng ta hãy nhìn mảng màu mà ông tự vẽ cho ông.  Ông đã nhìn thấy một đêm đen mờ mịt, ngoài kia gió lạnh buông theo sương.  Mênh mông một mái chèo.  Lặng lẽ trong khuya khoắt một nhịp sóng cô độc, lẻ loi.  Nếu không ai đi, một mình một mái chèo, một mình một biển rộng hoang vu, một mình một bão tố thăm thẳm.  Nếu không ai đi, gió đưa về từng con sóng bung vạt áo, một tay đỡ nhịp, một tay chống.  Chắc chắn ông đã nhìn thấy ra khơi trong đêm nay là thế. Nhưng tiếng lòng của ông là căn cước của riêng ông.  Nếu không ai đi ông vẫn ra đi một mình.

Từ nay, bước đường căn cước ơn gọi làm Kitô hữu của tôi là thế . Là ngược gió mà đi, là ngược theo dòng đời mà tới.  Tôi chọn hàng chữ Phêrô viết trên tấm căn cước của ông: Tôi đi đánh cá.  Vì tôi thấy ông có một lựa chọn dứt khoát cho một ơn gọi.  Không có ai đi, tôi vẫn đi. Trên cuộc đời, có người đi ngược, có kẻ về xuôi.  Nhưng đâu là con đường của tôi.  Phêrô, ông đã không để đời ông nhiễm lạnh vì cái ấm cúng của một đám đông.  Ông không để đời ông sợ hãi vì không có kẻ đồng hành mà ngần ngại với ơn gọi.  Tôi đang nhìn thấy một Phêrô khác cũng đang vẽ căn cước cho đời mình bằng thiên anh hùng ca của biển hồ Tiberia năm xưa, đó là Yoan-Phaolô II.  Người ta chống đối Giáo Hội, vì Ngài dám nói thẳng về những tệ trạng thiếu luân lý, công bình của xã hội hôm nay.

Trong ơn gọi làm Kitô hữu của mình, tôi cần viết một hàng chữ cho căn cước của tôi.

Ðặc tính của lửa

Khi Phêrô nói: Tôi đi đánh cá.  Các ông khác cùng nói: Chúng tôi cũng đi với ông.  Chúng ta giả sử đêm ấy Phêrô không ra khơi, chắc hẳn chẳng có ai muốn xuống thuyền.  Nhưng giờ đây, ta hãy nhìn những mảng màu táo bạo Phêrô đổ xuống biển hồ.  Trong cái đêm đen mênh mông ấy, khi mà thế giới say ngủ, nhóm chài lưới bẩy người ra khơi.  Họ tiến vào mù mịt gió sương, họ đập chèo vào mặt sóng không sợ hãi, họ dứt khoát đi thẳng vào mịt mùng nước mênh mông.  Ðẹp làm sao trong cái u hoài sầu muộn, giờ đây bừng bừng lửa, đốt thành bẩy ngọn hải đăng thiêng liêng.  Mỗi con sóng đập là toé lên từng mảng mầu dũng cảm long lanh.  Mỗi ào ào gió tạt là vung tay gạt thách đố.  Tôi có thể nhìn thấy Phêrô đứng ở mũi thuyền, mỗi lần sóng trào lên, mắt ông ngời sáng nhìn về phía trước.  Tóc ông rối bay ẩm ướt gió sương.  Không phải biển hồ đe dọa nuốt ông, mà là ông đe dọa sẽ nuốt cả biển hồ.

Lửa.  Một lần Ðức Kitô đã nói: “Ta đã đem lửa xuống thế gian và ta muốn lửa ấy cháy lên” (Lc. 12:49).  Ðặc tính của lửa là đốt cháy.  Cái mệnh đề: “Tôi đi đánh cá” của Phêrô dẫn đến mệnh đề thứ hai: “Chúng tôi cùng đi với ông”.  Họ đã bị Phêrô đốt cháy.

******************************

Lạy Chúa,
Cuộc đời con có nhiều khúc đường mà kẻ đi xuôi, người về ngược, kẻ bảo dừng, người phân vân. Trong cái hoang mang đó con rất dễ đánh mất căn cước ơn gọi của con.  “Xét” căn cước của Phêrô, con thấy đời ông có một lý tưởng.  Thiên anh hùng ca đời ông đã bắt đầu bằng thái độ dứt khoát đó. “Xét” căn cước của Phêrô, con thấy ông đã đốt cháy đời kẻ khác chung quanh ông.  Dựa vào căn cước của ông con cần xét căn cước của mình:

Trong cuộc sống, nếu con không dám trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, nếu con tự nhủ lối sống dễ dãi của con chẳng có gì phàn nàn vì tất cả kẻ khác cũng sống như vậy.  Ðấy là dấu chỉ con bỏ căn cước ơn gọi Kitô hữu của con, con đang cầm căn cước của người khác rồi.

Lý tưởng của Phêrô đã làm thay đổi ngoại cảnh chung quanh ông.  Chỉ có lửa giả mới không đốt cháy. Nếu trong bổn phận Chúa trao cho con, mà chung quanh con mọi thứ đều tà tà, chẳng có gì thay đổi, đấy là dấu hiệu con phải “xét” kỹ lại căn cước thiêng liêng của mình.

Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *