CẦU NGUYỆN VÀ CÁCH MẠNG (1)

Khi cuộc sống của bạn càng ngày càng trở thành lời cầu nguyện bạn nhận ra mình luôn bận bịu hướng về mình và hiểu rất sâu xa về đồng loại.  Bạn cũng nhận ra cầu nguyện là nhịp đập của thế giới bạn đang sống.  Nếu bạn cầu nguyện thực sự, bạn sẽ có những câu hỏi về những vấn đề lớn lao mà thế giới đang phải vật lộn, và bạn không thể bỏ qua ý tưởng cho rằng sự trở lại không chỉ cần thiết cho chính bạn và người bên cạnh nhưng còn cho toàn thể cộng đồng nhân loại.  Cuộc trở lại của thế giới có nghĩa một cuộc quay về, một cuộc cách mạng, có thể đưa đến sự canh tân.

Thoạt nhìn, những “từ” cầu nguyện và cách mạng hình như ở hai thái cực và từ hai vũ trụ khác nhau mà đến, nên sự phối hợp của chúng có lẽ chỉ tạo nên thù nghịch và giận dữ.  Sự giận dữ này là điểm khởi đầu rất tốt vì ngày nay, người giận dữ hình như đòi hỏi sự chú ý nhiều hơn người cầu nguyện.

zzSự giận dữ và thù nghịch làm cho bao nhiêu người phải cầm khí giới, làm cho họ lẫn lộn, và làm cho họ mau mắn phản đối và biểu tình hay để tỏ ra khinh khi, thì không làm gì cả hay chạy trốn trong con đường sai lạc của ma tuý.  Đó là những dấu hiệu không thể sai lầm cho thấy sự bất mãn kinh niên với thế giới nơi ta bị bó buộc sống.  Có người muốn nhắc tới cho xã hội chúng ta về những lý tưởng tự do và công bình được viết trong sách, nhưng bị dầy đạp dưới chân trong cuộc sống thực hành hàng ngày.  Có người còn từ bỏ cố gắng đó và đi đến kết luận là cái cơ may sau cùng dành cho con người tìm bình an và yên tĩnh là rút lui ra khỏi thế giới hỗn độn này.  Họ ghê tởm xã hội với những định chế và chương trình.  Bất cứ điều gì con người làm hoặc trở nên anh hippi, anh yippi, nhà cách mạng hay người mơ mộng hiền lành, hay là kêu gọi thay đổi cơ cấu, hay buông trôi tất cả trong nụ cười buồn thảm, sự bất mãn vẫn còn, mạnh mẽ và âm thầm hay bị dẹp tắt dưới một thái độ dửng dưng thụ động. Rất dễ nhận ra trong những thái độ đó sự khao khát một thế giới mới.  Xã hội như ta thấy bây giờ phải thay đổi, những cơ cấu giả tạo phải biến mất và một cái gì hoàn toàn mới thay thế vào.  Có người chiến đấu với mọi nghị lực, có người chờ đợi sự hiển hiện ra mà chính họ không thể tạo nên, người thứ ba tham dự vào tương lai và chìm ngập trong thế giới bó buộc phải mơ mộng của âm thanh, màu sắc và hình thái trong đó, ít là trong lúc đó, họ có thể coi như mọi sự, ngay cả chính họ, đều được cải tân.

Ðiều có lẽ đánh động nhất về những viễn tượng của tương lai thế giới là nó mang hình thức hoàn toàn độc lập với tư tưởng Kitô giáo là tư tưởng đặc biệt hướng về tương lai.  Hình như những năng lực khổng lồ đó đang lấn đất trong thế giới cứng cỏi, đang kêu gào một thế hệ mới, một thế giới mới và một trật tự mới không tìm thấy căn bản sâu xa trong Kitô giáo truyền thống.  Trong khi Kitô hữu bận bịu với những vấn đề nội bộ và như thế quá lo lắng về chính mình nên không nhìn thấy những gì còn lại trên thế giới, thì nhu cầu cần được cứu độ đang tăng lên bên ngoài Kitô giáo càng trở thành một điều hiển nhiên.  Sự gợi ý này người Kitô hữu thường coi như ngô nghê, vô trật tự và chưa trưởng thành.

Tuy thế bạn chỉ là Kitô hữu bao lâu bạn hướng về thế giới mới, bao lâu bạn luôn đặt câu hỏi quan trọng cho xã hội bạn đang sống, bao lâu bạn nhấn mạnh nhu cầu phải trở lại, cho bạn và cho thế giới, bao lâu bạn không thể nào để cho bạn trong tình trạng yên tĩnh, bao lâu bạn vẫn không thoả mãn với cái “status quo” và tiếp tục nói rằng thế giới mới chưa tới.  Bạn chỉ là Kitô hữu khi bạn tin là bạn có vai trò phải đóng trong việc thực hiện vương quốc mới, và khi bạn thúc đẩy nhiều người bạn gặp luôn thao thức thánh thiện để vội vã làm cho lời hứa chóng được thực hiện.  Bao lâu bạn tiếp tục sống như người Kitô hữu bạn tiếp tục tìm kiếm trật tự mới, cơ cấu mới, cuộc sống mới.

Bạn không chịu được việc có người còn ở bên lề đường, chán nản và tìm hạnh phúc trong những khoái lạc nhỏ bé mà họ dính bén.  Thấy mọi sự được xếp đặt sẵn và qui định sẵn làm cho bạn phẫn nộ và bạn cũng cảm thấy sự tha thứ cho mình, thoả mãn cho mình, vì bạn biết chắc chắn cái gì cao cả đang tới và bạn đã thấy những tia sáng đầu tiên.  Như Kitô hữu, bạn không những chủ trương rằng thế giới này sẽ qua, nhưng rằng nó sẽ phải qua đi để cho thế giới mới xuất hiện, và không có giây phút nào trong cuộc sống của bạn mà bạn có thể nghỉ ngơi khi xác tín không phải làm gì nữa.

Nhưng còn người Kitô hữu như thế chăng?  Nếu ta có cảm tưởng Kitô giáo hôm nay đang thất bại trong vai trò lãnh đạo tinh thần, nếu có vẻ như con người tìm ý nghĩa hiện hữu hay không hiện hữu, sinh ra và chết, yêu và được yêu, trẻ và già, cho và nhận, làm thương tổn hay bị thương, mà không có được câu trả lời do chứng tá cho Chúa Giêsu Kitô, bạn sẽ bắt đầu đặt vấn đề những chứng tá đến mức nào mới được tự xưng là Kitô hữu.

Chứng tá Kitô hữu là chứng tá cách mạng vì Kitô hữu tuyên xưng là Chúa sẽ trở lại và canh tân mọi sự.  Cuộc sống Kitô hữu là cuộc sống cách mạng vì Kitô hữu đặt ra khoảng cách cho mình với thế gian, và dù cho mọi nghịch cảnh, họ luôn nói rằng con người mới, sự bình an mới là điều có được và không có ta những điều đó không thể xảy ra.

Do đó không phải là nhiều quá vấn đề làm cho Kitô hữu thành nhà cách mạng khi muốn nhận ra nơi người cách mạng đương thời hình dáng thực của Chúa Kitô.  Vì có thể nơi con người không an hoà với thế gian và dấn thân toàn diện trong cuộc tranh đấu cho một tương lai đẹp hơn, chúng ta một lần nữa tìm ra con người hi sinh mạng sống cho nhiều người được tự do.

Ðâu là những dấu hiệu cho thấy nhà cách mạng thật?  Bất cứ lúc nào ta tìm kiếm ông ta, ta phải hiểu là những dấu hiệu đó không hoàn toàn hiển nhiên nơi cá nhân nào.  Nó luôn là vấn đề phản ứng, vết chân, tra cứu, dấu tay hay ghi dấu trên cây làm cho ta thấy có người đi qua đáng được tìm hiểu.

Người đó là ai?  Họ là người có năng lực thu hút lớn lao những người chung quanh họ.  Ai gặp ngài cũng ngất ngây vì ngài và muốn biết ngài hơn.  Ngài tiếp xúc với ai có cảm tưởng ngài có sức mạnh từ nguồn gốc phong phú mạnh mẽ.  Sự tự do nội tại do người mà có, cho ngài sự tự do, không kiêu hãnh hay dửng dưng, nhưng cho ngài khả năng vượt lên những nhu cầu khẩn thiết hay thúc bách nhất.  Ngài xúc động vì những gì xảy ra chung quanh nhưng không để cho nó đàn áp hay làm tan vỡ.  Ngài chú ý nghe, nói ra với uy tín hoàn toàn nhưng không dễ dàng vội vã hay bị kích thích.  Trong mọi việc ngài nói hay làm, hình như ngài có thị kiến sống động mà người nghe ngài có thể biết rõ nhưng không thể thấy được.  Thị kiến này hướng dẫn cuộc sống của ngài.  Ngài vâng phục nó.  Nhờ thị kiến ngài biết phân biệt thế nào là cái quan trọng và cái không quan trọng.  Nhiều điều có vẻ khẩn thiết khó làm cho ngài bị lay chuyển nhưng ngài lưu ý thực sự đến những điều mà người khác bỏ qua.

Ngài không phải không xúc động trước những gì làm người khác xúc động nhưng ngài gán cho những nhu cầu của họ một ý nghĩa khác, là chống lại thị kiến của mình.  Ngài sung sướng và hạnh phúc khi có người nghe mình nhưng ngài không ra ngoài để lập nhóm chung quanh mình để xây dựng một tổ chức hay phát động phong trào.  Không có phe nhóm nào phát triển được chung quanh ngài vì chính ngài không tha thiết với phe nhóm nào.  Ðiều ngài nói hay làm có giá trị thuyết phục và là chân lý tự nó hiển nhiên nhưng ngài không bắt ai theo, và cũng không bị xao xuyến khi có người không theo ý kiến ngài và không làm như ngài muốn.

Rev. Ngô tường DZũng, Texas, USA.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *