NIỀM VUI VÀ CHÂN LÝ PHỤC SINH

zzLễ Phục Sinh là lễ quan trọng nhất trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội.  Nó quan trọng nhất bởi vì niềm tin vào sự sống lại của Chúa Kitô là nền tảng bất biến của Kitô giáo.  Nó quan trọng nhất bởi vì nó đánh dấu khúc quanh có một không hai của lịch sử cứu độ.  Không có sự phục sinh khải hoàn thì không có Giáo Hội Công Giáo.

Không có biến cố phục sinh thì con người mãi mãi bị khống chế bởi sự đe dọa của cái chết.  Biến cố phục sinh cũng là cái gạch nối giữa thế gian tội lỗi chóng qua và cuộc sống Nước Trời thênh thang vô hạn.  Nước Trời đã hiện hữu giữa thế gian và sẽ tỏ lộ vinh quang trọn vẹn trong ngày Chúa Giêsu quang lâm.  Nói một cách đơn giản, biến cố phục sinh đem Nước Trời vào lòng người.

Biến cố phục sinh cũng gói ghém một chân lý căn bản nhưng cũng đầy mâu thuẫn của tư tưởng Kitô giáo: Đức Kitô chết đi để sự sống thật nảy nở, hay, qua cái chết vì tội lỗi Đức Kitô tiêu diệt chính sự chết.  Nói một cách gọn ghẽ thì cái chết sinh ra sự sống, hay, cái chết tiêu diệt sự chết.  Hoặc nói theo chiến thuật Á đông là “dĩ độc trị độc.”  Khi thần chết chiếm hữu thân xác Chúa Kitô cũng là lúc quyền năng Thiên Chúa hủy diệt thần chết và thăng hoa thân xác hay chết cũ đó, thành thân xác sáng láng của sự sống lại.

Chính vì thế biến cố phục sinh phải vừa là biến cố vui mừng nhất vừa là trọng tâm của suy tư nghiền ngẫm trong đời sống tâm linh.  Trong mọi nghi thức phụng vụ của mùa Chay, nhất là những sinh hoạt phụng vụ của Tuần Thánh, và cực điểm là biến cố Canh Thức Vượt Qua, tức lễ Vọng Phục sinh, đều là sự chuẩn bị cho niềm vui vô tả của con người khi Tin Mừng Phục Sinh được long trọng công bố khắp hoàn vũ.  Đây là niềm hứng khởi vững bền nhất và sâu xa nhất của con người.  Đây là niềm hoan hỉ trọn vẹn nhất và to lớn nhất của nhân loại.  Khi cái tối tăm vô tận của sự chết được gắn chung với cái thánh thiện chói ngời của Thiên Chúa thì cái va chạm của hai đối cực ấy phải là một sự tương phản vô hạn, phải là một tiếng sét rền vang phá tung cả thời gian và không gian.

Niềm vui phục sinh phải chiếm hữu cả con tim và khối óc của chúng ta, nếu chúng ta thực sự sống kinh nghiệm của mùa Chay.  Tất cả những hy sinh hãm mình, những việc từ thiện bác ái, những lần cầu nguyện riêng và chung, những nghi thức phụng vụ trang trọng, đều nhằm một mục đích duy nhất là chuẩn bị tâm hồn và thể xác chúng ta để niềm vui phục sinh có thể ngự trị và thẩm thấu qua mọi khe ngách của giác quan và cảm xúc.  Khi chúng ta để nỗi buồn của sự thương khó, để nỗi khổ của nhục hình mà Chúa Giêsu phải chịu, hay để cái độc hại ghê gớm của tội lỗi, lôi kéo chúng ta vào sự buồn thảm ê chề là chúng ta chuẩn bị một cách sai lầm cho biến cố phục sinh. Khi đó, chúng ta đã để những gì thuộc về con người – yếu đuối, gian tham, và độc ác – xóa mờ đi những gì thuộc về Thiên Chúa – can trường, hy sinh, và yêu thương vô hạn.

Ánh sáng phục sinh phải là trọng tâm của cái nhìn con người.  Chiến thắng vinh hiển của sự sống thần linh phải là sức lôi cuốn con người.  Tối tăm đã bị đẩy lùi.  Chết chóc đã bị đánh bại.  Trước mặt chỉ còn là con đường thênh thang sống trong thần khí và sự thật, chan hòa bình an và tin tưởng.  Thân xác chúng ta vẫn bất toàn và yếu đuối, tội lỗi vẫn rình rập và cám dỗ, nhưng chúng ta không còn ngu muội tối tăm mà dựa vào chính bản thân mình để bước tới và chiến đấu.  Ngược lại, chúng ta phải bám chặt vào sức sống thần linh phát sinh từ sự phục sinh làm nguồn trợ lực chính cho phần còn lại của cuộc lữ hành trần thế.  Con người cũ của chúng ta phải chết đi với cái chết của Chúa Giêsu để con người mới đầy Thần khí và sự thật, được sinh ra và lớn mạnh.

Niềm vui và sự bình an đến từ sự phục sinh của Đức Giêsu chỉ có thể tồn tại và ngày một thăng tiến khi tâm tưởng của chúng ta phải tiếp tục xuyên thủng cái chân lý đầy mâu thuẫn của vấn nạn tìm sự sống trong cái chết.  Sự mâu thuẫn của chân lý này sẽ giảm thiểu rất nhiều nếu chúng ta ý thức được rằng mỗi bản thể con người bao gồm hai chiều kích riêng biệt nhưng không thể tách rời.  Đó là chiều kích tự nhiên và chiều kích siêu nhiên.  Chiều kích tự nhiên sắp xếp con người vào loài động vật có vú và đi bằng hai chân.  Chiều kích siêu nhiên nhìn nhận một linh hồn bất tử và được tạo dựng trong yêu thương bởi một Đấng Hóa Công toàn năng từ ái.  Chiều kích tự nhiên chú trọng thỏa mãn những nhu cầu nội tại tiềm tàng trong con người: ăn, uống, ngủ, nghỉ, và giao hợp.  Chiều kích siêu nhiên hướng về Đấng Tạo Hóa để nên một với Người và chia sẻ sự sống vô hạn của Người.  Chiều kích siêu nhiên cũng hướng về tha nhân và tạo điều kiện cho họ lớn lên trong đời sống siêu nhiên.

“Tìm sự sống trong cái chết” có nghĩa là nhận ra những gì trong chiều kích tự nhiên mà nó có thể thỏa mãn những nhu cầu nội tại, nhưng lại đẩy chúng ta xa rời Thiên Chúa và tha nhân.  Những thứ đó cần được chết đi mỗi ngày, có nghĩa là được thanh tẩy từ từ.  Dĩ nhiên, không phải lúc nào những nhu cầu tự nhiên cũng đối chọi với đời sống siêu nhiên, mà nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, thời gian và không gian.  Có những trường hợp thỏa mãn một nhu cầu tự nhiên của chính mình hay của người khác cũng là làm đẹp lòng Chúa và làm thăng tiến con người.  Thí dụ, trước khi đi lễ mà cảm thấy mệt mỏi và có cơ hội ngủ một lúc, thì đáp ứng nhu cầu tự nhiên đó sẽ giúp chúng ta tham dự thánh lễ chăm chú và sốt sắng hơn.

Nói tóm lại, để hiệu quả của biến cố phục sinh là niềm an vui sung mãn có thể ở lại và lớn lên trong con người của chúng ta từ năm này qua năm khác, chúng ta cũng phải tái diễn những gì Chúa Giêsu đã phải trải qua trong cuộc thương khó: Chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.  Những gì trong con người chúng ta làm cản trở sự sống siêu nhiên phải được nhận ra và chết đi mỗi ngày.  Mỗi ngày, chúng ta phải xét mình coi trong ngày qua những hành động, tư tưởng và lời nói nào của mình trái ngược với chiều kích siêu nhiên, chúng ta xin Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan can đảm để từ bỏ chúng.  Chúng ta nhận ra những tác động nào nuôi dưỡng đời sống siêu nhiên, chúng ta cảm tạ Chúa cho chúng và cố gắng tiếp tục thực hiện.

Nếu chúng ta thực hành được châm ngôn “Tìm sự sống trong cái chết” đó từng tháng từng ngày, chúng ta sẽ thấu hiểu được những gì thánh Phaolô tuyên xưng, “Không phải là con sống mà là Chúa sống trong con.”  Khi đó, sự sống phục sinh không còn là một ước mơ xa vời nữa, mà đã thành mỗi hơi thở và nhịp đập của con tim mình.  Mắt sẽ rực sáng.  Khuôn mặt sẽ tràn niềm vui.  Và không có gì mà không thể thực hiện được.

Lm. Tô-ma Vũ Minh Đức, S.J.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *