CUỘC SỐNG LÀ MỘT QUÀ TẶNG

 (Lc 12, 32-48)

Phần lớn đoạn Phúc Âm nầy nói về sự đánh giá đúng mức đối với quà tặng của cuộc sống, đừng hoang phí hay để trôi mất.

Nhiều năm trước đây, Thornton Wilder đã sáng tác một vở kịch hay, nhan đề là “Our Town” (“Thành Phố Chúng Ta”).  Cảnh trí sau cùng của vở kịch là một nghĩa địa ở New England.  Ngồi trên những chiếc ghế đong đưa là những người dân thị thành đã chết, trẻ có, già có.  Họ có thể thấy và nghe người sống, nhưng người sống không thể thấy và nghe họ được.

Một em bé gái tên là Emily nhập bọn với họ.  Em vừa mới chết và phải xa cách gia đình một cách đau đớn.  Em chào hỏi những người bạn mới và cho biết ước nguyện đầu tiên của em là được trở về nơi chốn người sống, nhưng họ đã mạnh mẽ khuyến khích em không nên trở về.  Họ bảo: “Những người sống không quí trọng cuộc sống.  Tất cả những tặng phẩm của Chúa trên trần gian đều bị đánh giá thấp: Những buổi hoàng hôn, sinh hoạt nghệ thuật, tự do hát xướng, sức khỏe và tình bạn.

Tuy nhiên, mặc cho những lời cảnh cáo, Emily vẫn rời xa họ.  Em được Chúa cho sống lại một ngày trong đời em.  Ngày mà em chọn lựa là sinh nhật thứ mười hai của mình.  Trong thời gian mười mấy tiếng đồng hồ trong ngày đó, em nhận thấy không ai xem ra để ý tới em hết.  Họ rất bận rộn để chuẩn bị cho ngày sinh nhật của em.  Em đã khóc lên: “Tôi không thể tiếp tục được nữa.  Thời gian trôi qua rất nhanh.  Chúng ta không có thời giờ để nhìn mặt nhau nữa.

Rồi em nói tiếp: “Quả địa cầu ơi, ngươi quá đẹp đối với ai biết thưởng thức.”  Và rồi với đôi mắt đẫm lệ, em đặt câu hỏi: “Có bao giờ loài người nhận ra cuộc sống như thế nào khi họ đang sống trong đó không?”  Một tiếng nói đáp lại: “Không có.  Có thể các Thánh hay các thi sĩ mà thôi.

Sau đó em trở về với những bạn bè đã chết, dao động bởi nhận thức mới là những kẻ ra đi, mới là những người biết nhận chân giá trị đích thực của cuộc sống.  Vở kịch muốn nói lên điều nầy: Phần đông người ta “không sống” mà “chỉ hiện hữu” thôi.  Cuộc sống đã đi qua bên cạnh họ như một con thuyền trôi lờ lững trong đêm tối.

ZZCuộc sống là để sống

Henry David Thoreau đã viết lên giòng chữ tuyệt vời nầy: “Chúa ôi, khi đạt tới đích điểm sự chết, chính lúc đó người ta mới nhận ra mình chưa sống bao giờ.”  Thật buồn biết bao và đúng là một cuộc sống đã bị hoang phí!

Phúc Âm còn mạnh mẽ dứt khoát hơn.  Chúa phán: “Hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.” Hãy ăn mặc chỉnh tề vì cuộc sống.  Cuộc sống là để sống.  Ngài muốn chúng ta vui hưởng tất cả những gì Ngài đã trao ban cho chúng ta.

Triết gia Aristote có lần đã mô tả “học giả là người có thể tiêu khiển với một tư tưởng, với một người bạn và với chính mình.”  Nhiều người đã đánh mất khả năng thích thú, khoái trá.  Giống như những người trong vở kịch “Thành Phố Chúng Ta,” họ không biết làm thế nào để vui hưởng những chuyện tầm thường trong cuộc sống.

Họ giống những người rất bận rộn, để ra nhiều tháng lập nên kế hoạch nghỉ hè.  Họ vừa đến nơi và ở đó chẳng bao lâu, lại lo lắng giữ chỗ máy bay để trở về nhà.  Họ đi đó đây, chụp thật nhiều hình. Về sau, họ phô bày những hình ảnh về những nơi mà họ chưa bao giờ thấy, nhưng chỉ chụp được mà thôi.

Tôi nhớ lại đã trò chuyện với một chị đang hấp hối, ở lứa tuổi đôi mươi.  Chị nói một điều tôi không bao giờ có thể quên được: “Con thà chết trẻ mà biết sống, còn hơn sống già mà không bao giờ biết quý trọng cuộc sống.”  Đó là sự thách đố đối với đoạn Phúc Âm hôm nay.

Quà tặng phải được chia sẻ

Cuộc sống là một quà tặng vay mượn.  Chúng ta không trao tặng cuộc sống cho chính chúng ta. Nếu được, có thể chúng ta muốn sống mãi và trẻ mãi không già.  Điều rắc rối là phần đông chúng ta tự xem mình là sở hữu chủ cuộc sống chúng ta, thay vì xem đó là quà tặng được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta.

Chúng ta thường nói: “Đây là cuộc sống của tôi.  Tôi có thể sử dụng tùy thích.  Đây là thân xác của tôi.  Tôi có thể dùng nó để làm bất cứ điều gì mà tôi chọn lựa.  Đây là sức khỏe của tôi.  Tôi có thể tiêm vào mình bất cứ chất gì tôi thích.  Chúng ta thường nói là nhà cửa của tôi, phòng ốc của tôi, xe cộ của tôi, nhà thờ của tôi, giáo xứ của tôi, thành phố của tôi… tất cả là của tôi, của tôi và của tôi.

Chúng ta nói như thể chúng ta là sở hữu chủ những thứ đó.  Nhưng chúng ta không phải là sở hữu chủ, như cuộc sống đã nhắc nhở chúng ta.  Những thứ đó chỉ được cho chúng ta mượn tạm trong chốc lát.  Đó là một quà tặng phải được sử dụng một cách có trách nhiệm và đầy tinh thần sáng tạo.

Vậy đích thực Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?  Ngài muốn truyền đạt điều nầy: Bạn phải thương yêu mọi người!  Mọi người là anh em chị em của bạn.  Mọi người là con cái của Chúa.  Tôi phải quan tâm họ như thế nào, tình trạng pháp lý của họ ra sao, cũng như trình độ trí thức, màu da, tôn giáo hay chủng tộc của họ.

Bạn hãy nhìn thế giới nầy như một quà tặng để được san sẻ và không phài là một giải thưởng phải chiếm đoạt.  Mọi điều bạn có là quà tặng và người ta trông mong bạn chia sẻ tài năng, tiền bạc cùng thời giờ của bạn.  Chúng ta là những tạo vật.  Tất cả những gì chúng ta có là quà tặng của Cha trên trời.  Chúng ta không sở hữu chúng.  Chúng ta chỉ chia sẻ chúng.

Nữ Thánh Catherine Sienna là một trong số ít nữ tiến sĩ Giáo Hội, có lần đã nói về cuộc sống như sau: “Đó là thiên đàng thì tất cả mọi đường đều đưa tới thiên đàng; hoặc đó là hỏa ngục thì tất cả mọi đường đều đưa tới hỏa ngục.”  Sự lựa chọn tùy thuộc chúng ta.

Ngay Đấng Trao Ban Mọi Tặng Phẩm Tốt Đẹp không nghĩ tưởng là không chia sẻ cho chúng ta.  Nhưng đối lại, Ngài đòi hỏi điều gì?  Thật đơn giản, Ngài chỉ muốn chúng ta là những ủy viên quản trị tốt đẹp cho cuộc sống, chứ không phải là những sở hữu chủ của cuộc sống.

Nguyên Tác IN STEP WITH GOD. LM Vincent Travers, OP

Hương Vĩnh chuyển ngữ

One Reply to “CUỘC SỐNG LÀ MỘT QUÀ TẶNG”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *