TẨY RỬA TRÁI TIM

Văn hào Dostoevski trong tác phẩm “Anh em nhà Karamarov” có kể lại câu chuyện sau đây:  “Vào thời đại của toà phán quan ở Tây Ban Nha, người ta đã dựng những hỏa đài để thiêu sống những kẻ tà giáo.  Đức Kitô dịu hiền đột nhiên đến thăm con cái của Người ở Seville, Người về giữa loài người như một dân thường.  Đức Giêsu bước xuống những con đường sôi bỏng của thành phố phương Nam.  Nơi đây, mới hôm trước, vị phán quan vĩ đại đã cho thiêu sống hàng trăm tên tà giáo “Ad majorem gloriam Dei.”

Hỏa đài ngay trước khán đài danh dự có đông đủ vô số triều đình, các hiệp sĩ, các mệnh phụ xinh đẹp và cả Đức Hồng Y giáo chủ, Đức Giêsu nhẹ nhàng bước trên đường bằng dáng điệu trầm tĩnh, nhưng lạ lùng tất cả đã nhận ra Người.  Dân chúng xô đẩy nhau quấn quít bước chân Người.  Người lặng lẽ  vào giữa đám đông với nụ cười và ánh mắt từ bi.  Một cụ già mù van xin: “Lạy Chúa, xin cho con được sáng để con nhìn thấy Người.”  Một cái vảy rơi xuống và cụ nhìn thấy được.  Dân chúng vui mừng chảy nước mắt, và hôn lên mảnh đất chỗ Người đi qua.  Những em bé tung hoa trên lối Người đi.

Đức Kitô dừng lại trước giáo đường Seville ngay lúc có đám tang một cô bé bảy tuổi.  Cạnh cỗ áo quan màu trắng phủ đầy hoa, người mẹ đang nức nở.  Trong đám đông có người hô lớn: “Con bà sẽ hồi sinh.”  Người mẹ tha thiết: “Nếu đúng là Người xin hãy hồi sinh đứa con của con.”  Đức Giêsu nhắc lại lời thuở trước: “Talitha Kum” và em bé ngồi lên.

Đúng lúc đó, Hồng Y Giáo chủ và phán quan vĩ đại đi ngang qua.  Từ xa ông đã thấy hết.  Ông thấy chiếc áo quan đặt xuống, đứa bé hồi sinh.  Mặt ông xịu xuống, mắt ông chớp tia sáng ghê hồn.  Ông lấy ngón tay chỉ vào Đức Giêsu và ra lệnh cho bọn lính bắt Người.  Thế lực ông quá lớn nên ông khuất phục cả quần chúng.  Phán quan ra lệnh tống giam Giêsu.  Ông vào ngục một mình gặp Người.  Ông thương cảm nhưng “Luật là luật, trật tự của Giáo hội phải được bảo tồn bằng mọi giá.”  Ông tuyên bố: “Tôi chẳng rõ Người là ai.  Hình như Người là Đức Giêsu, nhân danh Giáo hội, Ad majorem gloriam Dei, ngày mai Ngài cũng lên giàn hỏa.”

*************************************

ZZVị phán quan trong câu chuyện trên cũng chỉ đi theo vết xe cũ của các Biệt phái và Ký lục Do Thái.  Bài Tin Mừng hôm nay chứng minh điều ấy.  Đức Giêsu đang ở Galilê, các Biệt phái và Ký lục từ Giêrusalem tới, nghĩa là họ phải vượt qua 170 km đường bộ để chỉ hỏi tại sao môn đệ Người không rửa tay trước khi ăn.  Điều đó cho thấy người Do Thái rất coi trọng việc tuân giữ các tập tục tiền nhân về vấn đề thanh tẩy.

Thực ra, lúc đầu luật rửa tay trước khi vào nơi thánh dành cho các tư tế.  Mục đích là tẩy rửa các ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng thờ phượng Chúa.  Sau này, dân chúng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện.  Với suy nghĩ tương tự họ cũng rửa tay trước khi ăn.  Ý tưởng này rất cao đẹp vì nó làm cho tôn giáo thấm nhập vào hành vi con người trong cuộc sống.

Khốn thay trong quá trình thực thi luật này, tôn giáo đã thái hóa đến chỗ chỉ còn giữ nghi thức bên ngoài.  Nghĩa là ai tuân giữ các nghi thức này thì được xem là đạo đức, là đẹp lòng Thiên Chúa, còn không tuân giữ là phạm tội.  Nói như nhà thần học William Barclay: “Người ta có thể căm thù tha nhân tận xương tủy mà không một chút áy náy vì họ đã tuân giữ chặt chẽ các nghi thức rửa tay và các nghi thức thanh tẩy khác.”  Tôn giáo không phải là một mớ luật lệ.  Tôn giáo là một diễn tả tình yêu, một phát minh của Thiên Chúa nhân từ.

Thế nên, Đức Giêsu mới vạch mặt sự giả hình của họ, vì họ chẳng quan tâm đến chuyện tẩy rửa trái tim.  Họ rửa tay để được an tâm.  Họ rửa tay để khỏi phải rửa tâm hồn.  Rửa tay thì dễ chứ rửa tâm hồn mới thực là khó.  Nhưng cái ô uế thực lại không từ bên ngoài vào, nó ở ngay trong trái tim mỗi người.  Đức Giêsu đã kể ra 12 ý định xấu từ trong trái tim.  Từ ý định xấu xa sẽ dẫn đến những hành vi tội lỗi (x Mc 7, 21-22).  Michael Taeboit nói: “Khi cái dằm tội lỗi ra khỏi mắt ta, tất cả thế giới sẽ tỏa sáng.”

Vậy điều quan trọng là phải đổi mới trái tim.  Đổi được trái tim là đổi được tất cả.  Điều cốt lõi trong đạo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy.  Việc đọc kinh dự lễ, suy niệm Lời Chúa, làm việc bác ái… tự chúng không bảo đảm rằng chúng ta thánh thiện, nếu chúng ta làm vì một lý do không đúng đắn.  Nó chỉ trở nên thánh thiện trước mặt Chúa khi những hành động ấy phát xuất vì tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.  Thánh Phaolô đã quả quyết:  “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà tôi không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13, 3).

*************************************

Lạy Chúa, xin nhắc cho chúng con nhớ rằng: luật lệ và nghi thức là cần thiết, nhưng đừng quên điều cốt lõi của luật Chúa là yêu thương.  Xin dạy chúng con chỉ biết có một điều: là chúng con làm mọi sự chỉ để kính mến Chúa và yêu thương anh em.  Amen!

Thiên Phúc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *