SỐNG HIỆP THÔNG CHIA SẺ

  • Có người nông dân dạy con trai mới lớn: Muốn cho mướp ra nhiều trái phải bấm ngọn.  Cậu bé hỏi: Tại sao?  Người cha trả lời: Vì nó tức nên nó đâm trái.  Có thể cậu bé không bằng lòng với câu trả lời của cha, nhưng sau này khi vào đại học nông nghiệp, cậu sẽ biết rõ lý do.
  • Một em bé đứng trước thi hài ông nội, hỏi mẹ: Mẹ ơi sao ông nội chết vậy hả mẹ?  Mẹ đáp: Vì ông nội già rồi. Bé lại hỏi: Thế bà nội già rồi sao không chết?  Chú Tư trẻ vậy sao lại chết.  Người mẹ vui mừng vì thấy con thông minh lý sự nhưng lúng túng không tìm ra câu trả lời thoả đáng.  Khi lớn lên bé sẽ hiểu lý do.

Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu nổi.  Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau:

Đố ai biết lúa mấy cây,
biết sông mấy khúc,
biết mây mấy tầng.

…..

Đố ai quét sạch lá rừng,
để ta khuyên gió,
gió đừng rung cây.

Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất.  Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực, qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa.  Và vì không có được một định nghĩa như vậy nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm vậy.

Thế nhưng, tình yêu ấy có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa.  Trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là cao cả nhất, khó hiểu nhất.  Như sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu.  Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa cho chúng ta”.

Trước mầu nhiệm Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao sâu, trí khôn nhỏ bé của con người không thể hiểu nổi. Tại sao Một Chúa mà Ba Ngôi?  1 là 3 và 3 là 1?

518Vậy phải hiểu và đón nhận mầu nhiệm quá cao siêu này như thế nào?

Ba Ngôi là một mầu nhiệm thuộc đời sống nội tại của Thiên Chúa, vượt qúa mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn hữu hạn con người.  Qua bao thời đại, trí khôn con người dựa vào mạc khải để tìm hiểu huyền nhiệm sâu thẳm này.

Thánh kinh có bàn nhiều về mầu nhiệm Ba Ngôi

  • Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất nhưng cũng có mầm móng về mầu nhiệm Ba Ngôi. Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất của Cựu ước ( Đnl 6, 4-5).  Điều này cần thiết cho bối cảnh đa thần giáo ở Trung đông thời bấy giờ.
  • Mạc khải Tân ước dạy rõ ràng hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”  Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần sẽ lo cho Hài Nhi sắp sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.  Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan.  Chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga 1, 32-34).  Tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là con Ta yêu dấu (Mt 1, 11).  Tiếng nói, chim câu, Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi.  Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bào Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…”  Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bào Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.

Trong phúc âm Matthêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19).  Thánh Phaolô luôn cầu chúc: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.

Chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi và là Ba Ngôi:  Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần.  Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa, dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.  Mỗi ngôi vị đều bằng nhau về về thần tính và ưu phẩm, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa.  Mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất.

Nói theo từ ngữ của Công đồng Vatican II:  Sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha, Chúa Cha chia sẻ và bàn bạc sáng kiến ấy với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Việc thực hiện sáng kiến ấy giống như một bản trường ca gồm hai phần chính.  Đức Kitô thực hiện phần đầu.  Ngài nhập thể, mạc khải về Chúa Cha dâng lên Cha hy lễ thập giá để cứu độ.  Phần hai dựa vào công trình ấy mà nâng con người lên, đưa con người về cùng Cha, đó là phần vụ của Chúa Thánh Thần.

 

Thánh Ignatio Loyola trong một lần cầu nguyện, bỗng nhiên nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.  Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau hướng về nhau.  Ba Ngôi là một gia đình.  Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau.  Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ trung, chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo.  Trung với Chúa, hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin.  Thực tại Ba ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.  Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói lòa rực rỡ, ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.

Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quang Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần.  Giáo hội là dân tộc lữ hành, phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Đức Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần.  Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần.  Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x. GH 1; GLCG số 772).  Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội.  Giáo hội là công trình của Ba Ngôi.  Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

Nhìn lên cung thánh, ta thấy Thánh Giá, Nhà Tạm, Bàn Thờ.  Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu.  Trên Thánh Giá, Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha.  Ngài tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha, để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài.  Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực.  Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô.  Khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.

Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh, cùng một sự sống đó là tình yêu thần linh.  Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ.  Với chúng ta sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô, Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua thánh thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6, 34).  Khi chia sẽ chén hiệp thông cuả Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một (Ga 17, 21).

Chúng ta đến Nhà thờ để tìm Chúa và gặp Chúa.  Nói theo kiểu nói của Đức Hồng y Henry de Lubac: Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương.  Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng.  Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến.  Nhưng Thiên Chúa vừa là bến bờ vừa là đại dương.  Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa.  Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa, tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa.  Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu, không gặp mâu thuẫn đau khổ.  Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần.

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong tình yêu.  Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác “Nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh thần.”  Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, hiệp thông chia sẽ trong cuộc sống hàng ngày của mình.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *