ÔNG THÁNH HAY LÀM PHÉP LẠ 

523Người ta thường gọi thánh Antôn Pađua là “ông thánh hay làm phép lạ.”  Ngài là linh mục tiến sĩ Hội Thánh.  Tuy ngay lúc sinh thời Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, nhưng Ngài một mực hạ mình khiêm nhu.  Chính sự khiêm nhượng cộng với lòng mến Chúa yêu Ðức Mẹ say mê và thương người tha thiết của Ngài đã làm nên phép lạ.

Mở mắt chào đời vào năm 1195 tại Lisbon, thủ đô Bồ Ðào Nha, Ngài được đặt tên là Phênanđô.  Thuộc dòng dõi sang trọng và đạo hạnh, Phênanđô được mẹ ân cần dậy dỗ ngay từ tấm bé.  Giêsu Maria là những tiếng Phênanđô bập bẹ đầu tiên trong đời.  Ngay từ nhỏ, Phênanđô đã khấn giữ mình đồng trinh theo gương Ðức Mẹ.  Cậu đặc biệt yêu thương những kẻ khó nghèo.  Lên 10 tuổi, Phênanđô được mẹ trao phó cho cha bác huấn luyện chữ nghĩa và đường đạo đức.

Một lần Phênanđô đang sốt sắng quì cầu nguyện trước Ðức Mẹ thì bị ma quỉ nổi cơn ghen lôi đình, hắn nhẩy lên vai và bóp cổ cậu cho chết.  Cổ họng bị tắc nghẽn không sao kêu tên Giêsu Maria được.  Phênanđô liền dùng ngón tay vẽ hình thánh giá trên bậc đá.  Ma quỉ vô cùng khiếp sợ, hắn buông cậu ra, vội biến mất.  Chúa đã làm phép lạ khiến đá ra mềm, in sâu hình Thánh Giá cậu vẽ vào bậc đá.

Năm 17 tuổi, Phênanđô từ giã thế gian, vào tu dòng thánh Augustinô tại Lisbon.  Sau 2 năm, thầy xin đến một tu viện khác, xa nhà quê để dễ bề tu trì.  Bề trên sai thầy tới Cônimbriga.  Tại đây thầy học hành rất thông giỏi và nổi tiếng nhân đức.  Nhưng thầy luôn xưng mình là vô dụng, và chỉ muốn làm những công việc hèn hạ.

Sau khi khấn dòng, nhiệm vụ của thầy Phênnanđô là coi sóc bệnh nhân.  Thầy rất yêu thích nhiệm vụ này vì có dịp hãm mình và tỏ lòng yêu thương anh em.  Một lần, nhân dịp Lễ Chúa Giáng Sinh, vì ngăn trở giúp bệnh nhân nên thầy không thể dự lễ chung với nhà dòng.  Khi nghe chuông báo hiệu dâng Mình Thánh Chúa, thầy liền quì gối quay về phía nhà thờ.  Bỗng nhiên bức tường ngăn cách giữa nhà thờ và phòng y tế nứt ra, dành chỗ cho thầy chiêm ngắm Mình Thánh Chúa trên bàn thờ.

Năm 25 tuổi, thầy Phênanđô trở thành một linh mục dòng Augustinô.  Nhưng cha lại cảm mến gương lành và cuộc sống thánh thiện của thầy dòng Phanxicô lúc đó mới được thành lập, nhất là vô cùng cảm phục gương 6 thầy Phanxicô mới chết vì đạo.  Ðược ơn trên soi dẫn, cha đến xin bề trên chuyển sang dòng Phanxicô.  Bề trên chấp thuận sau khi biết rõ Thánh Ý Chúa.  Trong dòng Phanxicô, cha Phênanđô được đổi tên là Antôn.

Thời gian đầu tại dòng Phanxicô, người ta chưa biết tiếng nhân đức và sự thông thái cha Antôn, nên cha được trao cho nhiệm vụ rửa bát đĩa và quyét nhà.  Nhưng không bao lâu, danh tiếng cha được biết đến.  Chính cha thánh Phanxicô sai cha đi giảng đạo khắp miền Bắc Ý rồi qua cả nước Pháp.

Thiên Chúa đã dùng cha Antôn làm nhiều phép lạ để xác nhận những chân lý và mầu nhiệm trong đạo Công Giáo.

Một người giầu có, nhưng sống đời hà tiện, tham lam của cải.  Sau khi ông chết, cha Antôn trưng lời Chúa Kitô đã phán: “của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.  Đồng thời sai người đi mở két vàng của người quá cố thì thấy một trái tim bằng thịt đang nằm chình ình trong két!  Vàng bạc bạn ở đâu, con tim bạn cũng ở nơi đó!

Một lần cha Antôn giảng về mầu nhiệm Chúa Giêsu ngự thật trong Thánh Thể.  Có người lạc đạo không tin, đến thưa với Ngài:

  • Nếu xem thấy phép lạ, tôi mới tin!

Cha Antôn nói với anh:

  • Hãy để con lừa của anh nhịn đói 3 ngày, rồi đem nó tới cửa nhà thờ, anh sẽ thấy phép lạ.

Ðúng ngày hẹn, người kia đem còn lừa đã nhịn đói ba ngày và thúng đồ ăn đến trước cửa nhà tờ, thấy thúng đồ ăn trước mắt, nó vội vàng chạy tới ăn lấy ăn để.  Nhưng vừa lúc đó, cha Antôn kiệu Mình Thánh Chúa tới cửa nhà thờ.  Lạ lùng thay, con lừa đột nhiên bỏ ăn, đến trước Thánh Thể Chúa: Nó quì gối, cúi đầu lậy ba lần.  Người lạc đạo đã tin, và sau đó trở lại Công Giáo.

Lần khác, ngài giảng ngoài bãi biển.  Nhiều người rối đạo cũng hiện diện, nhưng họ lấy tay bịt tai không nghe lời giảng.  Cha Antôn liền quay ra biển: “Loài người không thèm nghe lời giảng.  Vậy các ngươi hãy đến đây mà nghe!”

Lập tức, muôn vàn cá lớn cá bé nhô đầu lên khỏi mặt nước để nghe lời Ngài.  Cha Antôn nói với chúng:

  • Các ngươi hãy cảm tạ Thiên Chúa đã gìn giữ và nuôi dưỡng các ngươi.

Bầy cá gật đầu tỏ dấu nghe lời Ngài.  Sau đó cha ra hiệu cho bầy cá giải tán, chúng lần lượt chìm dần trong làn nước biển.

Một hôm, có người đến xưng tội với Ngài, nhưng vì quá xúc động, ông ta không thể nói lên lời.  Cha Antôn bảo ông viết các tội vào giấy rồi đưa cho Ngài xem.  Sau khi ban ơn Xá Giải, cha Antôn trao lại tờ giấy cho ông.  Về tới nhà, ông đem tờ giấy đã viết tội đi đốt, nhưng lạ lùng thay, khi mở ra, chỉ còn là một tờ giấy trắng bóc!  Trở lại gặp cha Antôn, ông thưa Ngài đầu đuôi câu truyện, Ngài nói với ông:

  • Chúa đã làm phép lạ để chứng nhận quyền tha tội của các vị linh mục.

Ngày khác, ba của cha Antôn tại Lisbon bị cáo Gian về tội giết người.  Dù dang ở xa quê hương, Thiên Chúa đã soi lòng cho cha biết giúp đỡ.  Bỗng nhiên cha thấy mình có mặt tại Lisbon.  Cha xin quan đem xác người chết tới công đường, rồi Ngài truyền cho xác chết sống lại và hỏi:

–     Có phải ba tôi đã giết anh không?

Anh ta trả lời “không phải” rồi lại lăn đùng ra chết!  Cùng lúc đó, cha Antôn thấy mình đang ở nhà dòng.  Ba của Antôn đã được giải oan.

Có lần, cha Antôn vào trọ tại một gia đình.  Giữa đêm, chủ nhà thấy phòng cha tự nhiên rực sáng.  Ngó vào trong phòng, ông bỡ ngỡ thấy cha đang ẵm bế Chúa Hài Nhi, âu yếm hôn kính và thưa truyện với Ngài.

Năm 1231, cha Antôn thấy mình yếu sức, nên xin về thành Pađua dọn mình chết.  Ngài lìa bỏ đời này cách êm ái ngay năm đó, sau khi đã sốt sắng chịu các Phép và hớn hở hát bài ca ngợi khen Ðức Mẹ.  Ngài chết khi mới được 36 tuổi.  Người ta lũ lượt tới viếng xác ngài ba ngày ba đêm liên tục.  Sau đó ngài được an táng trong nhà thờ thành Pađua.

Chúa đã làm vô vàn phép lạ do công nghiệp và lời bầu cử của cha Antôn, nên chỉ một năm sau khi qua đời, Giáo hội đã phong thánh cho ngài.  Chính ngày phong thánh cho cha Antôn, chuông các nhà thờ thành Lisbon tự nhiên đồng loạt kêu vang, mặc dù không có ai kéo.  Hai mươi ba năm sau, người ta cải mộ Ngài đưa vào nhà thờ mới.  Lúc đó, lưỡi Ngài vẫn còn tươi tốt như khi còn sống, chiếc lưỡi Ngài đã dùng để rao giảng lời Chúa và cứu giúp anh em đồng loại.  Hằng năm Giáo Hội mừng kính Ngài vào ngày 13 tháng 6.

Chính lòng khiêm nhượng, yêu Chúa, mến Ðức Mẹ và thương người của cha Antôn đa biến Ngài thành vị đại thánh, một vị thánh hay làm phép lạ.

LM Raymond Thư, CMC

http://www.dongcong.net

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *